Iran khẳng định không tìm cách gây leo thang căng thẳng trong khu vực

Ngày 16/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian khẳng định Tehran không theo đuổi việc gây leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tên lửa được phóng từ Iran về phía Israel tối 13/4/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN

Phát biểu trên được ông Amir-Abdollahian đưa ra trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Indonesia, bà Retno Marsudi.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho biết hai Ngoại trưởng đã thảo về những diễn biến mới nhất ở Trung Đông, trong đó có xung đột giữa Iran và Israel, tình hình ở Dải Gaza, cũng như các vấn đề quan hệ song phương.

Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nhấn mạnh rằng Iran sẽ luôn là một phần quan trọng cho sự ổn định và an ninh bền vững trong khu vực. Ông cũng khẳng định cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa của Iran nhằm vào Israel nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Về phần mình, Ngoại trưởng Indonesia kêu gọi tiếp tục duy trì hợp tác giữa hai nước trong vấn đề Palestine, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Gaza và sự nghiệp của người Palestine.

Trong diễn biến liên quan, ngày 16/4, người phát ngôn Quân đội Israel (IDF) Daniel Hagari tuyên bố Israel sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran. Người phát ngôn này nêu rõ Israel sẽ chọn thời điểm, địa điểm và cách thức đáp trả.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Israel kêu gọi 32 quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng như chương trình tên lửa của Iran.

Chia sẻ trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz cho biết bên cạnh phản ứng quân sự, Israel cũng thực hiện các biện pháp ngoại giao đối với Iran, theo đó gửi thư tới 32 quốc gia và thảo luận với ngoại trưởng cũng như các nhân vật hàng đầu trên thế giới, kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với dự án tên lửa của Iran và IRGC.

Iran đã bắn hơn 300 tên lửa và thiết bị bay không người lái về phía Israel trong đêm 13/4. Tehran tuyên bố cuộc tấn công này nhằm đáp trả vụ không kích do Israel tiến hành nhằm vào tòa nhà lãnh sự thuộc Đại sứ quán Iran ở Syria khiến bảy người thiệt mạng, trong đó có hai tướng lĩnh của IRGC.

Hầu hết các tên lửa và thiết bị bay của Iran đã bị chặn trước khi tới lãnh thổ Israel. Mỹ cùng với Anh, Pháp và Jordan kết hợp với thông tin tình báo từ một số quốc gia vùng Vịnh, bao gồm cả Ả-rập Xê-út, đã hỗ trợ Israel đánh chặn vụ tấn công của Iran. Cộng đồng quốc tế hiện đang liên tục kêu gọi giảm leo thang căng thẳng tại khu vực.

Cùng ngày 16/4, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi “hạ nhiệt ngay lập tức” các hành động thù địch tại Trung Đông.

Trước đó, tại cuộc họp khẩn cấp ngày 14/4 của Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng Thư ký Antonio Guterres cũng cảnh báo Trung Đông đang bên bờ sụp đổ và giờ là lúc các bên phải lùi lại một bước.

Cùng ngày 16/4, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Anh Rishi Sunak lưu ý rằng tình trạng leo thang căng thẳng ở Trung Đông không có lợi cho bất cứ bên nào. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, ông Sunak kêu gọi các bên bình tĩnh, đồng thời nhấn mạnh rằng sự leo thang đáng kể sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở Trung Đông.

Tại Israel, kết quả khảo sát của Đại học Hebrew công bố ngày 16/4 cho thấy gần 3/4 số người được hỏi tại nước này phản đối việc tấn công trả đũa Iran nếu hành động đó gây tổn hại liên minh an ninh của Israel với các đồng minh.

Ngoài ra, 59% cho rằng việc Mỹ hỗ trợ Israel chống lại cuộc tấn công của Iran buộc Tel Aviv phải phối hợp hành động về mặt an ninh trong tương lai với Washington. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 14 -15/4 qua Internet và điện thoại, lấy ý kiến của 1.466 người Israel trưởng thành, bao gồm cả nam và nữ, người Do Thái và người Ả-rập.

Trong diễn biến khác, giới phân tích cho rằng Mỹ khó có thể siết trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, huyết mạch kinh tế của nước này, sau vụ tấn công Israel cuối tuần trước do lo ngại giá dầu tăng và tránh phản ứng của các khách hàng mua nhiều dầu của Iran.

Giám đốc Điều hành Tập đoàn Năng lượng Rapidan, Scott Modell, nhận định nếu các dự luật trừng phạt được thông qua, Chính phủ Mỹ khó thực hiện nghiêm ngặt. Năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt lệnh trừng phạt lên dầu thô của Iran. Ông rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân được biết với tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) mà Mỹ và Iran đạt được năm 2015.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ngăn cản Iran lách luật để bán dầu ra nước ngoài bằng cách trừng phạt các doanh nghiệp mua dầu của Iran.

Rapidan ước tính xuất khẩu dầu của Iran đạt khoảng 1,6-1,8 triệu thùng/ngày. Con số này gần với mức 2 triệu thùng/ngày đạt được trước khi Iran bị trừng phạt. Khả năng tác động lên giá xăng, dầu là một trong số lý do khiến ông Biden e ngại khi siết trừng phạt Iran.

Chuyên gia về chống rửa tiền và trừng phạt tại tổ chức tư vấn chính sách Atlantic Council, Kimberly Donovan, cho rằng Chính phủ Mỹ sẽ khó siết trừng phạt sau vụ việc giữa Iran và Israel cuối tuần trước vì lo ngại điều này sẽ kéo giá dầu lên.

Ngoài ra, việc siết trừng phạt còn có thể đe dọa quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Thực tế, quan hệ hai nước đã căng thẳng trong vài năm qua do loạt vấn đề chính trị, thương mại và công nghệ. Gần đây, lãnh đạo hai nước đang tìm cách cải thiện quan hệ song phương.

Theo ước tính của hãng dữ liệu Vortexa Analytics, Trung Quốc hiện là khách mua lớn nhất với dầu Iran, với 1,11 triệu thùng dầu thô/ngày vào năm 2023. Con số này tương đương gần 90% lượng xuất khẩu của Iran và 10% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.

Nhà phân tích về Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Jon Alterman, cho rằng Chính phủ Mỹ có những hạn chế trong việc áp đặt trừng phạt Iran và không thể cắt đứt hoàn toàn xuất khẩu dầu của nước này.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/315471/iran-khang-dinh-khong-tim-cach-gay-leo-thang-cang-thang-trong-khu-vuc.html