Iran có tổng thống mới, đàm phán hạt nhân vẫn khó tiến triển

Đúng như dự báo ban đầu, kết quả cuộc bầu cử vừa qua ở Iran với việc Nhà nước Hồi giáo có tổng thống mới khó có khả năng tác động tới lộ trình các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ về khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015...

Ngày 21-6, Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi trả lời các cơ quan truyền thông đã bộc lộ những quan điểm khá cứng rắn trong chính sách đối ngoại của Tehran, bao gồm cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Ông Raisi tuyên bố không gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và bảo vệ quan điểm cho rằng Iran có các quyền lợi hợp pháp trong chương trình tên lửa của mình. Ông loại trừ bất kỳ sự hạn chế nào đối với năng lực tên lửa của Iran, cho rằng chương trình tên lửa là “không thể đàm phán” và tiếp tục ủng hộ các nhóm vũ trang ở khu vực.

Cuộc đàm phán hạt nhân Iran đang diễn ra ở Vienna (Áo). Ảnh: Reuters

Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho biết, Mỹ chưa có ý định hướng tới một cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống mới của Iran. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi hiện không có quan hệ ngoại giao với Iran hay lên bất cứ kế hoạch nào về cuộc gặp ở cấp lãnh đạo”.

Việc cả Mỹ và Iran bày tỏ lập trường cứng rắn ngay từ đầu đã củng cố dự báo không mấy lạc quan về những tiến triển trong cuộc đàm phán hạt nhân đang được tiến hành ở Vienna (Áo). Tổng thống đắc cử Raisi thẳng thắn yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ông cho rằng Mỹ đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân và Liên minh châu Âu (EU) đã không thực hiện các cam kết của mình do chịu sức ép từ các chính sách của Mỹ.

Tổng thống đắc cử Iran mặc dù muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nhằm bảo đảm sự nới lỏng lệnh cấm vận từ Mỹ để cứu nguy cho nền kinh tế nhưng vẫn không từ bỏ những điều kiện cốt lõi của Tehran trong quá trình đàm phán. Việc Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran sẽ là cơ hội để chính quyền mới ở Iran ghi điểm đối với người dân. Phe ôn hòa của cựu Tổng thống Hassan Rouhani đã thất bại trong cuộc bầu cử vì không được lòng dân bởi những nỗ lực hàn gắn với Mỹ và phương Tây trong khi các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn chưa được gỡ bỏ. Theo giới quan sát, dù có quan điểm chống phương Tây nhiều hơn so với thời Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani, tổng thống đắc cử Iran sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp để điều hành đất nước trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng tác động của các lệnh trừng phạt. Tân tổng thống Iran được cho là sẽ điều hành đất nước phù hợp với các chính sách cứng rắn và bảo thủ của Đại giáo chủ Khamenei.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết, ông hy vọng các cuộc thảo luận về điều khoản của thỏa thuận hạt nhân nhiều khả năng có thể được hoàn tất trước khi ông Rouhani mãn nhiệm vào tháng 8 tới và ông Raisi chính thức nắm quyền. Nếu đàm phán kéo dài tới khi ông Raisi nhậm chức, mọi việc sẽ phụ thuộc vào nhân vật nào sẽ được ông bổ nhiệm cho chiếc ghế bộ trưởng ngoại giao Iran. Năm 2015, ông Javad Zarif đã góp phần đáng kể vào thành công của thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran với nhóm P5+1.

Về chính sách đối ngoại, tổng thống đắc cử của Iran tuyên bố muốn tương tác với thế giới và ưu tiên cải thiện quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực. Ông nêu rõ không thấy có vấn đề gì trong việc mở cửa đại sứ quán với Saudi Arabia nhưng kêu gọi Saudi Arabia dừng việc can thiệp vào Yemen ngay lập tức. Giới phân tích cho rằng, về chính sách đối ngoại, Iran dưới thời ông Raisi có thể sẽ có những thay đổi về giọng điệu, nhưng sẽ ít thay đổi về các mục tiêu cụ thể và những thách thức mà quan hệ đối ngoại của Iran đang phải đối mặt.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/iran-co-tong-thong-moi-dam-phan-hat-nhan-van-kho-tien-trien-663274