Iran cho Nga dùng căn cứ quân sự: Mưa rào sa mạc

Nga có thể sử dụng các căn cứ quân sự của Iran để chống khủng bố tại Syria, dựa trên từng trường hợp cụ thể.

Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 28/3.

Theo ông Mohammad Javad Zarif các quan chức Nga và Iran sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực, trong đó có Syria, tại một cuộc họp ở Điện Kremlin (Nga) vào tối cùng ngày.

Trước đó hôm 27/3, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã dẫn đầu một phái đoàn tới Moscow để tham gia cuộc họp nói trên.

Tuyên bố của Iran xuất hiện không lâu sau khi 3 nước Nga- Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thắt chặt quan hệ trong giải quyết vấn đề Syria và đã tổ chức buổi đàm phán hòa bình quan trọng về tương lai chính trị của Damacus tại Kazakhtan hồi cuối tháng 1.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif

Được biết, chiến đấu cơ của Nga lần đầu sử dụng căn cứ quân sự của Iran để tiến hành không kích vào lãnh thổ Syria hồi tháng 8 năm ngoái nhưng bất ngờ ngưng các hoạt động tại căn cứ tại Iran không lâu sau đó.

Mặc dù thông tin cụ thể không được xác nhận nhưng có nhiều nguồn tin cho rằng Iran đã buộc Nga phải rời căn cứ nói trên do vấp phải làn sóng chỉ trích từ phía Mỹ và một số nhà lập pháp Iran.

Tuy nhiên đến đầu tháng 2, Iran đã một lần nữa mở cửa không phận cho máy bay Nga thực hiện các nhiệm vụ không kích nhằm vào các căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Đại cục Trung Đông

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh các cuộc xung đột tại Syria, Iraq, Yemen chưa có dấu hiệu lắng xuống, Nga và Iran dường như đang tiếp tục thắt chặt hợp tác trong các lĩnh vực có chung lợi ích nhằm mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông cũng như trong các hoạt động chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Việc Iran muốn Nga sử dụng các căn cứ quân sự của mình một phần là do vai trò của Iran trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đã suy giảm.

Bên cạnh đó, có rất nhiều nhân tố mới nổi lên như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập khiến Iran không khỏi nhấp nhổm lo lắng.

Trước đây, Iran cũng có tiếng nói rất quan trọng đối với chính quyền Syria và tham gia tích cực trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chiến trường Syria vai trò của Moscow đang ngày càng lớn, trong khi ảnh hưởng của Iran ngày càng thu hẹp lại.

Syria ngày càng phức tạp và Tehran không muốn bỏ lỡ thời cơ trở thành nhân tố chủ chốt trong bàn cờ hòa bình Syria bằng cách tiếp tục kết thân với Nga nhằm thể hiện sức mạnh quân sự, nâng cao ảnh hưởng trong khu vực và răn đe những thế lực thân Mỹ xung quanh mình.

ổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Iran, Hassan Rouhani.

Ngoài ra, Nga- Iran vốn là đồng minh thân cận, đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế. Nga đã kiên trì phản đối những dự định giáng đòn quân sự vào Iran, kiên trì thuyết phục Mỹ và các nước phương Tây chấp nhận giải pháp hòa bình cho Iran.

Có thể nói rằng, việc Iran tồn tại, phát triển trong vòng vây của các thế lực thù địch có công lao rất lớn của Nga. Cùng với đó, Moscow có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Iran về phát triển kinh tế hậu cấm vận.

Gỡ thế bí

Tổng thống Donald Trump đang có những bước tiến đặc biệt nhằm chuẩn bị cuộc chiến nhằm vào Iran. Ngày 2/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn đã công bố "sự cảnh báo chính thức" với Iran.

Ông Flynn cáo buộc Iran về việc phiến quân Yemen đã tấn công tàu chiến của Saudi, các thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung (không trái với nghĩa vụ quốc tế của Iran) và "những hành vi gây bất ổn định ở Trung Đông."

Ông này tuyên bố rằng: "Chính quyền của ông Trump lên án hành động của Iran phá hoại sự an ninh, thịnh vượng và ổn định trong và ngoài khu vực Trung Đông, gây nguy hiểm cho sinh mạng các công dân Mỹ."

Ngay sau lời tuyên bố của ông Flynm, Tổng thống Trumpđã tuyên bố mở rộng lệnh trừng phạt Iran nhằm vào 13 cá nhân và 12 doanh nghiệp.

Mỹ ''cảnh báo chính thức" với Iran.

Cần nói rằng ''mối đe dọa sinh mạng các công dân Mỹ'' là sự cáo buộc rất nghiêm trọng theo chuẩn mực của Mỹ, lý do mà Washington đã nhiều lần sử dụng để tiến hành các hành động quân sự.

Ngày 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: "Iran là quốc gia tài trợ khủng bố lớn nhất trên thế giới".

Đến hôm Chủ nhật, 5/2, Tổng thống Donald Trump cho biết ông coi Iran là "nhà nước khủng bố số 1''.

Không chỉ vậy, thời gian gần đây Mỹ đang tăng cường sự hiện diện của mình bằng cách điều hàng ngàn quân tới Manbij (Syria), Mosul (Iraq). Thậm chí Washington còn tính đến việc thành lập một khu vực chung nối liền Mosul với Đông Syria.

Việc Mỹ tăng cường sự hiện diện của mình ngay sát nách Iran cùng với những tuyên bố cứng rắn trong cách tiếp cận với đất nước Trung Đông này đã khiến cho Tehran đứng ngồi không yên.

Do đó, sự hiện diện của Nga trên lãnh thổ Iran trong bối cảnh này chẳng khác nào ''nắng hạn gặp mưa rào''.

Lâm An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/iran-cho-nga-dung-can-cu-quan-su-mua-rao-sa-mac-3332058/