Intel, Samsung, LG muốn mở rộng đầu tư, phát triển lâu dài ở Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp FDI lớn đang cân nhắc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới vào Việt Nam, thể hiện mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong hành trình dài hạn.

Sáng 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Tại hội nghị, các doanh nghiệp đưa ra những nhận định về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và ý định đầu tư vào đây.

Sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam

Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội: Các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Với khảo sát của JETRO, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.

Còn ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, hiện nay, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước năm ngoái đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất lịch sử là 87,7 tỷ USD.

Theo ông Hong Sun, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như: Công ty điện tử Samsung - doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam- cũng đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái.

Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek hiện mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Ông Hong Sun cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham). (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam cũng nói: "Khoản đầu tư của chúng tôi đã tăng lên 1,5 tỷ như một trong những hoạt động lắp ráp/thử nghiệm quan trọng tại Intel và chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam.

Là công ty công nghệ cao đầu tiên đầu tư vào Việt Nam, tầm nhìn của chúng tôi về việc tạo ra một tương lai cho Intel và Việt Nam không thay đổi kể từ ngày đầu tiên và chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong hành trình dài hạn này".

Còn ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam, tiết lộ: "Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường quy mô 6.000 nhân viên trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chất lượng cao. Chúng tôi sẽ tính đến việc mở rộng sang lĩnh vực khác, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, logistic. Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ khó khăn với hàng loạt những vấn đề và khủng hoảng, cạnh tranh rất cao của các quốc gia. Tuy nhiên, mọi vấn đều tiềm ẩn cơ hội. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ có cơ hội để nổi lên".

Việt Nam cần làm gì để hút đầu tư nước ngoài?

Để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn...

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho rằng Việt Nam cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.

EuroCham hoan nghênh quyết định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng. Điều này sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.

"Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA", ông nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bên lề Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo hướng đó, EuroCham khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chính phủ có thể xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng sắc thuế này đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.

Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.

Cũng liên quan đến vấn đề về thuế, ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Trong khi đó, ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) mong muốn Việt Nam đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cần sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.

Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

"Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi vẫn có những quan ngại về sự chưa ổn định trong chính sách về điện của Việt Nam và mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch. Điều này sẽ nhanh chóng có tác động tích cực vào tính cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi việc này", ông nói.

Chuyển đổi năng lượng xanh

Chủ tịch EuroCham nhận xét, việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng, khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng. Theo ông, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII.

Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp nên được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp.

Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU”, ông Gabor Fluit đề xuất.

Ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cần sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.

Ngọc Vy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/intel-samsung-lg-muon-mo-rong-dau-tu-phat-trien-lau-dai-o-viet-nam-ar767671.html