Indonesia: Thanh toán nội tệ sẽ tăng ít nhất 10% trong năm 2022

Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) kỳ vọng giá trị giao dịch sử dụng khung thanh toán nội tệ (LCS) sẽ tăng ít nhất 10% vào năm 2022 khi ngày càng có nhiều cá nhân và công ty sử dụng phương thức này.

Đồng nội tệ rupiah của Indonesia. Ảnh: Reuters

Ngày 17/2, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới tại Jakarta, Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết các giao dịch sử dụng LCS của Indonesia đã đạt 2,53 tỷ USD vào năm 2021, cao hơn gấp hai lần năm trước.

Sau khi thiết lập LCS với 4 nước, BI đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng hình thức hợp tác này nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Theo Thống đốc Perry, việc sử dụng LCS ngày càng tăng sau khi Indonesia triển khai thỏa thuận LCS vào tháng 9/2021 với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á này.

Trước thỏa thuận thanh toán bằng đồng nội tệ song phương bằng pupiah và nhân dân tệ với Trung Quốc, Indonesia đã triển khai LCS với Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan vốn cũng là các đối tác thương mại và đầu tư chính.

Năm 2021, ngân hàng Bank Mandiri, một trong những đại lý tiền tệ chéo được chỉ định, đã ghi nhận 5.351 giao dịch LCS với 4 quốc gia nói trên, cao gấp 3,2 lần so với một năm trước đó.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bank Mandiri, ông Darmawan Junaidi, cho biết, xu hướng tăng liên tục từ năm 2018 đến năm 2021 sẽ được duy trì cả về khối lượng thương mại lẫn chuyển đổi ngoại tệ.

Trong khi đó, ông Hariyadi Sukamdani, thành viên Ban cố vấn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội giới chủ Indonesia cho rằng chính phủ có thể khuyến khích nhiều nhà xuất khẩu hàng hóa như dầu cọ thô sử dụng cơ chế LCS./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-thanh-toan-noi-te-se-tang-it-nhat-10-trong-nam-2022/233454.html