Indonesia nỗ lực điều tra nguyên nhân tàu ngầm bị chìm

Indonesia đề nghị quốc tế giúp trục vớt tàu ngầm KRI Nanggala 402 đã bị chìm sau khi chính thức xác nhận toàn bộ 53 thủy thủ trên tàu ngầm gặp nạn hôm 21-4 đã thiệt mạng, qua đó dập tắt những hy vọng cuối cùng về một điều thần kỳ.

Indonesia đề nghị quốc tế giúp trục vớt tàu ngầm KRI Nanggala 402 đã bị chìm sau khi chính thức xác nhận toàn bộ 53 thủy thủ trên tàu ngầm gặp nạn hôm 21-4 đã thiệt mạng, qua đó dập tắt những hy vọng cuối cùng về một điều thần kỳ.

Các chỉ huy quân đội công bố những hình ảnh mới nhất về chiếc tàu ngầm tại cuộc họp báo ở Bali. Ảnh: EPA

Không do lỗi con người?

Ngày 26-4, truyền thông Indonesia cho biết, quân đội nước này sẽ không vội vàng đưa ra kết luận về nguyên nhân khiến tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Hải quân bị chìm 838m dưới đáy eo biển Bali.

Tờ Tempo dẫn lời Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono cho biết: "Chúng tôi sẽ chờ cuộc điều tra liên quan đến nguyên nhân vụ tàu ngầm bị chìm". Theo Đô đốc Yudo, cuộc điều tra trên chỉ có thể được tiến hành sau khi xác tàu ngầm được trục vớt thành công và đưa vào đất liền. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng do độ sâu của xác tàu đắm gây rủi ro rất cao cho nhóm tìm kiếm. Tuy nhiên, ông Yudo đảm bảo rằng, tàu KRI Nanggala 402 không bị chìm do lỗi của con người vì thiết bị của tàu ngầm vẫn ở tình trạng nguyên sơ trước khi tham gia cuộc diễn tập phóng ngư lôi và các quy trình chính xác đã được tuân thủ. Ông Yudo khẳng định: "Chúng tôi đã đánh giá từ đầu vụ việc và chắc chắn tin rằng điều này không phải là do lỗi của con người mà là do các khía cạnh tự nhiên".

Trong khi đó, thành viên Ủy ban I (giám sát đối ngoại, tình báo và quân sự) thuộc hạ viện Indonesia, ông TB Hasanuddin nghi ngờ rằng tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị chìm do quá trình sửa chữa vào năm 2012 không thành công. Ông Hasanuddin tiết lộ, tàu ngầm trên đã được sửa chữa, nâng cấp vào năm 2012 với ngân sách khoảng 75 triệu USD. Không chỉ thay thế phụ tùng, con tàu còn được thay đổi về cấu trúc, nhất là ở hệ thống phóng ngư lôi. Cũng trong năm 2012, tàu KRI Nanggala 402 đã thử nghiệm bắn ngư lôi song thất bại. Sự cố này đã khiến 3 quân nhân thiệt mạng. Tiếp đó, con tàu được một đội đến từ Hàn Quốc sửa chữa.

Hình ảnh các thủy thủ trên tàu ngầm KRI Nanggala-402 mất tích hôm 21-4. Ảnh: EPA

Vào cuộc trục vớt

Ngày 25-4, quân đội Indonesia cho biết sẽ gửi yêu cầu hỗ trợ tới Văn phòng tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm quốc tế (ISMERLO) nhằm trục vớt phần thân tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị chìm ở độ sâu 838m tại vùng biển Bali.

Phát biểu họp báo, Tư lệnh Quân đội Indonesia, Nguyên soái Hadi Tjahjanto cho hay: "Để trục vớt tàu KRI Nanggala 402, chắc chắn cần sự hợp tác quốc tế". Trong khi đó, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono cũng cam kết trục vớt con tàu bất chấp rủi ro do xác tàu đắm nằm sâu dưới đáy biển. Theo ông Yudo, đề nghị giúp đỡ đã được các quốc gia thành viên ISMERLO đồng ý. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia cần chính thức đề nghị và phải được chính quyền các nước chấp thuận. Ông Yudo khẳng định sẽ gửi yêu cầu này tới Tư lệnh Quân đội để chuyển lên cấp cao hơn và chắc chắn sẽ có quyết định trục vớt con tàu.

Trước đó, giới chức Indonesia thông báo lực lượng cứu hộ đã chụp được ảnh xác tàu ở độ sâu 838m và đã bị vỡ làm 3. Theo đó, thân tàu, đuôi tàu cũng như các bánh lái ngang và dọc tách rời nhau. Hải quân Indonesia cũng đã chụp được hình ảnh các mỏ neo cùng với quần áo và vật dụng của thủy thủ đoàn trên con tàu. Hình ảnh tàu vỡ thành nhiều mảnh được đưa ra dựa trên dữ liệu thu được từ tàu thăm dò hải dương KRI Rigel. Toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn được xác nhận đã thiệt mạng.

Nguyên soái Hadi Tjahjanto công bố với báo giới rằng, với các bằng chứng mà đội ngũ cứu hộ tìm thấy, "có thể khẳng định tàu KRI Nanggala-402 đã chìm và tất cả thủy thủ đoàn đã thiệt mạng". Ông Tjahjanto đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới gia đình 53 thủy thủ thiệt mạng, đồng thời ghi nhận sự cống hiến của các quân nhân này và ca ngợi họ là "những người lính tốt nhất".

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_242079_indonesia-no-luc-dieu-tra-nguyen-nhan-tau-ngam-bi-chim.aspx