Indonesia cân nhắc việc dời đô

Với số dân gần 10 triệu người và cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ đô Jakarta của Indonesia đang trở nên quá chật hẹp và đông đúc. Indonesia đang cân nhắc phương án di dời thủ đô tới một nơi khác, nhằm giảm gánh nặng cho Jakarta. Tuy nhiên, phương án trên đã vấp phải nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên có ý kiến phải thành lập một thủ đô mới thay thế Jakarta. Từ năm 1950, Tổng thống đầu tiên của Indonesia là Sukarno đã đề cập đến vấn đề này. Nhưng 60 năm sau, mọi người đều thấy đây là một vấn đề cấp bách. Vào lúc Indonesia không che giấu tham vọng trở thành một con rồng kinh tế cùng sánh vai với Trung Quốc và Ấn Độ, thì thủ đô Jakarta đã phát triển hết mức. Nhiều người trong giới doanh nhân than phiền là không thể không lỡ hẹn quá một lần trong ngày vì nạn kẹt xe đã lên đến mức khủng khiếp. Không có hệ thống chuyên chở công cộng bằng xe điện ngầm và xe buýt, 10 triệu dân thủ đô phải dùng phương tiện riêng. Hệ thống đường giao thông gần như giậm chân tại chỗ trong khi mỗi ngày có thêm 1.500 xe môtô, 550 chiếc xe hơi mới được đăng ký. Nạn kẹt xe gây tê liệt thủ đô từ sáng đến chiều và gia tăng nạn ô nhiễm khí thải. Thủ đô Jakarta khởi điểm chỉ là một trung tâm buôn bán gia vị, nhất là đinh hương, do người Hà Lan lập ra. Nằm cạnh bờ biển thuận lợi cho xuất khẩu, Jakarta là một vùng đất sình lầy, nơi 13 con sông đổ ra biển. 40% diện tích của Jakarta nằm dưới mặt nước biển. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, do hiện tượng khí hậu trái đất bị hâm nóng, một phần lớn thành phố kể cả phủ Tổng thống sẽ bị ngập lụt vào năm 2025, khi thủy triều lên. Thành phố đã đông nghẹt người đến mức được mô tả là "hết khí thở" nhưng hàng năm vẫn có thêm hàng nghìn dân từ khắp nơi kéo về tìm kế sinh nhai. Mật độ dân số đã vượt tỉ số 1.300 người/km2. Với nhịp độ tăng dân số như hiện nay thì trong 40 năm nữa dân thủ đô sẽ lên tới 28 triệu người. "Xây dựng một thủ đô hoàn toàn mới - việc làm này sẽ giúp chúng ta có được một thủ đô thực sự, một trung tâm chính quyền đúng nghĩa" - Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono phát biểu trong cuộc họp với các quan chức thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Indonesia hôm 3/9. Tổng thống Yudhoyono cho rằng, Indonesia có thể học tập theo tấm gương của Australia hay Thổ Nhĩ Kỳ - những nước đã từng dời đô để giải quyết hàng loạt vấn đề. Nhưng vấn đề là di dời đến đâu? Tổng thống Indonesia đề ra 3 phương án để nghiên cứu: Một là, duy trì thủ đô nhưng phải đầu tư rất nhiều để cải tiến hạ tầng cơ sở. Hai là, phải dời đô sang một thành phố khác như Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ hay Islamabad của Pakistan. Thứ ba, là dời trung tâm hành chính, chỉ giữ Jakarta làm trụ sở chính phủ. Đây là giải pháp của Malaysia tiến hành từ năm 1999, với việc di dời một số cơ quan hành chính sang Putraya, cách thủ đô Kuala Lumpur 25km. Việc chọn địa điểm dời đô có thể dẫn đến những nghi vấn về chính sách của chính phủ cũng như khơi gợi sự ganh tị ở một quốc gia có nhiều nhóm chủng tộc và tôn giáo. Trong số khoảng 17.000 hòn đảo của Indonesia, chỉ Java, trung tâm văn hóa và là nơi cư ngụ của khoảng 58% dân số Indonesia, có tiếng nói quyết định, vì thế, nó cũng có thể là nơi được chọn đặt trung tâm hành chính mới của quốc gia. Jonggol là địa điểm được cựu Tổng thống Suharto đưa ra thảo luận đầu tiên. Ông muốn một trong các con trai xây thành phố vệ tinh làm thủ đô mới. Hiện các nhà phát triển địa ốc chính trong khu vực này bao gồm các tập đoàn Ciputra và Bakrie. Tập đoàn Bakrie và bộ phận phát triển địa ốc Bakrieland Development thuộc sở hữu của Aburizal Bakrie, người thuộc đảng Golkar có chân trong liên minh cầm quyền và đang nuôi các tham vọng chính trị. Palangkaraya, thủ phủ tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo, và Jayapura, thủ phủ tỉnh Papua trên đảo Tân Guinea cũng là những địa điểm được xem xét. Palangkaraya được cựu Tổng thống Sukarno chọn do nó tọa lạc ở vùng không bị ảnh hưởng động đất ở trung tâm quần đảo hợp thành Indonesia. Jayapura là nơi có nhiều tài nguyên nhưng đây là nơi quân đội ra sức chống phong trào ly khai từ nhiều chục năm qua và cũng là một trong những nơi nghèo nhất nước. Sau khi khơi lại đề xuất dời đô, Tổng thống Yudhoyono đã yêu cầu các quan chức chính phủ thảo luận kỹ lưỡng và đưa ra ý kiến về vấn đề này, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng 10 năm tới. Dù sao đi nữa, theo giới chuyên gia quy hoạch đô thị thì dời đô hay không dời vẫn bắt buộc phải đầu tư, dù tốn kém đến đâu, để chỉnh trang Jakarta. Điều này không thể tránh khỏi vì tình trạng sinh hoạt đã hết sức nguy ngập do thiếu hệ thống giao thông, thiếu nước sạch, thiếu vệ sinh. Tuy nhiên, dư luận Indonesia lại bày tỏ lo ngại về chi phí cho việc di dời thủ đô. Việc xây dựng một thủ đô siêu đô thị mới có thể lấy đi hàng tỉ đôla tiền thuế, tạo điều kiện cho tình trạng tham nhũng và đầu cơ nhà đất. Không ai dám chắc tổng chi phí cho việc dời thủ đô là bao nhiêu, nhưng báo chí Indonesia đưa tin hơn 5,8 tỉ USD đã được huy động từ người dân để chuẩn bị cho cuộc di dời. Các chuyên gia quy hoạch đô thị cũng khẳng định số tiền bỏ ra là không nhỏ, nhưng nếu không sớm hành động kiên quyết thì cái giá phải trả còn cao hơn nhiều. Giới chức phụ trách kế hoạch dời đô của Indonesia chắc chắn phải nghiên cứu những dự án tương tự đã và đang được thực hiện ở châu Á. Kazakhstan đã chi hơn 12 tỉ USD để xây thủ đô mới Astana. Putrajaya, thủ đô hành chính của Malaysia, được xây với 3,77 tỉ USD. Chi phí xây Naypyidaw, thủ đô mới của Myanmar, ước khoảng 4-5 tỉ USD. Trung tâm hành chính mới của Hàn Quốc, Sejong, dự kiến cần khoản đầu tư 19 tỉ USD. Thật ra chính quyền Jakarta hiện cũng đang đưa ra một kế hoạch khá tham vọng nhằm quy hoạch lại khu đô thị trung tâm trong vòng 20 năm tới. Theo đó, dân số sẽ được hạn chế ở mức 10 triệu người, mở rộng các khoảng xanh và cắt giảm khí thải carbon 30% so với hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nạn tham nhũng và tình trạng quản lý yếu kém khiến ít người tin vào kế hoạch đó của Thị trưởng Fauzi Bowo. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng kém ý thức của người dân, phớt lờ các vấn đề môi trường cộng thêm các chính sách không rõ ràng của chính quyền có thể đẩy Jakarta vào một tương lai bất ổn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2010/10/73576.cand