IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2023

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2023.

Cảng hàng hóa ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) dù vừa công bố giữ nguyên lãi suất chuẩn song cũng cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm nay có thể thấp hơn so với dự báo 1,6% đưa ra hồi tháng 2/2023.

Trong bối cảnh đó ngày càng có nhiều nhận định bi quan rằng nền kinh tế Hàn Quốc, vốn đã tăng trưởng âm 0,4% trong quý IV/2022 sẽ khó có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái trong năm 2023.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) công bố ngày 11/4, IMF dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023, giảm 0,2% so với mức dự báo 1,7% đưa ra hồi tháng 1/2023. Kể từ khi dự đoán tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2023 ở mức 2,9% vào tháng 1/2022, IMF đã 4 lần liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc.

Trong báo cáo của mình, IMF cũng hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay thêm 0,1 điểm phần trăm xuống 2,8%. Nguyên nhân hạ dự báo tăng trưởng được IMF cho là do tình trạng bất ổn tài chính toàn cầu gia tăng sau vụ cố phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ.

Lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng, Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoK ngày 11/4 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3,5%/năm. Đây là đợt đóng băng thứ hai liên tiếp kể từ tháng 2/2023. Thống đốc BoK Lee Chang-yong cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ giảm nhẹ xuống dưới mức 1,6% đưa ra hồi tháng Hai do sự sụt giảm mạnh của lĩnh vực công nghệ thông tin.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc đã rơi vào suy thoái với mức tăng trưởng âm liên tiếp trong quý IV/2022 và quý I/2023.

Mối lo ngại đối với kinh tế Hàn Quốc ngày càng lớn khi IMF hạ dự báo tăng trưởng bốn lần liên tiếp. Quyết định đóng băng lãi suất cơ bản năm thứ hai liên tiếp của BoK được hiểu là do tăng trưởng chậm lại gần đây và triển vọng phục hồi kinh tế không chắc chắn trong nửa cuối năm.

Về việc IMF hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc 4 lần liên tiếp, ông Jeong Gyu-cheol, Giám đốc bộ phận dự báo kinh tế của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết các dự đoán về suy giảm của ngành công nghiệp bán dẫn đã nhìn thấy rõ. Xuất khẩu chất bán dẫn đã giảm tháng thứ tám liên tiếp tính đến tháng 3/2023 do nhu cầu về thiết bị di động và máy tính bàn giảm và giá chip trên toàn cầu cũng giảm.

Do xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm trong 10 tháng liên tiếp (từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023), kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục ở mức âm. Cán cân thương mại của nước này đang chìm trong sắc đỏ 13 tháng liên tiếp tính từ tháng 3/2022 do nhập khẩu vượt xuất khẩu. Năm 2023, thâm hụt thương mại tính đến ngày 10/4 đã lên đến 25,8 tỷ USD, tương đương với hơn nửa mức thâm hụt thương mại 47,8 tỷ USD của cả năm 2022.

Nợ hộ gia đình cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Joo Won, trưởng phòng nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu Hyundai, cho biết trước tình hình lãi suất cao trên toàn thế giới, đại đa số các khoản nợ hộ gia đình sẽ trở thành gánh nặng. Theo thống kê chính thức của BoK, nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đang ở mức 1,867 triệu tỷ won (1.409 tỷ USD) tính đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, khi tính cả tiền gửi jeonse (khoản tiền đặt cọc thuê nhà), vốn là “các khoản nợ ẩn”, thì con số này lên tới gần 3 triệu tỷ won.

IMF đánh giá tình hình kinh tế toàn cầu năm nay ở mức khó khăn cho phục hồi và đưa ra các yếu tố rủi ro tiềm ẩn như mức nợ công và nợ tư nhân quá cao, chênh lệch lãi suất gia tăng mạnh giữa các nước mới nổi và đang phát triển.

Ngoài IMF, các tổ chức khác cũng đang dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ ở mức trung bình 1% trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm 1% sẽ là mức thấp nhất kể từ những năm 2000. Năm 2009 Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 0,8% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và năm 2020 lần đầu tiên rơi vào tăng trưởng -0,7% do đại dịch COVID-19.

Lee Jeong-hwan, Giáo sư tại Đại học Kinh tế và Tài chính thuộc Đại học Hanyang, cho biết BoK đóng băng lãi suất là do suy thoái kinh tế. Nếu lãi suất được nâng cao hơn nữa trong tình hình xuất khẩu chậm chạp và thu thuế không đủ sẽ dễ dẫn đến khả năng nền kinh tế suy thoái và mất khả năng thanh toán trên thị trường tài chính.

Khi chênh lệch lãi suất với Mỹ ngày càng lớn, mối lo ngại về dòng vốn nước ngoài có thể rút ra khỏi thị trường và sự mất giá của đồng won dự kiến sẽ tăng lên. Do đó, BoK được cho là sẽ tiếp tục duy trì đường lối thắt chặt tiền tệ trước khi có thể xem xét khả năng nâng tiếp lãi suất./.

Khánh Vân (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/imf-tiep-tuc-ha-du-bao-tang-truong-kinh-te-han-quoc-nam-2023/287531.html