IDP, British Council cấp chứng chỉ IELTS sai quy định: Một tiền lệ nguy hiểm

Cơ quan quản lý cũng nên truy đến cùng trách nhiệm của các công ty cấp chứng chỉ IELTS sai quy định. Bởi vì, nó là một tiền lệ nguy hiểm.

Vừa qua, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kết luận thanh tra về việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam và Công ty TNHH British Council (Hội đồng Anh).

Qua đó, kết luận của Thanh tra Bộ đã chỉ ra Công ty IDP đã tổ chức thi và cấp 56.230 chứng chỉ trước thời điểm công ty này được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép. Và đã có 37.917 chứng chỉ Aptis và 52.556 chứng chỉ IELTS được Công ty British Council cấp trước thời điểm được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.

Sự việc này đã khiến không ít ý kiến trong dư luận cho rằng, tại sao các công ty nói trên lại bất chấp các quy định như vậy, phải chăng chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe? Học viên nếu bị ảnh hưởng bởi những chứng chỉ được cấp sai quy định sẽ đòi quyền lợi như thế nào?

Chia sẻ thêm về góc độ pháp lý liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, sự việc vừa qua là bài học để các ban ngành quản lý chặt chẽ hơn đối với các cơ sở tổ chức liên kết thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại Việt Nam.

Vị Luật sư này thông tin thêm: "Đối với hành vi tổ chức thi khi chưa được cấp phép đã vi phạm quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, đối với việc hai đơn vị giáo dục tổ chức thi và cấp chứng chỉ IELTS và Aptis sai quy định sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra tại khoản 4, khoản 5 Điều 20 Nghị định 04/2021 cũng quy định thêm về hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 127/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 04/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính giáo dục quy định về thời hiệu xử phạt hành chính thì đến thời điểm hiện tại đã hết thời hiệu để xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm của 2 công ty nói trên".

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Qua đó, vị này nhấn mạnh, lẽ ra những vi phạm của các công ty nói trên được phát hiện, xử lý sớm và nghiêm theo quy định thì sẽ dễ dàng hơn để sự việc không lan rộng với mức độ như vậy.

"Từ sự việc nói trên, theo tôi các cơ quan chức năng cần phải liên tục thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình để tránh tình trạng vụ việc đã kết thúc từ lâu, hết thời hiệu xử phạt mới bị phát hiện. Vì như vậy, sẽ khó khăn cho khâu xử lý trách nhiệm với các bên.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tìm ra hướng đi phù hợp đối với các chứng chỉ được cấp sai quy định là biện pháp cần thiết ngay lúc này để đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân đang sở hữu chứng chỉ đó", Luật sư Long cho hay.

Bên cạnh đó, vị này cũng nêu ra giả thiết, trong trường hợp những chứng chỉ được cấp sai quy định đó không được công nhận để tiếp tục sử dụng mà bị thu hồi toàn bộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân sở hữu chứng chỉ thì ngoài việc phải hoàn trả lại chi phí đã đóng thì 2 công ty nói trên phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Điều này được quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

"Trường hợp này do lỗi sai của 2 công ty nói trên dẫn đến thiệt hại cho học viên thì chỉ cần những học viên này chứng minh được những thiệt hại mình phải gánh chịu thì hoàn toàn có thể yêu cầu được bồi thường về những thiệt hại này", Giám đốc Công ty Luật Dragon cho biết.

Chia sẻ thêm một số quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương (nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, thời điểm kết luận thanh tra được công bố, những vi phạm đã thực hiện đến nay đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc truy trách nhiệm đối với các đơn vị xảy ra vi phạm là điều các cơ quan quản lý cũng nên tính đến.

"Theo tôi được biết, trong thực tế đã xảy ra sự việc tại một số trung tâm liên kết thi chứng chỉ ngoại ngữ không đảm bảo chất lượng.

Việc thanh tra cho thấy sự quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hoạt động này, nhưng đồng thời cũng cho thấy một số bất cập trong quản lý nhà nước. Nó là nguồn cơn dẫn đến vẫn có một số đơn vị coi thường các quy định và có sự "tự tiện" trong việc tổ chức liên kết thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ.

Vì thế, khi Thanh tra Bộ đã chỉ ra những vi phạm thì dù có quá thời hiệu xử lý hành chính nhưng các cơ quan quản lý cũng nên truy đến cùng trách nhiệm của các công ty nói trên và những người liên quan để tìm ra cách xử lý phù hợp.

Tôi cho rằng, sau sự việc chắc chắn phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn trong quản lý hoạt động này. Điều này là đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và không tạo ra những sự vụ tương tự về sau".

Tiến sĩ Lê Đông Phương (nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam

Qua đó, vị nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng dẫn chứng thực trạng, vẫn có việc có công ty tổ chức liên kết thi tại những địa điểm không đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, con người và điều kiện an ninh.

Vì thế, các quyết định cho phép tổ chức liên kết thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp cho bất cứ công ty nào cũng đã phải trải qua sự khảo sát và đánh giá kỹ. Vị này cho rằng, các công ty bất chấp quy định để tổ chức liên kết thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ khi chưa được Bộ cho phép như vậy là điều rất nguy hiểm.

Bày tỏ quan điểm về thông tin công bố của Cục quản lý chất lượng sau khi các quyết định thanh tra, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng: "Có thể ở một mức độ nào đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chấp nhận các chứng chỉ đã được thi trong đợt chưa được Bộ cấp phép vì cơ quan này tính đến quyền lợi của người đi thi.

Tuy nhiên, theo tôi chắc chắn cơ quan quản lý cần phải tính đến việc xử lý trách nhiệm tương ứng với các hành vi mà họ đã làm sai so với quy định đề ra để đảm bảo tính răn đe của pháp luật".

Liên quan đến vấn đề này, để có thêm góc nhìn về việc các công ty tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài ở địa phương, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến từ Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Theo Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, đơn vị nào muốn tổ chức thi chứng chỉ IELTS ở địa phương thì bắt buộc phải thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo của địa phương đó để Sở nắm bắt. Sau khi xem xét, đánh giá thì Sở Giáo dục và Đào tạo mới ra thông báo là đơn vị đó có đủ điều kiện được tổ chức thi tại địa phương hay không. Mọi việc việc được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, khép kín.

"Về nguyên tắc, khi một cơ sở muốn tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh nào thì bắt buộc cơ sở đó phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp các quyết định cho phép. Sở Giáo dục và Đào tạo nắm bắt thông qua các quyết định cho phép của Bộ để biết về pháp lý của đơn vị đó có đảm bảo hay không.

Đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP thì hiện Sở cũng đã nhận được quyết định cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đặt điểm thi IELTS tại Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột.

Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, an toàn của điểm thi, trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, sẽ luôn có đoàn thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên kiểm tra, giám sát", vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/idp-british-council-cap-chung-chi-ielts-sai-quy-dinh-mot-tien-le-nguy-hiem-post242624.gd