Iceland: Phấn đấu đạt bình đẳng giới qua yêu cầu chứng nhận trả lương bình đẳng

Năm 2018, Iceland trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đi tiên phong trong việc thu hẹp bình đẳng giới bằng luật mới về chứng nhận trả lương bình đẳng. Luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức sử dụng từ 25 lao động trở lên phải có chứng nhận về hệ thống trả lương bình đẳng của họ cùng việc triển khai hệ thống đó. Đạo luật mang tính đột phá này nhằm bổ sung thêm cho việc thực thi các luật hiện hành nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử dựa vào giới tính, giúp phụ nữ và nam giới nhận được mức lương cũng như các điều khoản tuyển dụng bình đẳng cho cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.

Đòi hỏi trách nhiệm của doanh nghiệp

Thực tế, Luật Chứng nhận trả lương bình đẳng, sửa đổi Luật Bình đẳng giới năm 2008 từng được Bộ trưởng Bộ Xã hội và bình đẳng Iceland đệ trình và được Nghị viện thông qua với đa số phiếu vào 1.6.2017. Sự ra đời của nó khiến Iceland trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới yêu cầu chứng nhận trả lương bình đẳng đối với các doanh nghiệp có từ 25 nhân viên trở lên.

Chiến dịch kêu gọi trả lương công bằng ở iceland. Nguồn: bloomberg

Chiến dịch kêu gọi trả lương công bằng ở iceland. Nguồn: bloomberg

Theo luật, các doanh nghiệp không chỉ được yêu cầu trả lương ngang nhau trong cùng một cấp độ công việc mà còn đối với các công việc có cùng giá trị. Quy trình chứng nhận dựa trên Tiêu chuẩn trả lương bình đẳng, đánh giá các chính sách trả lương của doanh nghiệp, phân loại công việc dựa trên giá trị bình đẳng và phân tích tiền lương. Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu chính thức hóa các chính sách lẫn quy trình liên quan đến quyết định trả lương.

Để cung cấp cho các doanh nghiệp đủ thời gian để áp dụng các hệ thống quản lý trả lương bình đẳng đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn, thời gian gia hạn đã được áp dụng. Độ dài của thời gian này thay đổi tùy theo quy mô của nơi làm việc. Các doanh nghiệp có từ 250 lao động trở lên phải có chứng nhận trả lương bình đẳng vào cuối năm 2018, trong khi thời hạn đối với những doanh nghiệp có 150 - 249 lao động được kéo dài đến cuối năm 2019. Những nơi làm việc sử dụng 90 - 149 lao động được gia hạn thời gian cho đến cuối năm 2020, còn các doanh nghiệp có 25 - 89 lao động được phép đến cuối năm 2021 để đạt được chứng nhận.

Tiêu chuẩn trả lương bình đẳng

Sự phát triển của Tiêu chuẩn trả lương bình đẳng, được gọi là IST 85, đặt ra tiền lệ quan trọng. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên được phát triển có chủ ý theo các tiêu chuẩn ISO quốc tế, cho phép việc chuyển sang và áp dụng tiêu chuẩn này trên toàn thế giới. Doanh nghiệp đạt được chứng nhận, dựa trên các cuộc kiểm tra do những chuyên gia đánh giá chất lượng được công nhận thực hiện, sẽ được cấp quyền sử dụng biểu tượng công nhận trả lương bình đẳng đặc biệt.

Luật cũng bảo đảm tuân thủ thông qua quy trình giám sát. Các tổ chức đối tác xã hội chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ của các doanh nghiệp sử dụng 25 lao động trở lên. Nếu doanh nghiệp không đạt được hoặc không gia hạn chứng nhận trả lương bình đẳng đúng thời hạn, các đối tác xã hội có thể báo cáo lên Trung tâm bình đẳng giới. Sau đó, trung tâm có thể đưa ra yêu cầu chính thức để khắc phục tình trạng này trong thời hạn nhất định. Các doanh nghiệp không tuân thủ phải nộp phạt hàng ngày 50.000 krona ($364). Thực tế, khoảng cách về lương của Iceland đã thu hẹp 3,4 điểm phần trăm sau khi luật được thông qua, xuống còn 10%.

Mặc dù luật thừa nhận, các yếu tố cá nhân có thể được xem xét trong các quyết định về tiền lương, nhưng nó nhấn mạnh rằng quyết định đó phải dựa trên cân nhắc không liên quan đến phân biệt giới tính. Tiêu chuẩn này cũng có thể đóng vai trò là công cụ để loại bỏ sự phân biệt đối xử dựa trên các cơ sở khác như dân tộc, giới tính và quốc tịch.

Những lợi ích của luật được cho là lớn hơn bất kỳ gánh nặng tiềm ẩn nào đối với các doanh nghiệp và tổ chức. Việc thực hiện theo từng giai đoạn chứng nhận trả lương bình đẳng trong khoảng thời gian 4 năm cho phép doanh nghiệp lớn cung cấp kinh nghiệm và hướng dẫn có giá trị cho doanh nghiệp nhỏ hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp và tổ chức được yêu cầu gia hạn chứng nhận trả lương bình đẳng của họ 3 năm một lần, bảo đảm cam kết liên tục về bình đẳng tiền lương.

Mặc dù Iceland được xếp hạng cao trong các so sánh về bình đẳng giới, nhưng khoảng cách về lương theo giới vẫn tồn tại ở một số khu vực nhất định. Luật mới là minh chứng cho quyết tâm của Iceland trong việc đạt được bình đẳng giới thực sự trong lực lượng lao động. Bằng cách thực hiện chứng nhận trả lương bình đẳng bắt buộc, yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm và thiết lập quy trình minh bạch, chuẩn hóa, Iceland đặt mục tiêu tạo ra xã hội công bằng, toàn diện hơn. Khi các quốc gia khác nhận thấy tác động tích cực của luật này, nhiều người kỳ vọng rằng biện pháp tương tự sẽ được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/iceland-phan-dau-dat-binh-dang-gioi-qua-yeu-cau-chung-nhan-tra-luong-binh-dang-i336166/