Ia Pa: Những bước đi vững chắc ngay từ đầu nhiệm kỳ

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025), ngay trong năm 2021, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và sự giám sát của HĐND, UBND huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với điều kiện địa phương.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 ngay từ đầu năm với hơn 1 tháng phong tỏa nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn dân, tình hình mọi mặt của huyện Ia Pa dần được khôi phục và phát triển. Năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 10,08%, trong đó, nông-lâm nghiệp tăng 5,6%, công nghiệp-xây dựng tăng 15,6%, thương mại-dịch vụ tăng 10,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng dựa trên thế mạnh sẵn có của địa phương với tỷ trọng nông-lâm nghiệp chiếm 54%, công nghiệp-xây dựng chiếm 27,3%, thương mại-dịch vụ 18,7%. Tổng diện tích gieo trồng đạt 34.370 ha, bằng 100,15% kế hoạch, tập trung vào một số cây trồng chủ lực như: lúa nước, bắp, mì, mía…

Ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Năm 2021, các địa phương trong huyện đã chuyển đổi được 488 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; xây dựng các vùng chuyên canh một số cây trồng chủ lực với quy mô lớn: mía 3.500 ha, mì 10.000 ha, lúa 3.000 ha và thuốc lá 1.100 ha, có sự liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để phát triển ổn định và bền vững. Từ nguồn vốn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2021, huyện đã triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa với diện tích 401,15 ha trong vụ Đông Xuân 2020-2021 và 396 ha lúa vụ mùa. Các giống lúa mới được sử dụng gồm: BC15, TBR-1, ĐH815-6, N25, Đài Thơm 8 đều sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn các giống lúa cũ 1,5-2 tấn/ha. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai thực hiện dự án trồng điều ghép cao sản với tổng diện tích 99 ha; dự án trồng mía nguyên liệu giai đoạn 2 với tổng diện tích 105 ha; dự án nuôi dê Bách Thảo theo chuỗi an toàn thực phẩm với quy mô 360 con tại xã Pờ Tó và Chư Mố.

Hội thảo đầu bờ mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lúa lớn một giống tại xã Ia Ma Rơn. Ảnh: Vũ Chi

Đàn bò lai được chú trọng phát triển nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Ảnh: Vũ Chi

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 18,3 tỷ đồng, bằng 109% kế hoạch tỉnh giao, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế, công tác thuế đã đạt 16,07 tỷ đồng dự toán, bằng 111% dự toán tỉnh giao, bằng 144% so với cùng kỳ năm trước.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động, việc làm đều bám sát các kế hoạch, chương trình và giải pháp khả thi nên đều đạt được kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ tuyển quân năm 2021 đảm bảo 100% kế hoạch đề ra. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, phạm pháp hình sự giảm. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Năm 2021, toàn huyện giảm được 2,22% hộ nghèo.

Tập trung nguồn lực để phát triển bền vững

Năm 2022, kinh tế-xã hội Ia Pa tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, trên người. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, chính quyền địa phương đã đề ra kế hoạch cụ thể, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả gắn với các cơ chế, chính sách phù hợp, phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương.

Ông Huỳnh Văn Trường-Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Trên cơ sở chỉ tiêu đề ra, với vai trò là ngành kinh tế chủ lực, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng bền vững. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cần phối hợp với các ban, ngành, UBND các xã làm tốt công tác khuyến cáo, định hướng người dân sử dụng giống cây trồng lai, giống mới, giống chuyển gen kháng sâu bệnh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đưa vào sản xuất; tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có biện pháp phòng-chống, chủ động xử lý khi dịch bệnh phát sinh. Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản; xây dựng mối liên kết “4 nhà” đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho nông dân; đặc biệt, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thành công Đề án đánh giá thích nghi đất đai, phân vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến năm 2030.

Chính quyền cùng người dân huyện Ia Pa đoàn kết, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ảnh: Vũ Chi

Nhằm đảm bảo thu chi ngân sách hiệu quả, huyện xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, phân bổ, giao nhiệm vụ chi ngân sách đúng, đủ, tiết kiệm, qua đó từng bước tạo tích lũy để đáp ứng cơ bản yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế-xã hội; chỉ đạo điều hành thu ngân sách hiệu quả, chống thất thu ngân sách; đẩy mạnh triển khai thực hiện khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử. Huyện chủ động giao kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022 ngay từ đầu năm; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; chú trọng giám sát, đánh giá các công trình đầu tư năm 2021 kết hợp với kiểm tra thực tế các công trình năm 2022, từ đó lựa chọn những công trình thật sự cần thiết, cấp bách để đưa vào đầu tư, phát huy hiệu quả. Tập trung vốn nhà nước để đầu tư đồng bộ các công trình, dự án trọng yếu, phòng-chống thiên tai, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu trong năm 2022.

Một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2022: Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 11,65%, trong đó, nông-lâm nghiệp tăng 6,5%, công nghiệp-xây dựng tăng 15,6%, dịch vụ-thương mại tăng 14,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,4 triệu đồng. Tổng diện tích gieo trồng 35.120 ha; tỷ lệ đàn bò lai chiếm 27% tổng số bò của địa phương. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 19,5 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% trở lên.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với Đề án 02 của Huyện ủy về “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào tại chỗ, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở vững mạnh giai đoạn 2013-2020”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch-dịch vụ; huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh để phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2021-2025.

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2022, mỗi xã đạt thêm ít nhất 1 tiêu chí, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, phấn đấu năm 2022 có 1-2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên huyện chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát giá, bình ổn giá hàng hóa thiết yếu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính, trong sản xuất kinh doanh; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng cụm công nghiệp của huyện tại xã Pờ Tó giai đoạn 1 với quy mô 30 ha; kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các chợ xã đã quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng chợ khu trung tâm huyện gắn với phát triển cơ sở hạ tầng để đạt tiêu chí đô thị loại V.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202202/ia-pa-nhung-buoc-di-vung-chac-ngay-tu-dau-nhiem-ky-5765425/