Ðịa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân vùng biên giới

ĐBP - Giao thông cách trở, trình độ văn hóa hạn chế đời sống sinh hoạt còn nặng các tập tục lạc hậu… là những nguyên nhân khiến nhân dân ở xã Mường Lói, huyện Ðiện Biên trước đây khi có bệnh thường tìm thầy mo để cúng, lễ trừ bệnh. Song từ khi có Trạm quân, dân y kết hợp (QDYKH) Co Ðứa, thuộc Ðồn Biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc (Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh) nhận thức về bảo vệ sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh nơi biên giới, giúp dân xóa đói giảm nghèo, những 'thầy thuốc quân hàm xanh' đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ðược thành lập năm 2010, Trạm QDYKH Co Ðứa đứng chân trên địa bàn bản Co Ðứa, là bản đặc biệt khó khăn của xã biên giới Mường Lói, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, nhiều chương trình, dịch vụ y tế chưa đến được với người dân. Song, những năm qua cán bộ quân y của trạm đã khắc phục khó khăn, thực hiện khám, chữa bệnh cho hàng nghìn lượt người dân thuộc 3 bản Co Ðứa, Huổi Không, Huổi Chỏn và một số hộ dân vùng giáp ranh huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La). Từ ngày thành lập trạm đến nay, khi ốm đau người dân đều đến trạm để được quân y biên phòng khám bệnh và cấp phát thuốc. Mặc dù còn hạn chế về nhân lực, trang thiết bị, từ đầu năm đến nay trạm đã khám, chữa bệnh cho 1.000 lượt người; trong đó gần 500 ca nội khoa, hơn 270 lượt nhi khoa và hơn 100 lượt ngoại, sản khoa, chấn thương tai nạn. Ðối với những trường hợp người già yếu, bệnh nặng, trạm cử quân y đến khám bệnh và cấp thuốc tại nhà. Mới đây, ngày 5/9, Trạm đã phối hợp với Trạm y tế xã Mường Lói cấp cứu kịp thời hơn 100 người có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc cưới.

Với nhiệm vụ thường xuyên tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc, hướng dẫn nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, xây dựng nếp sống mới, thời gian đầu thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ của trạm gặp không ít khó khăn, không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, mà còn bất đồng ngôn ngữ. Nhưng vì sức khỏe của bà con dân bản, những người thầy thuốc mang quân hàm xanh đã từng bước khắc phục khó khăn, đưa hoạt động khám chữa bệnh đi vào ổn định, Trạm QDYKH Co Ðứa đã trở thành địa chỉ tin cậy của đồng bào Thái, Khơ Mú, Mông cư trú trên địa bàn. Không chỉ thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân, cán bộ quân y tại đây còn tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; vận động hướng dẫn người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Ông Lường Văn Xuân, Trưởng bản Co Ðứa, xã Mường Lói chia sẻ: bản Co Ðứa cách trung tâm xã Mường Lói 25km, còn để đến Trung tâm y tế huyện Ðiện Biên phải đi 80km nữa. Mùa khô, nếu có xe máy, người dân có thể về huyện, tỉnh khám, chữa bệnh, nhưng khi mùa mưa đến (khoảng từ tháng 5 - 10 hàng năm), đường sạt lở, trơn trượt, từ bản xuống đến trung tâm xã cũng rất khó khăn. Từ khi có Trạm QDYKH Co Ðứa, dân bản và các bản lân cận được khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tư vấn về sức khỏe, được tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh... Vì vậy nhiều năm nay các dịch bệnh: sốt rét, tiêu chảy, cảm cúm, lỵ... không xảy ra trên địa bàn. Những năm qua, trạm đã cứu chữa nhiều ca bệnh nặng, không ít trường hợp bà con đi nương bị tai nạn lao động, nhờ cán bộ quân y của trạm sơ cứu kịp thời và điều trị tích cực nên nhanh chóng bình phục. “Mắt thấy, tai nghe” việc làm và những kiến thức cán bộ tuyên truyền nên ý thức của nhân dân nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Khi có người ốm đau, người dân đưa bệnh nhân đến trạm để được khám chữa bệnh và cấp phát thuốc.

Về hiệu quả hoạt động của Trạm QDYKH Co Ðứa và niềm tin của người dân, ông Lò Văn Siêng, Chủ tịch UBND xã Mường Lói đánh giá: Hoạt động của Trạm QDYKH Co Ðứa đã góp phần rút ngắn khoảng cách về dịch vụ y tế giữa địa bàn biên giới với vùng trung tâm khi bà con đã được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Những hủ tục cúng bái để chữa ốm đau dần bị loại bỏ khỏi đời sống cộng đồng. Những việc làm thiết thực của các bác sỹ “quân hàm xanh” không chỉ mang lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn thể hiện tình cảm, sự đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/172382/%C3%B0ia-chi-kham-chua-benh-tin-cay-cua-nguoi-dan-vung-bien-gioi