Ì ạch những “siêu nhà máy giấy”

SGTT - Tháng 3.2006, tại Long An, công ty Tracodi long trọng khởi công nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam trị giá 2.000 tỉ đồng. Tháng 6.2007, tại Hậu Giang, lễ khởi công xây dựng “siêu nhà máy giấy” Lee&Man Việt Nam được tổ chức hoành tráng. Tuy nhiên, sau khi rầm rộ khởi công các “siêu nhà máy” đã đi vào “con đường ì ạch”!

“Đại công trường” xây dựng nhà máy bột giấy Phương Nam ở Long An vẫn ngổn ngang vật tư, thiết bị "Siêu nhà máy giấy” Lee&Man được xây dựng tại cụm công nghiệp Phú Hữu A (xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), được giới thiệu có vốn đầu tư 1,2 tỉ USD (100% của nước ngoài), trên diện tích 200ha, mỗi năm sản xuất 420.000 tấn giấy và 150.000 tấn bột giấy. Quảng cáo nghe thấy sướng! Khi đi vào hoạt động ổn định, Lee&Man sẽ nâng công suất lên hai triệu tấn giấy và bột giấy/năm. Tại lễ khởi công, nhà đầu tư tuyên bố sau 14 tháng thi công xây dựng, tháng 10.2008 “siêu nhà máy giấy” này sẽ hoạt động, cần đến 8.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên diện tích 120.000ha đất trồng cây tràm làm nguyên liệu. Nhưng đến tháng 7.2009, siêu dự án này vẫn còn ngắc ngoải. Tương tự, ngày khởi công nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam trị giá 2.000 tỉ đồng của công ty Tracodi (công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải, thuộc tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 – bộ Giao thông vận tải) tại xã Thuận Nghĩa Hòa (huyện Thạnh Hóa, Long An), nhà đầu tư “rao” công nghệ ở đây tiên tiến nhất nước. Mỗi năm nhà máy tiêu thụ 600.000 tấn nguyên liệu để cho ra 100.000 tấn bột giấy trắng tiêu chuẩn châu Âu. Nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 8.2007 và tỉnh Long An phải có 20.000ha đất trồng đay để đủ nguyên liệu hoạt động. Nhà máy sẽ mở màn cho quá trình công nghiệp hóa vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, sẽ có 20.000ha đất trồng lúa năng suất thấp chuyển sang trồng cây đay, trên 30.000 lao động sẽ gắn bó với nhà máy đay và có cuộc sống sung túc hơn làm lúa. Tuy nhiên, cho đến nay, dù UBND tỉnh Long An đã nhiều lần gia hạn, nhà máy bột giấy Phương Nam vẫn còn là một đại công trường. Được cứu vẫn chưa “sống” Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Nhẫn, phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu A, cho biết toàn xã có 2.700 hộ dân với hơn 12.000 nhân khẩu, 8.000 người trong độ tuổi lao động, chủ yếu là làm nông. Việc “siêu nhà máy giấy” Lee&Man chiếm 200ha đất làm nhiều người mất đất. Năm 2008, toàn xã đã có hơn 1.200 lao động đi tìm việc làm ngoài tỉnh, cơ hội làm việc trong các dự án công nghiệp ở xã gần như bằng không. Ông Châu Ngọc Triêm, phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Hậu Giang, cho biết nếu suôn sẻ thì đến giữa năm 2010 nhà máy giấy Lee&Man mới có thể hoạt động (?). Với các dự án khác thì có thể rà soát, thu hồi, nhưng với dự án “siêu nhà máy giấy” thì tỉnh chỉ có thể… từ từ năn nỉ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ! Theo các nhà khoa học ở đồng bằng sông Cửu Long, khi hoạt động “siêu nhà máy giấy” Lee&Man cần từ 2,5 – 2,8 triệu tấn nguyên liệu/năm, tức cần 270.000ha rừng tràm. Trong khi cả đồng bằng sông Cửu Long có chưa đầy 180.000ha rừng tràm làm nguyên liệu giấy. Trước viễn cảnh đó, chủ đầu tư Lee&Man tuyên bố sẽ nhập khẩu giấy phế liệu để sản xuất khiến nguy cơ ô nhiễm càng nghiêm trọng. Năm 2007, Long An đã “hố to” khi phát động nông dân các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa ồ ạt trồng gần 10.000ha đay để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy Phương Nam. Nay hàng chục ngàn nông dân phải bán đổ cây đay với giá rẻ mạt. Ông Nguyễn Văn Lâm, chủ tịch xã Thạnh Phúc (Thạnh Hóa), cho biết năm nay diện tích đất trồng đay của xã chỉ còn 250ha so với năm 2007 là 3.000ha, nhưng nhà nông vẫn lỗ 5 – 7 triệu đồng/ha. Để “cứu” nhà máy Phương Nam, tháng 6.2009 Chính phủ đã yêu cầu tổng công ty Giấy Việt Nam phải tiếp nhận nguyên trạng tài sản, vật tư, công nợ, hồ sơ, tài liệu, lao động… của nhà máy bột giấy Phương Nam, phối hợp với tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tiếp tục thực hiện dự án; tiếp tục cho dự án này vay ủy thác vốn đầu tư còn thiếu từ nguồn vốn kinh doanh của tổng công ty hoặc quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương… Dù vậy, đến nay nhà máy bột giấy Phương Nam vẫn “án binh bất động”. Bài và ảnh: Hùng Anh Cần Thơ: sân golf “treo” giữa lòng thành phố Tháng 8.2004, UBND TP Cần Thơ giao cho công ty TNHH thương mại và xây dựng Hồng Lam (TP.HCM) 151ha đất ở ấp Bình Chánh (phường Long Hòa, quận Bình Thủy TP Cần Thơ) để làm sân golf 18 lỗ. Kèm theo sân golf là cụm khách sạn, siêu thị, sân đua chó, nền nhà liên kế, biệt thự… Gần như toàn bộ ấp Bình Chánh gồm 161ha và 506 hộ dân, trong đó hơn 70% là đất trồng chanh, bị dự án sân golf nuốt trọn. Nhưng sau khi triển khai quy hoạch chi tiết 1/500, kê biên tài sản, đất đai, cây trồng của người dân, chủ đầu tư dự án… “mất tăm”. Năm năm qua, hơn 150ha đất bị bỏ hoang. Do sân golf “treo hoài không rớt”, nên nhiều người không thể sang nhượng đất đai, con cái ra riêng không thể chia đất, xây dựng nhà vì không làm được giấy chủ quyền. Ông Trần Bá Tòng, chủ 10.000m2 đất vườn trồng cam, xoài, than thở: “Không hiểu sao mấy ông chính quyền lại cho đặt cái sân golf ở giữa lòng đô thị. Bà Lê Minh Xuyến, chủ tịch UBND phường Long Hòa cho biết, ngoài những thỉnh cầu của dân, UBND phường cũng rất nhiều lần nêu kiến nghị với các cơ quan hữu trách của thành phố, yêu cầu giải thích vì sao sân golf treo quá lâu, nhưng không ai trả lời.

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?columnid=29&fld=htmg/2009/0726/54688&newsid=54688