Hy vọng ngừng bắn ở Gaza tăng lên sau khi Hamas 'xuống thang'

Một phái đoàn Israel đang tới Qatar để đàm phán với các nhà hòa giải sau khi lực lượng Hamas từ bỏ yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch và đồng ý tạm dừng giao tranh trong 40 ngày.

Khi bối cảnh không ủng hộ Hamas

Trong những ngày gần đây, Hamas đã đón nhận nhiều thất vọng.

Họ phần nào thất bại trong việc kêu gọi làn sóng phản kháng trong tháng thánh lễ Ramadan của người Hồi giáo. Cho đến nay, vẫn chưa có cuộc đụng độ nào lớn giữa các tín đồ Hồi giáo và cảnh sát Israel tại nhà thờ Al-Aqsa trên khu phức hợp Haram al-Sharif được xây dựng ở trung tâm thành cổ của Jerusalem - nơi được gọi là Núi Đền đối với người Do Thái và là địa điểm linh thiêng đối với cả hai tôn giáo. Cuối tuần trước, hơn 60.000 người Hồi giáo đã tham dự buổi cầu nguyện tại nhà thờ Al-Aqsa một cách yên bình.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn phê chuẩn kế hoạch tấn công Rafah, thành trì cuối cùng của lực lượng Hamas. Ảnh: The National.

Cũng chẳng có các cuộc biểu tình rầm rộ chống Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem trong tháng Ramadan như mong muốn của các nhà lãnh đạo Hamas. Trái lại, thứ họ nhận được từ các đồng minh Palestine lại là một tin tức gây giận dữ: Chính quyền Palestine (PA), cơ quan quản lý Bờ Tây, vừa bổ nhiệm một thủ tướng mới mà không tham khảo ý kiến của Hamas.

Và, đáng kể nhất là Hamas phải hứng chịu mất mát nhân sự khi một chỉ huy quân sự chủ chốt của lực lượng này được cho rằng đã thiệt mạng ở Gaza. Theo các quan chức Israel, Marwan Issa, phó lãnh đạo quân sự của Hamas ở Gaza đã chết trong cuộc không kích cách đây một tuần nhằm vào khu phức hợp đường hầm bên dưới trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Gaza. Các hệ thống liên lạc của Hamas giữa các lãnh đạo cấp cao - vốn dựa vào các ứng dụng được mã hóa và chuyển phát nhanh - đã im lặng trong hơn 72 giờ sau cuộc tấn công, như từng xảy ra trong một số trường hợp các lãnh đạo cấp cao của Hamas bị giết trước đây.

Các chuyên gia cho biết, cuộc không kích loại bỏ Issa - một trong những người chủ chốt tổ chức cuộc tấn công ngày 7/10 do Hamas tiến hành nhằm vào Israel - cho thấy Israel đang lấy thông tin từ một nguồn cấp cao trong tổ chức này. “Israel hẳn đã biết rõ Issa đang ẩn náu ở đâu và khi nào, rằng ông ta sẽ ở đó trong thời gian đủ lâu để nội các phê duyệt và quân đội tiến hành chiến dịch, đồng thời cần phải xác nhận rằng không có tù nhân Israel nào bị giam giữ gần đó”, Avi Melamed - cựu quan chức tình báo Israel và nhà phân tích khu vực, cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, nước này ủng hộ giải pháp về một Nhà nước Palestine độc lập đi kèm với những đảm bảo an ninh cho Israel. Ảnh: Sky News.

Trong khi đó, hôm 16/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đã phê duyệt kế hoạch tấn công quân sự vào Rafah, thành phố cực Nam của Gaza, thành trì chính cuối cùng của Hamas nhưng hiện cũng là nơi sinh sống của hơn 1 triệu người, hầu hết đều di dời đến từ những nơi khác trong lãnh thổ Gaza.

Những diễn biến này đã làm suy yếu vị thế đàm phán của Hamas ngay cả khi thương vong ở Gaza ngày một nhiều hơn và sự phẫn nộ trên toàn cầu đối với Israel tiếp tục gia tăng. Hôm thứ Bảy, các quan chức y tế trên lãnh thổ mà Hamas cai trị từ năm 2007 cho biết tổng số người chết ở Gaza kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công của Israel đã lên tới 31.490, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Phong trào Fatah, lực lượng đang thống trị PA, cũng phàn nàn rằng Hamas đã không “tham khảo ý kiến” các phe phái Palestine khác trước khi phát động cuộc tấn công vào Israel hồi tháng 10/2023 và cáo buộc phong trào này “đã gây ra một... thảm họa thậm chí còn khủng khiếp và tàn khốc hơn thảm họa năm 1948” - ám chỉ đến việc di dời và trục xuất khoảng 760.000 người Palestine khỏi vùng đất của họ trong các cuộc chiến xung quanh việc thành lập nhà nước Israel. Phát ngôn viên của Fatah nói: “Sự mất kết nối thực sự với thực tế và người dân Palestine là của ban lãnh đạo Hamas”.

Các nhà phân tích cho rằng, sự chỉ trích gay gắt của Fatah sẽ gây được tiếng vang với nhiều người Palestine ở Gaza và Bờ Tây. “Lượng tức giận lớn nhất của người Palestine rõ ràng là đối với người Israel, nhưng sau đó, có lẽ có rất nhiều sự giận dữ nhắm vào Hamas, bởi vì cuộc tấn công tháng 10 đã tạo cớ cho người Israel thực hiện vụ bắn phá Gaza”, tiến sĩ Hisham Hellyer, cộng tác viên cấp cao tại Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định.

Hy vọng về một lệnh ngừng bắn mới

Các nguồn tin thân cận với Hamas cho biết, những nhà lãnh đạo của tổ chức này hiện nhận ra rằng họ cần cho người Palestine thấy "một chiến thắng lớn" để tránh phản ứng dữ dội của người dân sau sự tàn phá to lớn và thiệt hại về nhân mạng trong 5 tháng chiến tranh. “Bây giờ, các lãnh đạo Hamas hiểu rằng, họ cần chứng minh họ thực sự đứng về phía người dân”, nguồn tin kể trên nói.

Cuối tuần qua, hơn 60.000 người Hồi giáo đã tham dự buổi cầu nguyện tại nhà thờ Al-Aqsa một cách yên bình. Ảnh: Reuters.

Đấy là lý do Hamas đã có động thái xuống thang. Dù vẫn kiên trì yêu cầu thả khoảng 500 đến 1.000 tù nhân Palestine khỏi các nhà tù của Tel Aviv để đổi lấy 40 trong số hơn 100 con tin Israel mà họ được cho là đang giam giữ ở Gaza, nhưng lực lượng này đã từ bỏ yêu cầu một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và cho biết họ sẽ chấp nhận tạm dừng chiến sự trong 40 ngày. Hamas cũng yêu cầu rút toàn bộ quân đội Israel khỏi Gaza, cho phép viện trợ nhân đạo nhiều hơn vào lãnh thổ và đưa người dân di tản về phía Bắc, nơi đã bị tàn phá bởi cuộc tấn công của Israel và sau đó, các bên cần bước vào đàm phán giai đoạn 2 để chấm dứt chiến tranh.

Dù phía Israel vẫn tỏ ra cứng rắn và gọi những đề xuất kể trên của Hamas là “không thực tế”, nhưng các nhà quan sát lưu ý rằng đây là ngôn ngữ ôn hòa hơn trước. Và, điều quan trọng là Tel Aviv đã gửi một phái đoàn đến Qatar để bắt đầu đàm phán về một lệnh ngừng bắn tạm thời. Phát biểu với Đài truyền hình Al Jazeera, Osama Hamdan - một quan chức cấp cao của Hamas cũng nói rằng các nhà hòa giải đang cho thấy phản ứng tích cực vì đề xuất của Hamas thực tế đến mức “không ai có thể phản đối”.

Tất nhiên, Israel cũng hứng chịu áp lực không nhỏ về một lệnh ngừng bắn. Nước này ngày càng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì thảm họa nhân đạo tại Gaza, thậm chí một lãnh đạo tại Thượng viện Mỹ, đồng minh thân thiết nhất của Israel, cũng phải lên tiếng phản đối chính sách quân sự của Tel Aviv ở Gaza và mô tả Thủ tướng Benjamin Netanyahu là “một trở ngại cho hòa bình”. Trên đường phố, gia đình các con tin bị Hamas giam giữ và những người ủng hộ họ vẫn ngày đêm biểu tình, yêu cầu Chính phủ Israel tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn để đưa người thân của họ trở về.

Do đó, bỏ qua những diễn ngôn cứng rắn thường thấy trong các cuộc mặc cả, triển vọng về một lệnh ngừng bắn tạm thời mới tại Gaza là khả quan, nhất là khi trên thực tế thì Hamas đang chủ động xuống thang, giảm bớt các yêu sách của mình.

Giải pháp nào cho hòa bình lâu dài?

Những nguồn tin có liên lạc với Hamas và nhiều nhà phân tích cho biết, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza cũng như phản ứng liên quan tới quá trình đàm phán với Israel thời gian qua đã gây chia rẽ trong lực lượng này. Sự chia rẽ chính là giữa các nhà lãnh đạo ở Gaza - những người đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công vào Israel năm ngoái - và những nhà lãnh đạo đang lưu vong ở Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước Trung Đông khác - những người chỉ được cảnh báo rằng một chiến dịch lớn sắp xảy ra nhưng không được thông báo chi tiết.

“Dường như, rõ ràng là có những căng thẳng trong phong trào. Luôn có những phe phái khác nhau... nhưng điều này rõ ràng đã trở nên trầm trọng hơn kể từ tháng 10”, tiến sĩ Hugh Lovatt - nhà phân tích thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết.

Theo Báo Guardian, giới lãnh đạo chính trị của Hamas bên ngoài Gaza hiện đang suy nghĩ cẩn thận về những gì xảy ra sau bất kỳ lệnh ngừng bắn nào và có thể chấp nhận kế hoạch để PA, cơ quan quản lý một phần Bờ Tây bị chiếm đóng, đảm nhận trách nhiệm quản lý Gaza sau chiến tranh như một phần của thỏa thuận chính trị rộng lớn hơn của người Palestine.

Trong những tháng gần đây, Hamas đã tìm cách cải thiện quan hệ với Fatah - phe đối thủ lâu đời đang thống trị PA, bằng cách đưa các nhà lãnh đạo của Fatah vào danh sách những người mà Hamas đang đòi tự do từ Israel. Trong số đó có Marwan Barghouti, một trong những chính trị gia được người Palestine yêu mến nhất, người đã ngồi tù hơn 20 năm và được coi là một ứng cử viên Tổng thống Palestine tiềm năng.

Trước thông tin này, Qadura Fares, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tù nhân của PA, cũng gửi tới Hamas quan điểm của Fatah: “Một thỏa thuận ngừng bắn đáng tin cậy phải đối xử với các tù nhân với tư cách là những chiến binh dân tộc của người Palestine, chứ không phải với tư cách là thành viên của các nhóm khác nhau”.

Các cuộc tấn công và bao vây của Israel tại Gaza khiến Hamas suy yếu. Ảnh: WSJ.

Theo cách diễn đạt ấy, có thể hiểu việc các lực lượng Palestine thống nhất dưới chung một ngọn cờ là điều kiện quan trọng để tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài tại Gaza cũng như Bờ Tây và xa hơn là tìm kiếm cơ hội thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Tất nhiên, viễn cảnh ấy còn xa và Israel cho đến nay vẫn cực lực phản đối nhưng đã có những động thái mạnh hơn từ các cường quốc, kể cả những đồng minh của Israel, ủng hộ phương án thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Chẳng hạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cho biết, việc công nhận Nhà nước Palestine không còn là chủ đề cấm kỵ ở Pháp nữa. Một thông điệp được các nhà phân tích cho rằng mang hàm ý Paris có thể đưa ra quyết định về việc này nếu các nỗ lực hướng đến giải pháp này bị cản trở vì sự phản đối của Israel. Tương tự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Matthew Miller ngày 31/1 cũng tuyên bố Washington đang tích cực cùng các đối tác trong khu vực tìm kiếm giải pháp cho một Nhà nước Palestine độc lập đi kèm với những đảm bảo an ninh cho Israel.

Quang Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/hy-vong-ngung-ban-o-gaza-tang-len-sau-khi-hamas-xuong-thang-i725863/