Hy vọng của Ukraine sau hơn 100 ngày giao tranh với Nga

Sau hơn 100 ngày giao tranh, Ukraine đang cố gắng chống chọi với hỏa lực áp đảo của Nga ở mặt trận phía đông đủ lâu để vũ khí phương Tây kịp đến và có thể tạo cho họ lợi thế cần thiết.

Với thương vong ngày càng gia tăng và một số trì hoãn ở các nước phương Tây trong việc chuyển giao vũ khí cho Kiev, các quan chức Ukraine lo ngại sự trợ giúp có thể không đến đủ nhanh.

Ảnh minh họa: Global Finance Magazine

Chứng kiến cảnh nhà cửa và các thành phố bị phá hủy trong giao tranh, một số người ở Ukraine thậm chí tỏ ra hoài nghi một cam kết mới đây của Nhà Trắng về gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD, bao gồm cả việc cung cấp các hệ thống tên lửa tân tiến.

"Hiện đang muộn mất rồi. Các đối tác phương Tây đang giúp đỡ chúng tôi, nhưng số lượng vũ khí và đạn dược họ đang cung cấp là không đủ", Serhiy Gaidai, thống đốc vùng Luhansk, miền đông Ukraine bày tỏ. Thành phố Sievierodonetsk ở Luhansk đã bị phá hủy một phần trong đợt tiến công của các lực lượng Nga những ngày gần đây.

Theo Reuters, hàng nghìn người đã thiệt mạng và hơn 6 triệu người buộc phải rời khỏi đất nước đi lánh nạn kể từ khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự sang Ukraine ngày 24/2. Moscow tuyên bố, chiến dịch nhằm giải giáp vũ khí và loại bỏ nước láng giềng khỏi những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bị Điện Kremlin coi là đe dọa an ninh Nga.

Tại Moscow, Tổng thống Vladimir Putin dường như muốn truyền tải thông điệp rằng mọi hoạt động ở xứ sở bạch dương vẫn diễn ra như bình thường, bất chấp các đòn trừng phạt của Mỹ và các đồng minh.

Với việc các lực lượng Moscow đã thâu tóm quyền kiểm soát tới 1/5 diện tích Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 2/6 phát biểu trước các quan chức phương Tây ở Bratislava rằng, cuộc chiến đang trải qua một thời điểm then chốt, phụ thuộc vào việc liệu phương Tây có thể cung cấp vũ khí cho Kiev để lật ngược lợi thế lớn về trang thiết bị và quân số của Nga ở miền đông đất nước hay không.

Sai lầm lớn

Một số nhà quan sát tin phương Tây đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất. "Cảm nhận của tôi là phương Tây đã mắc một sai lầm lớn. Cách đây 6 tuần, khi người Nga rút lui ... Đó là thời điểm người Mỹ đáng lẽ nên trao cho người Ukraine hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS)", Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao NATO hiện làm việc tổ chức nghiên cứu "Những người bạn của châu Âu" ở Brussels nói, ám chỉ đến các hệ thống tên lửa tân tiến Washington mới cam kết tài trợ cho Kiev.

Quân Nga được tin đã buộc phải rút khỏi các vị trí quanh Kiev và các vùng miền bắc Ukraine sau khi bị kéo căng quá mức các tuyến tiếp tế trong những tuần đầu chiến sự. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, họ đã đặt Ukraine vào thế lùi ở miền đông bằng cách tập trung hỏa lực áp đảo vào một mặt trận tương đối nhỏ.

Theo một quan chức quốc phòng phương Tây, Nga đang tiến chậm, chỉ 500 - 1.000 mét mỗi ngày so với hàng chục km mà học thuyết quân sự của họ dự tính khi áp dụng các chiến thuật hiện tại. Quan chức này nhận định, việc Nga tập trung vào pháo binh một phần có thể do tình trạng suy yếu của lực lượng bộ binh, với hiệu quả chiến đấu chỉ đạt 50% khả năng. Ông ước tính, Nga đã có hơn 40.000 binh lính thiệt mạng hoặc bị thương khi tham chiến ở nước láng giềng.

Tình thế khó khăn

Tuy nhiên, chiến thuật của Nga cũng gây tổn thất không ngừng cho quân Ukraine ở tiền tuyến, với ước tính tới 100 binh sĩ tử trận mỗi ngày và 450 -500 người bị thương. Cường độ hỏa lực của đối phương đang ngăn cản các lực lượng Kiev luân chuyển, làm trầm trọng thêm mức độ mệt mỏi.

"Mặc dù Ukraine đang gây ấn tượng về chiến thuật, chiến lược và cách tổ chức rất khôn ngoan nhưng không ai có thể phủ nhận rằng họ đã bị trúng hết đòn giáng này đến đòn giáng khác. Nga có nhiều thứ để đổ vào cuộc chiến này hơn những gì người Ukraine có", Joerg Forbrig thuộc Quỹ Marshall Đức ở Berlin bình luận.

Theo các nhà phân tích quân sự, hai yếu tố có khả năng quyết định sự thành công của nỗ lực cứu trợ từ phương Tây là tốc độ và số lượng.

"Chúng tôi đã nhận được khoảng 100 khẩu pháo từ Mỹ và gần như tất cả đều đã ở Ukraine. Nhưng vấn đề là chúng tôi cần số lượng vũ khí tối thiểu nhiều gấp 5 như vậy để ít nhất đảm bảo sự cân bằng sức mạnh", Serhiy Zgurets, lãnh đạo bộ phận tư vấn chính sách của tổ chức Defense Express ở Kiev nói.

Tính cả thời gian vận chuyển và đào tạo binh lính sử dụng, Ukraine có thể mất tới 4 tuần mới có thể đưa những vũ khí viện trợ vào sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ tạo cơ hội cho Nga tăng cường hành động trước.

Các hệ thống tên lửa tân tiến của Mỹ với tầm bắn lên tới 80 km, gấp đôi tầm bắn của các loại pháo Ukraine đang vận hành, có thể mang tới lợi thế lớn cho các lực lượng Kiev, giúp giảm đáng kể khả năng đối mặt của các đội pháo binh trước hỏa lực bay tới, đồng thời tăng tốc độ và sự chính xác của những vụ tập kích nhằm các vị trí của quân Nga. Chúng cũng có thể cho phép Ukraine tấn công vào các tuyến tiếp tế nằm sâu phía sau chiến tuyến của đối phương.

Washington đồng ý chuyển giao HIMARS sau khi nhận được sự đảm bảo từ Kiev rằng họ sẽ không sử dụng chúng để bắn phá các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Moscow cáo buộc Washington đang đổ thêm "dầu vào lửa".

"Trong trường hợp Ukraine liên tục nhận được các loại vũ khí nước này yêu cầu ... và hoạt động đó ngày càng được mở rộng và tăng lên, điều này nhiều khả năng giúp đất nước ngăn chặn Nga trên tất cả các khía cạnh của cuộc xung đột và sẽ tạo điều kiện để thực hiện phản kích vào tháng 8 hoặc tháng 9", chuyên gia Oleksandr Musiyenko đến từ Trung tâm Nghiên cứu quân sự và pháp lý của Ukraine bày tỏ.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hy-vong-cua-ukraine-sau-hon-100-ngay-giao-tranh-voi-nga-2026980.html