Hy vọng cho Mỹ

Mỹ đã ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp có dưới 900 ca tử vong do Covid-19 trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi toàn cầu có những tiến triển tốt trong cuộc chiến chống đại dịch dù vẫn cảnh báo cần 'cảnh giác cao độ' trước làn sóng thứ hai.

Mỹ đã ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp có dưới 900 ca tử vong do Covid-19 trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi toàn cầu có những tiến triển tốt trong cuộc chiến chống đại dịch dù vẫn cảnh báo cần “cảnh giác cao độ” trước làn sóng thứ hai.

Tuy nhiên, sự lạc quan này đã bị phủ bóng bởi tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ, trong đó Giám đốc điều hành (CEO) của Boeing cảnh báo một hãng hàng không lớn của Mỹ có thể sẽ phá sản vì đại dịch, khi công việc biến mất và các doanh nghiệp cũng lao đao. Covid-19 hiện đã giết chết hơn 285.000 người, theo một thống kê mới nhất của AFP. Số ca mắc bệnh hiện cũng vượt quá 4,1 triệu.

Các nhân viên Nhà Trắng cho biết họ phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc. Ảnh: AFP

Làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ gây suy thoái tại Mỹ

Tỷ lệ ca nhiễm mới ở nhiều quốc gia đã bắt đầu chậm lại. “Tin tốt là đã có rất nhiều thành công trong việc làm chậm đà lây lan”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp ngắn hôm 12-5.

Nhưng cơ quan y tế toàn cầu này vẫn cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm thứ hai, trong đó Giám đốc Michael Ryan than thở rằng nhiều chính phủ chọn “lái xe qua điểm mù” này bằng cách không tăng cường khả năng xét nghiệm và theo dõi các ca nghi nhiễm. Nhiều bang ở quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới cũng đã mở cửa trong những ngày gần đây, mặc dù có những cảnh báo rằng, virus không hoàn toàn được kiểm soát. Theo NYT, hiện chỉ còn 15 tiểu bang vẫn “đóng cửa” hoặc duy trì các hạn chế về giãn cách xã hội và lệnh phải ở nhà trong khi 35 tiểu bang còn lại đã mở cửa một phần hoặc đã công bố các biện pháp mở cửa trở lại trong những tuần tới.

Có một số tin tốt cho người Mỹ vào hôm 11-5, với con số công bố cho thấy, 830 người chết trong 24 giờ qua - ngày thứ hai liên tiếp chứng kiến con số dưới 900. Tuy nhiên, hơn 80.000 người ở nước này đã chết vì căn bệnh này và con số thực sự ước tính có thể cao hơn nhiều. Vì vậy, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, chuyên gia Mark Zandi cho rằng, việc các tiểu bang của Mỹ vội vàng mở cửa sẽ phản tác dụng nếu như có sự gia tăng đáng kể hoặc có “làn sóng thứ hai” các ca lây nhiễm mới. “Nếu chúng ta có làn sóng thứ hai thì sẽ có một cuộc suy thoái. Chúng ta sẽ không thể đóng cửa một lần nữa, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến mọi người sợ hãi và tạo gánh nặng cho nền kinh tế”, chuyên gia này cảnh báo.

Nhà kinh tế này cũng nhấn mạnh rằng nếu không có đợt lây nhiễm thứ hai, việc làm sẽ bắt đầu hồi phục vào tuần lễ Memorial Day (ngày tưởng niệm), bắt đầu từ ngày 23-5. Ngay sau đó, thị trường sẽ chứng kiến mức tăng trong suốt mùa hè và vào đầu mùa thu. Tuy nhiên, Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn do sự không ổn định do virus SARS-CoV-2 gây ra cũng như tác động đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Nỗi sợ của Nhà Trắng

Trong khi đó, Covid-19 dường như “đã có được chỗ đứng” trong Nhà Trắng vào cuối tuần qua, với ca mắc thứ hai được xác nhận ở Cánh Tây, nơi có phòng làm việc của Tổng thống Donald Trump (Phòng Bầu dục).

Nhân viên ở đó cho biết, họ phải đeo mặt nạ tại nơi làm việc, và Tổng thống Trump nói rằng, ông có thể hạn chế tiếp xúc với Phó Tổng thống Mike Pence sau khi một phụ tá của ông này có xét nghiệm dương tính. “Chúng ta có thể nói chuyện qua điện thoại”, ông Trump nói với người phó Mike Pence. “Ông ấy xét nghiệm âm tính, chúng tôi hiểu điều đó, nhưng ông ấy đã tiếp xúc với rất nhiều người”, Tổng thống Trump, người đang tuyệt vọng tìm cách khởi động lại nền kinh tế trước cuộc bầu cử tháng 11, cho biết.

Ông Trump cũng bác bỏ khả năng dịch Covid-19 lây lan trong Nhà Trắng trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát ổ dịch ở tòa nhà này. Trước đó, 3 quan chức cấp cao thuộc nhóm chuyên trách chống dịch Covid-19 của Nhà Trắng cũng phải tự cách ly sau khi tiếp xúc gần người mắc Covid-19. Theo các nguồn tin, khu vực Cánh Tây ở Nhà Trắng khá chật chội và việc giữ khoảng cách an toàn là điều khá khó khăn. Tại khu vực này, ngoài Phòng Bầu dục còn có văn phòng một số cố vấn thân cận nhất của ông Trump, phòng họp báo, bàn dành cho phóng viên Nhà Trắng, nơi mọi người ngồi san sát nhau.

Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh: “Có rất nhiều người ra vào Nhà Trắng mỗi ngày và hầu như họ đều được xét nghiệm Covid-19 và tôi chẳng thấy có bất kỳ rủi ro nào”.

KHẢ ANH

>> Thái Lan: Nạn tự tử gia tăng do dịch Covid-19

>> Covid-19 định hình lại các mối đe dọa khủng bố ở Indonesia

>> Covid-19 lại hoành hành ở Trung, Hàn

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_224718_hy-vong-cho-my.aspx