Hy Lạp buộc tội người quản lý nhà ga trong thảm kịch tàu hỏa

Hôm 5/3, một quản lý nhà ga liên quan vụ tai nạn tàu hỏa ở Hy Lạp khiến 57 người chết đã bị buộc tội giết người do cẩu thả và đang bị giam giữ chờ xét xử.

12.000 người tham gia cuộc biểu tình tại quảng trường Syntagma. Athens. Hy Lạp ngày 5/3 nhằm phản đối tình trạng đường sắt của nước này. Ảnh: AP

Trước đó vào ngày 28/2, một vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng đã xảy ra tại phía bắc thành phố Larissa, khi một đoàn tàu chở khách và một đoàn tàu chở hàng trực tiếp đâm vào nhau. AP cho biết vụ tai nạn này đã khiến ít nhất 57 người, gồm nhiều người trong đó ở độ tuổi thanh thiếu niên, thiệt mạng.

Quản lý nhà ga 59 tuổi được cho là người đã chỉ dẫn khiến 2 đoàn tàu ngược chiều nhau đi trên cùng một đường ray. Theo luật sư đại diện Stephanos Pantzartzidis của người này, thân chủ của ông đã dành hơn 7 tiếng ngày 5/3 để làm chứng về các sự kiện dẫn tới vụ tai nạn trước khi bị buộc tội và chịu lệnh giam giữ.

Trả lời các phóng viên, ông cho biết thân chủ của mình đã làm chứng ‘’một cách trung thực”, đồng thời cho biết các quyết định giam giữ người quản lý nhà ga do tầm nghiêm trọng của vụ án.

Tuy nhiên, ông Pantzartzidis cũng cho biết các thẩm phán nên cân nhắc tới việc điều tra xem liệu có nên có nhiều quản lý nhà ga cùng làm việc ở Larissa vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn hay không. Nguyên nhân được ông đưa ra là trong 20 phút, thân chủ của ông chính là người phụ trách an toàn xe lửa trên khắp miền trung Hy Lạp.

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình. Ảnh: AP

Ông Pantzartzidis không tiết lộ về nguyên nhân vụ tai nạn này xảy ra. Tuy nhiên theo truyền thông Hy Lạp, việc hệ thống tín hiệu tự động trong khu vực xảy ra vụ tai nạn không hoạt động có thể là nguyên nhân khiến người quản lý nhà ga mắc sai lầm. Vốn các quản lý nhà ga dọc theo tuyến trục chính của Hy Lạp liên lạc với nhau và với những người lái tàu qua radio hai chiều trong khi các công tắc được vận hành bằng tay.

Để giải quyết hậu quả, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đưa ra cam kết chính phủ sẽ nhanh chóng điều tra vụ việc, đồng thời cho biết Bộ trưởng Giao thông mới của Hy Lạp sẽ đưa ra một kế hoạch cải thiện an toàn đường sắt. Ngoài ra, ông Mitsotakis cũng cho biết sau khi Quốc hội mới được thành lập, một ủy ban cũng sẽ được lập ra để điều tra tình trạng quản lý yếu kém trong nhiều thập kỷ đối với hệ thống đường sắt của đất nước.

Hôm 5/3 trên trang Facebook của mình, ông Mitsotakis cũng bày tỏ sự hối tiếc của mình khi cho biết: “Tôi nợ tất cả mọi người, đặc biệt là người thân của các nạn nhân, một lời xin lỗi sâu sắc, cả về mặt cá nhân”.

Thêm vào đó, ông cũng cho biết: “Việc hai đoàn tàu đi ngược chiều nhau trên cùng một đường ray mà không ai nhận ra là điều không thể tưởng tượng được. Chúng tôi không thể, chúng tôi không muốn và chúng tôi không được che giấu lỗi lầm của con người”.

Người biểu tình sử dụng bom xăng để đối phó với cảnh sát. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, lời giải thích này không nhận được sự đồng tình của các chính trị gia phe đối lập cũng như của người dân. Các đảng đối lập đã cáo buộc thủ tướng cố gắng che đậy vai trò của nhà nước và biến người quản lý nhà ga thành “vật tế”.

Vốn các tuyến đường sắt của Hy Lạp từ lâu đã không được quản lý tốt. Nhiều khoản chi tiêu lớn bị trì hoãn hoặc bỏ dở, trong khi công ty đường sắt nhà nước Hellenic Railways đang chịu nợ hàng tỷ Euro, khiến công việc bảo trì đã bị đình trệ theo các hãng truyền thông Hy Lạp.

Trong bối cảnh đó, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều nơi trên đất nước. Ngày 5/3, các nhà chức trách địa phương cho biết các công đoàn đường sắt đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối ở trung tâm Athens với sự tham dự của khoảng 12.000 người.

Khi cuộc biểu tình trở nên bạo lực và một nhóm gồm hơn 200 người đeo khẩu trang và mặc đồ đen bắt đầu ném đá, chai lọ và bom xăng vào các sĩ quan cảnh sát và khiến 7 người bị thương, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Bằng cách sử dụng hơi cay và đạn gas, cảnh sát đã truy bắt những người biểu tình bạo lực và tiến hành bắt giữ 5 người.

Trong khi đó tại Thessaloniki, khoảng 3.000 người đã tham gia hai cuộc biểu tình phản đối. Một số nạn nhân của vụ tai nạn là sinh viên tại Đại học Aristotle của thành phố, trường đại học lớn nhất Hy Lạp với hơn 50.000 sinh viên. Một cuộc biểu tình lớn khác được tổ chức bởi các nhà hoạt động cánh tả, đã được tiến hành trước một tòa nhà chính phủ một cách hòa bình.

Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải quyết hơn 200 người biểu tình sử dụng bạo lực tại Athens. Ảnh: Reuters

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hy-lap-buoc-toi-nguoi-quan-ly-nha-ga-trong-tham-kich-tau-hoa-post18594.html