Hy Lạp bên bờ vực thẳm, eurozone lao đao

(Toquoc)-Chính phủ Hy Lạp trên đe dưới búa, Khu vực đồng euro (eurozone) đứng trước nhiều rủi ro, kinh tế thế giới bị vạ lây.

Chính phủ Hy Lạp đang phải đối diện với hai mặt trận: tranh thủ sự ủng hộ của đối tác chính trị trong nước để thuyết phục các nhà tài trợ cấp cứu. Thủ tướng Lucas Papademos thuyết phục Ủy ban châu Âu, cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF chấp thuận cho vay thêm 170 tỷ USD để trả nợ đáo hạn vào cuối tháng 3 này, nếu không Hy Lạp có nguy cơ bị vỡ nợ. Tiếp theo đó, phải đàm phán với lãnh đạo của ba đảng Xã hội, Bảo thủ và phe cực hữu để họ nuốt trôi gói thuốc đắng mà các định chế tài chính áp đặt.

Giới chức Khu vực đồng euro muốn Hy Lạp nhất trí với gói cứu trợ thứ hai để thỏa thuận này có thể được thông qua vào ngày 15/2 tới.

Chính phủ Hy Lạp trên đe dưới búa

Về nội bộ, liên minh cầm quyền đã đồng thuận trên tỷ lệ tiết kiệm dự kiến 1,5 GDP. Tuy nhiên, về ba điều kiện then chốt mà các nhà tài trợ đòi hỏi là giảm mức lương tối thiểu, bớt trợ cấp hưu trí và quy mô sa thải công chức thì Thủ tướng gặp phải phản ứng dè dặt của các đối tác. Đảng Tân Dân Chủ bảo thủ Antonis Samaras đang hối thúc chính phủ bác bỏ những đòi hỏi này, nói rằng Hy Lạp không thể gánh vác thêm bất cứ một biện pháp khắc khổ nào nữa. Các chính trị gia Hy Lạp đang lo phải trả giá đắt nếu tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới đây. Các chính đảng không muốn chấp nhận những điều kiện nhận cứu trợ cứng rắn, vì điều đó đồng nghĩa với một sự sụt giảm mạnh mức sống đối với nhiều người dân Hy Lạp, đặc biệt trong bối cảnh họ phải giành giật lá phiếu của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử đang đến gần. Hai công đoàn lớn của Hy Lạp đã lên kế hoạch tổ chức đình công 24 giờ để phản đối. Người dân Hy Lạp xem những đòi hỏi của châu Âu và IMF là quá đáng, bắt bí cả một dân tộc.

Người Hy Lạp biểu tình chống những biện pháp áp đặt đẩy họ vào bước đường cùng

Các đòi hỏi và biện pháp mới mà chính quyền dự kiến đang gây phẫn nộ như giảm lương, giảm đến 20%, giảm một số quỹ hưu bổng... sa thải bớt nhân viên trong khu vực công, sa thải ngay 15.000 người, giảm hơn 1 tỷ euro chi phí về y tế.

Trong khi đường phố phẫn nộ, giới lãnh đạo Hy Lạp rất bối rối. Bộ trưởng tài chính Evangelos Vinizelos công nhận: “Người Hy Lạp đã nghèo đi và đang sống một thảm kịch”. Giới chính khách có cảm giác là họ thảo luận trong tư thế bị dồn vào chân tường, bị một khẩu súng kê sát màng tai.

Dư luận nhiều nước châu Âu tỏ ra thiếu kiên nhẫn hơn đối với việc thực hiện các cam kết của Hy Lạp. Theo điều tra dư luận mới đây của Bild, tờ báo hàng ngày đông đọc giả loại nhất của Đức, phần đông người Đức cho rằng khu vực đồng euro sẽ tốt hơn nếu Hy Lạp rời khỏi và khoảng 80% người được hỏi chống lại việc giải ngân gói cứu trợ tiếp theo nếu Hy Lạp không nghiêm chỉnh thực hiện cải cách.

Một số nhà hoạch định chính sách EU cũng đã công khai nói về việc "trục xuất" Hy Lạp khỏi Khu vực đồng euro. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định eurozone đủ mạnh để tồn tại sau khi Hy Lạp rút ra ngoài.

Tờ báo Les Echos (Pháp) đưa ảnh lớn trang nhất hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức họp báo tại điện Elyseé, với hàng tít: “Hy Lạp: châu Âu mất kiên nhẫn”. Bà Merkel và ông Sarkozy đã ra tối hậu thư đối với chính khách Hy Lạp là nếu họ không chấp nhận những điều kiện đưa ra, thì châu Âu sẽ không tháo khoán. Hầu như cả châu Âu đều ủng hộ và đứng phía sau đầu tàu Pháp-Đức. Đối với châu Âu, Hy Lạp càng chần chừ, kéo dài thời gian, thì nước này càng lún sâu thêm vào khủng hoảng. Và vấn đề không chỉ là cắt giảm chi tiêu mà còn phải thực hiện cải cách. Mục tiêu của kế hoạch thương lượng với Aten là nhằm đưa Hy Lạp trở lại con đường tăng trưởng, chủ yếu qua việc giảm nợ công xuống mức khả dĩ.

Hai nhà lãnh đạo Khu vực đồng euro thống nhất thông điệp gửi Hy Lạp: Hãy hành động, châu Âu đã mất kiên nhẫn

Nhưng vấn đề là không thể thúc đẩy hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư, khi mà lương nhân công quá cao, khu vực công quá nặng nề, trong lúc lĩnh vực tư nhân lại yếu kém hơn nhiều.

Eurozone tiếp tục lao đao

Khủng hoảng nợ châu Âu khó có thể giải quyết nhanh chóng. Những dấu hiệu cải thiện tình hình vẫn đứng trước nhiều rủi ro. Những rủi ro này bao gồm khả năng đấu tranh chính trị có thể khiến kế hoạch cứu trợ lệch quỹ đạo, làm cho Hy Lạp hoặc là đối mặt với nguy cơ đổ vỡ ngành ngân hàng hoặc là rơi vào tình trạng vi phạm khế ước vay nợ. Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách, dường như tất cả các nước thuộc eurozone đều đang thực hiện chính sách thắt chặt tài chính. Ngoài ra, nhiều quốc gia châu Âu còn bị hạ cấp tín nhiệm tín dụng. Thật là “họa vô đơn chí”.

Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu đầu năm 2010, giới lãnh đạo đồng tiền chung đã liên tiếp phạm những sai lầm. Khủng hoảng diễn ra đa phần do thiếu năng lực kiểm soát và quản lý khủng hoảng, phần do thiếu một tầm nhìn và thường gắn với các quyết định thuần túy mang tính chính trị. Sai lầm đầu tiên có thể kể đến là việc “chẩn bệnh” không trúng ngay từ những hội chứng đầu tiên. 18 tháng sau khi xảy ra khủng hoảng khu vực đồng euro, sau khi một số nước phải huy động tài chính trên thị trường với lãi suất rất cao, Pháp và Italia mới tỉnh ngộ.

Nếu những khuyết tật của Hy Lạp được xử lý tốt ngày từ đầu thì có thể hạn chế thiệt hại cho những nước khác và cho hệ thống tài chính. Một lựa chọn là các chính phủ trong eurozone cùng gánh chịu chung các khoản nợ của Hy Lạp. Nhưng các đề xuất này đã bị loại bỏ từ tháng 7/2011 khi các nước đạt được thỏa thuận mang tính nguyên tắc về việc xử lý nợ công của Hy Lạp. Những hỗ trợ, ủng hộ quá hạn chế và quá chậm. Phản ứng chậm tới mức không thể tránh được tình trạng lây nhiễm. Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), với số tiền ban đầu 440 tỉ euro, chỉ có thể đảm bảo cứu nguy cho những nước nhỏ nhất, mà không thể đủ phương tiện tài chính cần thiết giúp các nước lớn hơn như Tây Ban Nha hay Italia.

Các ngân hàng bị gây sức ép lớn, ngày càng trở nên bấp bênh. Những khoản nợ công thực sự đang đe dọa đến độ an toàn của các ngân hàng.

Việc áp dụng chính sách kinh tế khắc khổ rộng rãi cũng là một sai lầm. Trên bình diện kinh tế vĩ mô, tất cả các nước trong khu vực đồng euro, do lo ngại tình trạng lây nhiễm, đã áp dụng các chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng theo nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng đồng thời các biện pháp khẩn cấp này đã đẩy eurozone rơi vào tình trạng suy thoái. Hiện nay, nhiều chính phủ châu Âu đang tìm cách thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn lực phục vụ tăng trưởng.

Hai nhân vật từng được trao tặng giải Nobel về kinh tế đã bắt mạch đúng căn bệnh của eurozone và nhiều quốc gia thuộc EU. Ông Gary Becker cho rằng, vấn đề không chỉ là các nước có nợ công lớn nhất hay thâm hụt ngân sách lớn nhất, mà ở chỗ họ xuất khẩu ít, nhập khẩu nhiều; nền kinh tế căn bản không có sức cạnh tranh. Điều này dẫn tới phải đi vay để chi tiêu.

Ông Jose Stiglitz nhấn mạnh, các chính phủ cần phải hiểu rằng: Không có tăng trưởng, sẽ không có niềm tin thị trường và nợ công sẽ chỉ ngày càng chồng chất. Các biện pháp thắt chặt tài chính và thắt lưng buộc bụng có thể giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai, nhưng không giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Những biện pháp châu Âu đang áp dụng nếu không có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì sẽ thất bại./.

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/101669/hy-lap-ben-bo-vuc-tham-eurozone-lao-dao.aspx