Huỳnh Tấn Phát, nhà báo lớn, nhà cách mạng trọn đời vì nước, vì dân

'Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự, song lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay: Huy động lực lượng trí thức vào hàng ngũ đấu tranh giành độc lập dân tộc'.

Theo GS, TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, nội dung nhận xét trên là của Trần Bạch Đằng về Huỳnh Tấn Phát, người không chỉ là kiến trúc sư, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, mà còn là một nhà báo can trường đã mở trận tuyến đấu tranh bằng báo chí giữa lòng Sài Gòn trong thời kỳ cách mạng đầy khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (1913-1989). Ảnh: Tư liệu

Hoạt động báo chí của Huỳnh Tấn Phát tập trung vào hai thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, chủ yếu liên quan đến báo Thanh niên, và thời kỳ thứ hai, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, là những năm tháng ông lãnh đạo, chỉ đạo Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ và Đài phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ lớn tự do.

Thời kỳ làm báo thứ nhất của Huỳnh Tấn Phát bắt đầu từ năm 1943 khi ông bắt đầu làm báo Thanh niên. Giữa lúc Văn phòng kiến trúc sư đang rất có uy tín, làm ăn phát đạt, Huỳnh Tấn Phát gom góp tiền tiết kiệm bỏ ra mua lại manchette tờ Thanh niên. Đây là tờ tuần báo đã được cấp phép và xuất bản số 01 từ ngày 27/8/1941, do Louis Hoàng Văn Hươn sáng lập và Hoàng Tâm làm Giám đốc đầu tiên, có trụ sở tòa soạn tại số nhà 62, đại lộ Bonard (nay là đại lộ Lê Lợi, quận 1, TP Hồ Chí Minh), sau chuyển đến số nhà 155, phố Marchaise (nay là phố Ký Con, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Mong muốn của ông là xây dựng một tờ tuần báo với mục đích tập hợp, giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc của thanh niên, góp phần cứu nước, cứu đời.

Sau khi mua được manchette tờ Thanh niên, Huỳnh Tấn Phát chuyển tòa soạn báo về số nhà 70, đường Mayer, tự đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm và mời các cộng sự để tổ chức ra báo. Số 1 báo Thanh niên bộ mới của Chủ nhiệm Huỳnh Tấn Phát ra mắt bạn đọc Sài Gòn ngày 7/8/1943, khổ báo 310 x 237 mm, in tại nhà in Thạch Thị Mậu.

Huỳnh Tấn Phát chủ trương tờ tuần báo Thanh niên là chống kẻ thù xâm lược, bất kể đó là thực dân Pháp hay phát xít Nhật.

Thời gian đầu, ông mời một số nhà báo trong nhóm của Tô Văn Của, Huỳnh Văn Nghệ, Bằng Giang..., tham gia ban biên tập và viết bài cho báo. Khi biết được một số người trong nhóm có tư tưởng quốc gia thân Nhật, ông kiên quyết đấu tranh, không chấp nhận những bài viết của những nhân vật đó. Thời gian sau, khi tiếp xúc với Huỳnh Văn Tiểng cùng nhóm những người cách mạng mới ra tù, ông không chỉ có cảm tình mà còn tin cậy giao cho họ chủ trì nội dung tờ báo.

Thời gian cuối, Nguyễn Văn Nguyễn, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ đã liên lạc với Huỳnh Tấn Phát, ở lại cùng nhà với ông, tham gia viết bài và cùng bàn bạc với ông về nội dung thông tin tuyên truyền trên báo. Vì thế, Thanh niên hầu như đã trở thành tờ báo cách mạng, do Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo. Uy tín của Thanh niên nổi như cồn. Nhiều nhà báo, nhà văn, nghệ sỹ nổi tiếng trong cả nước tìm đến cộng tác hoặc gửi bài cho báo như: Lưu Hữu Phước, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Đình Liên, Mạnh Phú Tư, Nguyên Hồng, Dương Tử Giang, Khuông Việt, Nghiêm Xuân Việt, Bình Nguyên Lộc,...

Để tránh sự đàn áp của kẻ thù, tin tức, bài vở của báo Thanh niên ít đề cập trực tiếp các vấn đề chính trị. Song định hướng chung của tờ báo là động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống chống ngoại xâm vẻ vang của dân tộc, cổ vũ nhân dân khắp ba miền đoàn kết toàn dân, không phân biệt Bắc, Trung, Nam, chung tay góp sức chống kẻ thù chung; khích lệ thanh niên vươn tới lý tưởng sống cao đẹp, ra tay gánh vác trách nhiệm giải phóng dân tộc, giành lại non song gấm vóc. Báo Thanh niên cũng kêu gọi nhân dân tham gia phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, xóa nạn mù chữ; đăng tải các tác phẩm văn nghệ có tinh thần yêu nước, tiến bộ như ca khúc “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước, vở kịch “Hội nghị Diên Hồng” của Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng...

Do sự o ép của chính quyền thực dân Pháp, tờ báo chỉ tồn tại được hơn một năm, phải đình bản ngày 30/9/1944, sau sau khi ra số báo cuối cùng, số 53. Tuy chỉ tồn tại hơn một năm, xong Thanh niên đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc, góp phần thức tỉnh nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, vì mục tiêu cách mạng giải phóng dân tộc. Sự ra đời và tồn tại của tờ báo Thanh niên như một trận tuyến đấu tranh được mở ra giữa lòng thành phố Sài Gòn, trong trùng vây của kẻ thù. Đó còn là bằng chứng không thể rõ ràng hơn về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc của người trí thức, kiến trúc sư tài ba Huỳnh Tấn Phát.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ Bùi Thị Nga, trong kháng chiến chống Mỹ. (Nguồn ảnh: Trang tin điện tử TP Hồ Chí Minh).

Bằng Giang, một cây bút gắn bó với Thanh niên từ những ngày đầu của tờ báo nhận xét: “Đọc Thanh niên một các liên tục, người ta có cảm giác như hơ tay trên lửa đỏ, người ta khó có thể nguội lạnh dửng dưng được. Chính ở điểm đó, Thanh niên lên đáo lên tiếng gọi đàn, chuẩn bị một ngày trọng đại”.

Thời gian làm báo Thanh niên cũng là lúc Huỳnh Tấn Phát được tiếp xúc với những người hoạt động cách mạng như Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Huỳnh Văn Tiểng... Từ sự cảm phục những người dám xả thân vì nước, sự đồng điệu về tấm lòng yêu nước, lý tưởng sống cứu nước, cứu đời, đến giác ngộ về con đường cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ông đã xác định quyết tâm dấn thân vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, ông được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ vận động, lôi kéo trí thức, thanh niên và tham gia làm báo, những công việc phù hợp với sở trường của ông. Vừa tham gia chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, vận động thanh niên tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong, ông vừa tham gia viết bài, cổ động cho tờ báo Tiến, cơ quan của tổ chức Thanh niên Tiền phong do Mai Văn Bộ làm chủ bút.

Thời kỳ thứ hai trong cuộc đời làm báo của Huỳnh Tấn Phát bắt đầu từ đầu năm 1949, khi ông từ nội thành Sài Gòn bí mật ra Chiến khu Đồng Tháp, được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ.

Một nhiệm vụ công tác trọng tâm, cấp bách của Sở Thông tin Nam Bộ lúc đó là nhanh chóng xây dựng cơ sở mới của Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ ở chiến khu Đồng Tháp. Với trách nhiệm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Huỳnh Tấn Phát trực tiếp chỉ đạo các công việc, từ xây dựng đội ngũ cán bộ, mua sắm vật tư, trang bị, thiết bị kỹ thuật, đến xây dựng nội dung các chương trình phát sóng, bảo đảm đời sống và an toàn cho mấy chục con người của cơ quan của Đài. Những hoạt động không mệt mỏi của ông đã góp phần tạo dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và nền tảng tinh thần ban đầu quan trọng, giúp cho Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ vượt lên những gian nan, ác liệt của chiến tranh, với 10 lần di chuyển địa điểm vẫn lên sóng đều đặn trong suốt 7 năm, đưa tiếng nói của cách mạng, kháng chiến đến với đồng bào, chiến sỹ Nam Bộ.

Đầu tháng 8-1950, Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập dưới sự lãnh đạo của đồng chí Mười Cúc tức Nguyễn Văn Linh. Huỳnh Tấn Phát được cử tham gia Đặc khu ủy, làm Trưởng ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách “Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do”. Ông lại bắt tay vào chỉ đạo tập hợp đội ngũ cán bộ, nhân viên, thông qua các mối quan hệ quen biết trong nội thành Sài Gòn để tìm mua các vật tư, thiết bị kỹ thuật cần thiết, bí mật đưa ra căn cứ miền Đông. Một đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật, phát thanh viên, nhạc sỹ, biên tập viên, hơn 5 chục người được tụ hội về cơ quan Đài.

Từ hai bàn tay trắng, dưới sự chỉ đạo của Huỳnh Tấn Phát, chỉ trong vòng vài tháng, toàn bộ các công việc xây dựng và tổ chức của Đài đã hoàn thành. Ngày 25/1/1951, từ Chiến khu Đ, Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do đã phát sóng buổi phát thanh đầu tiên.

Mở đầu buổi phát thanh là tiếng phát thanh viên xưng danh: “Đây là Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do, tiếng nói đoàn kết, tiếng nói đấu tranh của nhân dân đô thành anh dũng. Xin gửi tới đồng bào lời chào đoàn kết và quyết thắng!”. Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do phát mỗi ngày hai chương trình vào buổi trưa và buổi tối bằng hai thứ tiếng Việt và Hoa. Cho dù thời gian phát sóng không nhiều, nhưng những buổi phát thanh của Đài là nguồn cổ vũ vô cùng to lớn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng, vào thắng lợi cuối cùng của kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

KTS Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, trò chuyện với Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lài tại lễ tuyên dương năm 1969. Ảnh: Tư liệu

Trong hai năm hoạt động, tập thể những người làm việc ở Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do đã trải qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm. Có những lúc không còn gạo, bữa ăn chỉ có khoai sắn. Có những trận giặc Pháp ném bom bắn phá, xua quân càn quét, phải chôn giấu máy móc, chia nhau mang vác những thiết bị có thể cơ động để đi tránh trú. Giặc đi rồi, trở về lôi máy từ dưới hầm lên, lau chùi, lắp ráp, hiệu chỉnh ăng ten và lại phát sóng chương trình. Có khi mưa lũ tràn về, kê máy lên giường, người đứng dưới nước để đọc tin, biểu diễn văn nghệ phục vụ chương trình phát sóng. Trong khó khăn, gian khổ, Huỳnh Tấn Phát luôn là trung tâm đoàn kết, chỗ dựa tin cậy cho cán bộ, nhân viên của Đài. Ông chia sẻ, đồng cam, cộng khổ cùng mọi người, đồng thời thường luôn có những sáng kiến góp phần cải thiện cuộc sống, cải thiện điều kiện làm việc, làm phong phú nội dung, hình thức các buổi phát thanh.

Dưới sự chỉ đạo của Huỳnh Tấn Phát, tập thể những cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do đã gắn kết với nhau như một gia đình, vượt lên gian nan, nguy hiểm, duy trì “tiếng nói đoàn kết, tiếng nói đấu tranh của nhân dân đô thành anh dũng” ngay nơi của ngõ Sài Gòn. Đầu năm 1953, do tình hình thay đổi và yêu cầu nhiệm vụ mới của cuộc đấu tranh, Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do ngừng phát sóng.

Tuy chỉ tồn tại trong 2 năm, nhưng Đài Phát thanh Sài Gòn - Chợ Lớn tự do đã để lại ký ức tốt đẹp, một dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc kháng chiến của nhân dân Sài Gòn - Chợ lớn chống thực dân xâm lược Pháp. Những thành công của Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do không tách rời vai trò lãnh đạo của Huỳnh Tấn Phát, đồng chí Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Theo GS, TS Tạ Ngọc Tấn, thời gian làm báo của Huỳnh Tấn Phát không nhiều và chủ yếu với vai trò người tổ chức, lãnh đạo các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hoạt động báo chí của ông diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, giữa sào huyệt của quân thù hay dưới làn bom đạn và sự săn lùng, truy diệt của kẻ địch. Bởi thế, mỗi tờ báo, mỗi đài phát thanh mở ra cũng ác liệt, cũng thành tựu như một trận tuyến đánh giặc.

Và trong điều kiện gian nan, khắc nghiệt ấy, những đóng góp của các cơ quan báo chí dưới sự lãnh đạo của Huỳnh Tấn Phát cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do càng có ý nghĩa to lớn, quý giá và để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Thái Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/huynh-tan-phat-nha-bao-lon-nha-cach-mang-tron-doi-vi-nuoc-vi-dan-i683676/