Huyền thoại những đóa hoa trên tuyến lửa

Tái hiện hình tượng những người con gái Việt Nam phơi phới tuổi xuân đã sống và chiến đấu dũng cảm vì Tổ quốc, chương trình 'Huyền thoại tuổi thanh xuân' tôn vinh những đóa hoa bất tử, truyền đi thông điệp mạnh mẽ tới thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần 'sống một đời đáng sống'.

Tái hiện không gian thiêng Ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc là nơi “yết hầu” của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam", nơi đế quốc Mỹ đã tập trung toàn lực đánh phá. Đây cũng là nơi hàng nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, lái xe, chiến sĩ công an, dân công, dân quân du kích... đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến, làm nên một huyền thoại trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chính vì vậy, di tích lịch sử này và những câu chuyện diễn ra tại đây đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật ra đời.

Trang trí mỹ thuật và sắp đặt của vở diễn. Ảnh: BTC

Cùng với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xây dựng chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân”, đưa hình tượng 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh quả cảm tại Ngã ba Đồng Lộc lên sân khấu, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, thế hệ của chúng ta rất nên có những hoạt động tri ân thế hệ đi trước, đặc biệt là phụ nữ. Bởi vì, có thể nói rằng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và giải phóng dân tộc, phụ nữ đã đóng góp một phần rất to lớn. Chính vì vậy, năm nay Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp xây dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 55 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc”.

Qua nghiên cứu các câu chuyện liên quan, cũng như khảo sát thực địa tại Ngã ba Đồng Lộc, đạo diễn Lê Quý Dương thấy rằng đã có rất nhiều chương trình nghệ thuật, tác phẩm ở các loại hình khác nhau khai thác huyền thoại về các nữ anh hùng thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc. Đa số tác phẩm khai thác tính khốc liệt của chiến tranh, những gì mà các cô gái trẻ phải chịu đựng trong cuộc chiến.

“Tôi thấy cần có thêm tác phẩm nói về cuộc đời của những nữ liệt sĩ. Tất nhiên, họ rất anh hùng, tuy nhiên, ẩn sâu bên trong sự anh hùng ấy lại là những cô gái rất hồn nhiên, trẻ trung… "Huyền thoại tuổi thanh xuân" tập trung vào đời sống của thanh niên xung phong trước đây, qua những câu chuyện chỉ hiện lên trong huyền thoại, trên những trang sách, lời kể. Từ đó để thấy rõ hơn sự bình dị và tuổi trẻ của những người đã cùng với đồng đội trên chiến trường gánh chịu hơn 50.000 quả bom các loại để giữ vững tuyến giao thông huyết mạch trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước” - đạo diễn chương trình chia sẻ.

Không tuyển diễn viên chuyên nghiệp đã thành danh, dự án tìm kiếm các diễn viên trẻ từ 18 - 24 tuổi, đúng lứa tuổi của 10 nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc năm xưa, với nhân dáng, diện mạo cho đến đời sống tinh thần tương đồng với hình tượng nhân vật, nhằm thể hiện được nét hồn nhiên, thanh xuân nguyên bản của các cô gái trẻ, từ đó mang tới những cảm xúc chân thực nhất cho khán giả.

Về thiết kế sân khấu, theo ê kíp dự án, vì chương trình diễn ra trong bảo tàng, nên đội ngũ thiết kế tạo nên bối cảnh để khán giả bước vào như được sống trong không gian của Ngã ba Đồng Lộc. Chương trình đã phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc chở 5 tấn đất từng bị đạn bom cày xới từ Ngã ba Đồng Lộc ra Hà Nội. Sắp đặt mỹ thuật cho chương trình còn có vỏ bom do nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến mua tại một cửa hàng sắt phế liệu ở chính Ngã ba Đồng Lộc đưa về tặng chương trình…

Truyền cảm hứng sống tuổi thanh xuân ý nghĩa

Đạo diễn Lê Quý Dương tiết lộ, với chương trình này, những người thực hiện muốn khắc họa huyền thoại của tuổi thanh xuân. Trong 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh, người trẻ nhất 17 tuổi và người lớn nhất chỉ 24 tuổi. “Chúng tôi muốn khai thác ở khía cạnh tuổi trẻ của các cô, để từ đó có thể gửi gắm thông điệp đến với các bạn trẻ hôm nay: các bà, các mẹ của chúng ta từng có tuổi thanh xuân rất ý nghĩa và tuổi trẻ hôm nay nên như thế nào? Cuộc đời không quan trọng chúng ta sống dài hay ngắn, mà chính là ý nghĩa của từng năm tháng chúng ta thật đáng sống”.

Lê Ngọc Ánh chia sẻ ấn tượng về vai nữ liệt sĩTrần Thị Hường trong “Huyền thoại tuổi thanh xuân”, một người rất yêu đời, lạc quan, luôn mang tiếng hát, bài thơ hay để động viên ý chí và tinh thần chiến đấu cho cả tiểu đội. “Trước khi luyện tập cho vở diễn, chúng tôi đã may mắn được gặp các nhân chứng sống, trong đó có cô Nguyễn Thị Hường - một trong 17 cô gái thanh niên xung phong chung sống và chiến đấu, bám đường thông xe năm xưa, và vô cùng xúc động khi được nghe kể về tình cảm, kỷ niệm, được xem sổ tay lưu bút của các cô… Qua vở diễn, tôi càng biết ơn, ngưỡng mộ tinh thần và ý chí chiến đấu của các nữ thanh niên xung phong" - Lê Ngọc Ánh bày tỏ.

Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết: "Điểm nhấn của chương trình câu chuyện lịch sử về những người con gái Việt Nam anh dũng, phơi phới tuổi thanh xuân, có tinh thần chiến đấu quật cường được tái hiện trong không gian bảo tàng, nơi có sự kết nối và trưng bày nhiều kỷ vật, hình ảnh về những đóa hoa nơi tuyến đầu trận địa".

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/huyen-thoai-nhung-doa-hoa-tren-tuyen-lua-i346927/