Huyện Tân Phước: Hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện nhiều dự án giúp người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội, điều kiện phát triển kinh tế. Từ đó, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và cuộc sống người dân ngày càng nâng cao.'ĐÒN BẨY' CHO HỘ NGHÈO PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Nhờ nguồn vốn từ Dự án “Hỗ trợ mua bán nhỏ lẻ”, vợ chồng anh Dũng - chị Á có vốn mua bán cá, cải thiện cuộc sống.

Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Tân Phước Nguyễn Tuấn Hải cho biết, huyện Tân Phước triển khai thực hiện tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, không nóng vội. Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch giảm nghèo của trung ương và của tỉnh, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, phân loại hộ nghèo hưởng bảo trợ xã hội, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể thoát nghèo và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo.

Từ đó, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu giảm nghèo phù hợp, sát với tình hình thực tế của từng địa phương và từng giai đoạn. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo, nêu gương, nhân rộng các mô hình giảm nghèo điển hình, phát triển kinh tế hiệu quả; đồng thời, chú trọng huy động các nguồn lực để hỗ trợ xây nhà, tặng quà và hỗ trợ thường xuyên cho các hộ nghèo…

Phòng LĐTB&XH huyện thường xuyên phối hợp UBND các xã, thị trấn khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng, tổ chức các buổi đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Qua đó, thông tin đến người dân các chính sách ưu đãi dành cho người nghèo, định hướng các phương án làm ăn, giới thiệu các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả cho hộ nghèo nghiên cứu áp dụng.

Đồng thời, để tiếp sức cho người dân trong phát triển kinh tế gia đình, Phòng LĐTB&XH huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp xem xét, hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình, dự án cho vay ưu đãi thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững do Phòng LĐTB&XH huyện triển khai thực hiện.

Theo đó, Phòng LĐTB&XH huyện vừa triển khai thực hiện 4 dự án, trong đó có 2 Dự án Trồng khóm ở xã Thạnh Tân và thị trấn Mỹ Phước; Dự án Chăn nuôi bò ở xã Tân Hòa Tây và Dự án Đan lát ở xã Phú Mỹ, với tổng nguồn vốn trên 1,2 tỷ đồng. Sự đa dạng của các dự án đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn của hộ khó khăn tại các địa bàn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, Phòng LĐTB&XH huyện Tân Phước còn phối hợp với các ngành, địa phương giới thiệu cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các lớp tập huấn cung cấp kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt; hướng dẫn các hộ được vay vốn sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức thực hiện tốt nghĩa vụ hoàn trả nguồn vốn vay theo đúng quy định. Qua đó, phần lớn hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả, giúp phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Thông qua các mô hình giảm nghèo, đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Ngoài ra, huyện còn tăng cường mối liên kết hiệu quả giữa nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng với người dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.

ĐỒNG VỐN THOÁT NGHÈO

Loay hoay với đủ thứ nghề, làm cả những công việc nặng nhọc, nhưng đời sống kinh tế gia đình vẫn không khá lên, vợ chồng anh Võ Quốc Dũng (ở thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) quyết định chuyển đổi nghề.

Sau khi tìm hiểu, lựa chọn, vợ chồng anh Dũng quyết định chuyển sang mua bán cá ở chợ. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay không tính lãi từ Dự án “Hỗ trợ mua bán nhỏ lẻ” của Phòng LĐTB&XH huyện Tân Phước triển khai từ năm 2021 cho 10 hộ nghèo, cận nghèo của thị trấn Mỹ Phước, vợ chồng anh Dũng đã có vốn mua bán cá.

Từ nguồn vốn Dự án “Hỗ trợ mua bán nhỏ lẻ”, chị Nguyễn Thị Hằng (ở thị trấn Mỹ Phước) mua máy ép cam và các vật dụng để bán nước giải khát.

Chị Nguyễn Thị Á (vợ anh Dũng) vừa bán cá, vừa vui vẻ cho biết: “Nhà không đất sản xuất, trước đây vợ chồng tôi làm đủ thứ nghề để nuôi 4 đứa con. Hiện tại, đứa con gái lớn của tôi đang học đại học và gia đình cũng vừa vay được nguồn vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên. Cộng thêm được hỗ trợ vốn từ Dự án “Hỗ trợ mua bán nhỏ lẻ”, tôi đã có thêm vốn để xoay vòng, mua bán cá. Hằng ngày, anh Dũng đi lấy cá cho tôi bán, còn lại thời gian rảnh thì ai thuê gì anh Dũng cũng làm để có thêm thu nhập. Hai vợ chồng tôi cố gắng lao động để lo cho cuộc sống gia đình và các con được học hành đến nơi đến chốn”.

Còn tại thị trấn Mỹ Phước, ai cũng khâm phục nghị lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng. Chật vật với miếng cơm, manh áo và bệnh tật, có lúc chị Hằng muốn buông xuôi, nhưng nhờ sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, chị đã nỗ lực vươn lên.

Chị Hằng trải lòng: “Hơn 10 năm trước, chồng tôi bị tai nạn, đôi tay rất yếu nên không thể làm việc nặng. Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhà không đất sản xuất. Hằng ngày, tôi đi bán vé số để có thu nhập lo cho gia đình. Cũng may nhờ chính quyền địa phương quan tâm đến đời sống người dân, nhất là đối với hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, gia đình tôi được hỗ trợ vay 5 triệu đồng không tính lãi từ Dự án “Hỗ trợ mua bán nhỏ lẻ”, tôi đã mua máy ép cam, bàn ghế, ly… để bán nước giải khát tại nhà, có thêm thu nhập nên cuộc sống gia đình dần ổn định”.

Chị Trương Thị Thúy Hằng, cán bộ phụ trách xóa khó, giảm nghèo và trẻ em của thị trấn Mỹ Phước cho biết: “Quản lý các dự án và nguồn vốn được tiến hành chặt chẽ, đạt hiệu quả cao, cũng như kịp thời rà soát lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo thực hiện công khai, dân chủ, đúng đối tượng.

Việc quản lý chặt chẽ việc phân bổ vốn tín dụng chính sách và được thực hiện tốt ngay từ các tổ, khu dân cư, cùng với triển khai các mô hình, dự án… đã thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Việc phát huy hiệu quả nguồn vốn, các dự án… không chỉ góp phần tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.

Với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND huyện Tân Phước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các xã, thị trấn của huyện trong triển khai các nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, mua bán nhỏ cải thiện thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm số hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Trong thời gian tới, huyện Tân Phước tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, chú trọng phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân. Đồng thời, thực hiện tốt khâu bình xét để đảm bảo triển khai kịp thời các nguồn vốn vay, dự án đúng đối tượng, đúng mục đích cho hộ nghèo; quản lý, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên để các đối tượng vay vốn hoàn trả vốn đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả các dự án tại địa phương.

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202311/huyen-tan-phuoc-ho-tro-nguoi-dan-giam-ngheo-ben-vung-996850/