Huyền sử Việt

Truyện thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Thái Hải

Mồng mười tháng ba âm lịch là ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Người Việt nào cũng biết và nhớ ngày này.

Đám học sinh như Vĩnh càng nhớ ngày giỗ Tổ Hùng Vương vì ngày này… được nghỉ học. Là nói vui thế, chứ đứa nào cũng vui vì tiết chủ nhiệm trước lễ, cả lớp được nghe cô giáo chủ nhiệm kể cho nghe nhiều truyền thuyết, chuyện cổ tích về thời lập quốc. Ai không biết chứ thằng Vĩnh cứ há hốc miệng ra mà nghe say mê. Thằng Long ngồi cạnh nhắc “Ngậm cái mỏ của mày lại!”. Vĩnh bực mình lắm, muốn đốp chát một câu với Long nhưng trong đầu nó bỗng hiện ra cái “mỏ” của mình, nhìn chắc buồn cười lắm. Vậy là nó “ngậm mỏ” lại!

Hầu như những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích mà cô kể, Vĩnh đã từng nghe, chỉ không nhớ rõ chi tiết lắm. Tuy vậy, nghe kể từng chuyện rời rạc với nghe kể cùng một lúc có cảm tưởng khác nhau lắm. Lần này những câu chuyện thực sự đã đưa Vĩnh như lạc vào một thế giới xa xưa, huyền ảo…

Tranh minh họa: PHẠM CÔNG HOÀNG

***

Chuyện đầu tiên mà cô chủ nhiệm kể là truyền thuyết về Quốc Tổ.

* Lạc Long Quân ra đời

Cách nay mấy ngàn năm, đất Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương. Ông có sức khỏe tuyệt trần, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Kinh Dương Vương kết hôn với Long Nữ là con gái Long Vương, ít lâu sau sinh được một con trai, đặt tên là Sùng Lãm. Lớn lên Sùng Lãm rất khỏe như cha, cũng có tài đi lại dưới nước. Khi nối nghiệp cha, Sùng Lãm lấy hiệu là Lạc Long Quân.

* Ba chiến công lớn của Lạc Long Quân

Lúc bấy giờ đất Lĩnh Nam còn hoang vu lắm, khắp nơi không đâu yên ổn. Lạc Long Quân liền quyết định đi chu du để giúp dân sống no ấm, an lành.

Ðến vùng biển Ðông, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn và hung ác. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Lạc Long Quân lên thuyền ra khơi tìm Ngư Tinh đánh nhau với nó và cuối cùng rút gươm chém nó làm ba khúc. Trước khi dời qua vùng khác, Lạc Long Quân dạy dân biển xăm lên người những hình thù cổ quái để giống những loài sống dưới thủy phủ, ra khơi sẽ được an toàn hơn.

Trừ xong nạn Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến Long Biên. Ở đây có con cáo chín đuôi sống đến hơn ngàn năm, đã tu luyện thành tinh. Một vùng từ Long Biên đến dãy núi phía Tây, đâu đâu cũng bị Hồ Tinh hãm hại. Lạc Long Quân một mình một gươm tìm đến sào huyệt Hồ Tinh, giao chiến với nó ba ngày ba đêm, cuối cùng Lạc Long Quân chém đứt đầu nó. Lạc Long Quân vào hang cáo cứu những người còn sống sót, rồi sai các loài thủy tộc dâng nước sông Cái, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo. Nạn Hồ Tinh được dẹp yên, nhân dân quanh vùng lại trở về cày cấy trên cánh đồng ven hồ, dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi là làng Hồ.

Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi đến đất Phong Châu. Ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây “chiên đàn” khổng lồ, khi khô héo chết đi biến thành Mộc Tinh, phá phách dân làng. Lạc Long Quân đi tìm nó và giao chiến với nó cả trăm ngày đêm mới chiến thắng.

Diệt xong được nạn yêu quái, Lạc Long Quân thấy dân vùng này vẫn còn đói khổ thiếu thốn, bèn dạy họ biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ. Lạc Long Quân còn dạy dân ăn ở cho ra đạo cha con, nghĩa vợ chồng. Dân cảm kích ơn đức ấy, xây cho Lạc Long Quân một tòa cung điện trên một ngọn núi cao. Nhưng Lạc Long Quân không ở mà quay về quê mẹ dưới thủy phủ. Trước khi đi, chàng dặn dân chúng rằng: “Hễ có tai biến gì thì gọi ta, ta sẽ về ngay!”.

* Kết hôn với Âu Cơ

Lúc bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống Lĩnh Nam. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều gỗ quý, Ðế Lai sai quân dựng thành đắp lũy định ở lại lâu dài. Phải phục dịch Đế Lai rất cực khổ, nhân dân chịu không nổi, họ hướng về Biển Ðông gọi Lạc Long Quân. Chỉ trong chớp mắt, Lạc Long Quân đã về. Biết chuyện, Lạc Long Quân hóa làm một chàng trai tuấn tú, có hàng trăm thanh niên theo hầu, vừa đi vừa hát đến thẳng chỗ Ðế Lai ở. Nhưng Ðế Lai đã đi du ngoạn xa, nơi đây chỉ còn một cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng các thị tỳ và nhiều binh lính. Cô gái xinh đẹp đó chính là Âu Cơ, con gái của Đế Lai. Thấy Lạc Long Quân dáng mạo uy nghi, nàng Âu Cơ đem lòng yêu mến, xin đi theo chàng. Lạc Long Quân đưa Âu Cơ về ở trong cung điện của mình trên núi cao. Ðế Lai trở về, không thấy con gái đâu liền sai quân lính đi tìm khắp nơi nhưng không thấy, đành thu quân về phương Bắc.

* Các vua Hùng

Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ mang thai, sinh ra một cái bọc. Sau bảy ngày cái bọc nở ra một trăm quả trứng. Mỗi trứng lại nở ra một người con trai. Trăm người con trai đó lớn lên như thổi, tất cả đều khỏe mạnh và thông minh.

Lạc Long Quân sống đầm ấm bên vợ và đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ về thủy phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hóa làm một con rồng vụt bay lên mây, về với biển cả. Đợi quá lâu không thấy chồng về, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về Biển Ðông lên tiếng gọi. Lạc Long Quân trở về tức khắc.

Lạc Long Quân nói với vợ:

- Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau.

Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai tỏa đi các nơi, trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương.

Vua Hùng chia nước làm mười lăm bộ, gọi tướng văn là Lạc hầu, gọi tướng võ là Lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.

Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam tự hào là “dòng giống Tiên - Rồng”.

***

Nghỉ giải lao một chút trong những tiếng bàn tán nho nhỏ của học trò, cô chủ nhiệm kể tiếp một chuyện khác tương tự truyền thuyết vừa kể:

- Người Việt cổ có tín ngưỡng Đạo Mo. Đạo này có câu chuyện kể như sau:

Thần Đất và Thần Rừng sinh được một người con gái tên là Thần Nông. Thần Nông lớn lên lấy Thần Rồng là con trai của Thần Nước và Thần Bão. Do gia đình hai bên có mâu thuẫn nên họ cùng ra sức ngăn cản cuộc hôn nhân này. Thần Rừng cử bọn ma cây đến quấy rối nhưng cây nào đến thì cây đó đều bị Thần Nông chặt hết cả. Thần Rồng thì dùng đống gỗ đó xây nên một ngôi nhà thật to cho vợ chồng ở. Thần Bão tức giận lắm, bèn thổi bay căn nhà của con trai mình. Nhưng Thần Bão cứ thổi bay căn nhà nào thì ngày hôm sau Thần Rồng lại dựng lên một căn nhà mới còn to hơn trước. Cuối cùng, Thần Rồng đã xây được một căn nhà mà Thần Bão không cách nào có thể thổi bay được.

Không lâu sau đó, Thần Nông mang thai rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Thần Rồng chăm sóc vợ và các con mình được một thời gian thì cảm thấy nhớ nhà bèn quay trở lại biển cả. Sau đó, Thần Rồng không bao giờ trở lại nữa, Thần Nông đau buồn lên núi nhìn về biển chờ chồng mãi. Còn các con của hai người thì chia nhau ra sinh sống khắp nơi, họ gọi nơi mình sinh sống là Đất Nước (Theo tên Thần Đất, Thần Nước) để gợi nhớ về nguồn cội và luôn giữ liên lạc với nhau hy vọng một ngày cha trở về.

***

- Thưa cô, chuyện có thật không ạ?

- Đã gọi là truyền thuyết thì không có gì chứng minh được là có thật hay không. Tuy nhiên những vùng đất từ xưa, những ngôi đền thờ các vị khai quốc đều là có thật và đã tồn tại qua mấy ngàn năm tới ngày nay. Đền thờ các vua Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh tỉnh Phú Thọ. Nhân dân cũng lập đền thờ bà Âu Cơ ở gần nơi thờ các vua Hùng. Lạc Long Quân thì được thờ chính ở Đền Nội, hiện nay thuộc Bình Đà, Thanh Oai nằm trong địa phận Hà Nội. Hàng năm ở Đền Nội Bình Đà đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ Lạc Long Quân. Lễ hội này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc ga.

***

Tiết chủ nhiệm ấy, đám học trò còn được nghe kể chuyện vua Hùng Vương đời thứ sáu có Thánh Gióng đánh giặc Ân, sau chiến thắng đã cưỡi ngựa sắt bay về trời. Cũng đời vua Hùng thứ sáu này còn có chuyện vua truyền ngôi cho Lang Liêu do ông sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời đất, sử dụng các nông sản chính mà chế biến thành. Đời vua Hùng Vương thứ mười tám có chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đua nhau dâng lễ vật sớm để được cưới công chúa Mỵ Nương. Sơn Tinh là người thắng cuộc, chính là thần núi Tản Viên. Thủy Tinh tức giận, hàng năm đều dẫn quân đi đánh nhau với Sơn Tinh gây nên bão lụt làm khổ nhân dân trong vùng.

***

Sau ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, trở lại lớp học. thằng Vĩnh vẫn chưa thoát hẳn những huyền sử của thời dựng nước. Nó tâm sự với mấy đứa bạn:

- Lạ lắm đó! Trước đây mình nghe chuyện Lạc Long Quân, Âu Cơ, vua Hùng, Sơn Tinh - Thủy Tinh… thì chỉ nghĩ rằng đó là những chuyện cổ tích nghe cho vui. Nhưng bây giờ biết Phong Châu là vùng Phú Thọ, biết Đầm Xác Cáo là Hồ Tây, biết Đền Nội thờ Lạc Long Quân, hay tục ăn trầu của người Việt có ý nghĩa nhân văn… thì mình lại nghĩ đó là nhũng chuyện… có thật!

Thằng Long ngồi cạnh Vĩnh, vốn mang “tội” gọi miệng nó là “mỏ”, bất ngờ phụ họa:

- Mình cũng nghĩ như thế. Gọi là huyền sử nhưng nếu những sự việc không có thật thì người xưa đâu nghĩ ra được những câu chuyện gần với thực tế đến như thế. Đất Lĩnh Nam xưa đúng là một “Đất - Nước”. Chúng mình đúng là những con Rồng cháu Tiên!

- A! Cái thằng này! - Vĩnh nghĩ - Chơi thân với nó được lắm đây!

N.T.H

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202305/huyen-su-viet-3165300/