Huyện Quỳ Châu nghiêm cấm người dân qua lại khu vực hiện trường vụ sập cầu

Sau khi biết thông tin về vụ sập cầu treo Kẻ Nính, nhiều người dân trên địa bàn xã Châu Hạnh và các xã lân cận hiếu kỳ đã đến hiện trường. Để đảm bảo an toàn tại khu vực sập cầu, huyện Quỳ Châu đã phân công lực lượng, ngăn cấm người dân qua lại.

trên địa bàn xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu bất ngờ đổ sập vào trưa 6/3. Đây là cây cầu treo lớn nhất trên địa bàn huyện miền núi này, rất may là thời điểm xảy ra sự việc không có người dân qua lại ở khu vực này. Nguyên nhân sập cầu hiện nay cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ.

Phần đầu cầu phía bản Kẻ Nính vẫn còn khoảng 30 mét chưa bị đổ sập, tuy nhiên không đảm bảo an toàn nhưng người dân vẫn ra để quan sát. Ảnh: Quang An

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi xảy ra sự cố, nhiều người dân trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã tập trung đến hiện trường để theo dõi sự việc. Điều đáng lo ngại là các phần cầu còn lại dù chưa bị rơi xuống nhưng cũng không đảm bảo an toàn do cầu đã bị xuống cấp, hư hỏng từ trước.

Cụ thể, 2 đầu cầu ở phía bản Kẻ Nính và bản Hạnh Tiến vẫn còn khoảng 30m cầu mỗi bên chưa bị rơi xuống. Tuy nhiên, tại các khu vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào. Dù đã có lực lượng trực tiếp nhắc nhở, nhưng nhiều người vẫn liều mình bước ra phía ngoài để quan sát đoạn cầu đã sập.

Phần cầu phía bản Hạnh Tiến cũng còn khoảng 30 mét chưa bị đổ nhưng kết cấu yếu, huyện Quỳ Châu đã rào chắn tại khu vực này. Ảnh: Xuân Hoàng

Bên cạnh đó, phía dưới bãi bồi, khu vực thân cầu bị sập ngổn ngang gạch đá, nhiều thanh sắt thép, đinh bị bung ra, tiềm ẩn nguy hiểm, tuy nhiên một số người vẫn xuống phía dưới để xem và chăn thả trâu bò tại khu vực này.

Ông Vi Thế Long - Chủ tịch UBND Châu Hạnh cho biết: Sau khi xảy ra sự việc, rất nhiều người dân hiếu kỳ đã đổ về hiện trường. Chúng tôi đã lập rào chắn và lắp các biển báo nghiêm cấm người dân qua lại khu vực này, đặc biệt là 2 bên đầu cầu dù chưa bị đổ nhưng cũng không đảm bảo an toàn do cây cầu này đã bị xuống cấp từ trước, nguy cơ tiếp tục đổ hiện hữu.

Lực lượng chức năng lập rào chắn nghiêm cấm người dân bước ra cầu. Ảnh: Quang An

Ông Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết: Trước thời điểm xảy ra sự việc này thì tỉnh Nghệ An cũng đã có phương án hỗ trợ huyện Quỳ Châu tu sửa, gia cố mố cầu với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Theo đó, đơn vị cũng đang chuẩn bị nguyên vật liệu và phương tiện máy móc bắt đầu bước vào thi công thì cầu bất ngờ đổ sập. Do đó, việc nâng cấp cầu cũng bị tạm ngừng.

Sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng của huyện đang tập trung bảo vệ hiện trường để chờ các cơ quan chuyên môn điều tra, đánh giá cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố này. Sau đó, huyện cũng sẽ có phương án để dọn hiện trường, trong đó tập trung thu dọn các bộ phận cầu nằm dưới lòng sông để đảm bảo an toàn cũng như lưu thông dòng chảy. Trong thời gian này, nghiêm cấm người dân qua lại ở hiện trường để đảm bảo an toàn, không chỉ đường bộ mà thuyền bè đánh cá của người dân trên sông Hiếu cũng không được phép đến khu vực này.

Nhiều người dân đến hiện trường dù phía trên là thành cầu vẫn treo lơ lửng. Ảnh: Xuân Hoàng

“Hiện nay trên địa bàn huyện Quỳ Châu có 5 cầu treo, bên cạnh cầu treo Kẻ Nính tại xã Châu Hạnh bị đổ sập còn các cầu treo khác nhỏ hơn tại các xã Diên Lãm, Châu Hoàn. Hiện nay huyện cũng đã thẩm định, đánh giá sự an toàn của các cây cầu còn lại để có phương án xử lý, tránh các sự cố tương tự”, ông Hùng thông tin thêm./.

Quang An - Xuân Hoàng

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/huyen-quy-chau-nghiem-cam-nguoi-dan-qua-lai-khu-vuc-hien-truong-vu-sap-cau-post285846.html