Huyện Quốc Oai:Gỡ khó cho các dự án cụm công nghiệp

Từ những năm 2019, 2020, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập 4 cụm công nghiệp tại huyện Quốc Oai. Tuy nhiên, sau nhiều lần chủ đầu tư xin lùi tiến độ, đến nay, các dự án vẫn chưa được xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khó khăn trong giao đất, thuê đất? Vấn đề cấp thiết đang đặt ra là giải pháp nào để thúc đẩy khởi công xây dựng các dự án cụm công nghiệp của Quốc Oai, không để lãng phí nguồn lực đất đai, sớm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương?

Cụm công nghiệp Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) đã giải phóng mặt bằng được 95% diện tích nhưng vẫn chưa thể khởi công do thiếu thủ tục giao đất. Ảnh: Hoàng Sơn

Tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc

Cụm công nghiệp làng nghề Tân Hòa (xã Tân Hòa) được thành lập theo Quyết định số 5699/QĐ-UBND (ngày 11-10-2019) của UBND thành phố Hà Nội, có diện tích gần 130.000m2. Tính đến cuối tháng 4-2024, công tác giải phóng mặt bằng của dự án này mới dừng ở bước thẩm tra nguồn gốc đất và dự thảo phương án đền bù cho 70/162 hộ dân, với khoảng 56.000m2 đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp còn lại vẫn chưa được kê khai, kiểm đếm.

Đại diện chủ đầu tư Cụm công nghiệp làng nghề Tân Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương Ngô Đăng Tùng Sơn cho biết, phía công ty luôn bố trí đủ nguồn vốn, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để giải ngân khi có mặt bằng, nhưng các hộ dân chưa hợp tác và đòi hỏi một số chính sách vượt thẩm quyền, khiến công tác giải phóng mặt bằng bị đình trệ.

Chung số phận, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Ngọc Mỹ - Thạch Thán (có quyết định thành lập từ năm 2019), với diện tích hơn 210.000m2, đến nay, huyện Quốc Oai mới giải phóng mặt bằng được hơn 47.000m2, đạt 20,5% khối lượng; khoảng 93.000m2 cần giải phóng mặt bằng mới dừng ở khâu thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ. Số diện tích đất còn lại, người dân chưa phối hợp kiểm đếm, xác định nguồn gốc?

Ngoài 2 dự án chậm triển khai do vướng mắc giải phóng mặt bằng này, trên địa bàn huyện Quốc Oai còn 2 dự án khác, là: Cụm công nghiệp Nghĩa Hương và Cụm công nghiệp Ngọc Liệp (phần mở rộng) đã giải phóng mặt bằng được 95-100% diện tích, nhưng vẫn chưa thể tiến hành khởi công xây dựng dự án. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân chính khiến các cụm công nghiệp này chậm được triển khai chủ yếu là do "tắc" thủ tục pháp lý xin chuyển đổi đất lúa, giao đất, cho thuê đất, tính giá đất, cấp phép xây dựng; và chưa có sự đồng thuận của người dân?

Nỗ lực gỡ vướng để khởi công trong quý IV-2024

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Nguyễn Đắc Lực cho biết, nhằm tháo gỡ những vướng mắc kể trên, từ đầu năm 2024 đến nay, hằng tuần, UBND huyện tổ chức giao ban định kỳ và đột xuất, đánh giá tiến độ cụ thể của từng dự án để có chỉ đạo kịp thời.

Theo đó, trong thời gian qua, UBND huyện giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tăng cường kiểm đếm, kê khai, xác minh diện tích đất cần thu hồi, tham mưu phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Phòng Tài nguyên và Môi trường được giao phối hợp với các phòng chức năng xây dựng khung giá bồi thường, hỗ trợ và tham mưu ban hành dự thảo quyết định thu hồi đất. UBND các xã phối hợp xác minh nguồn gốc đất, kê khai tài sản trên đất; tuyên truyền, vận động các hộ dân có đất bị thu hồi chấp hành chủ trương của Nhà nước, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Minh Hà - chủ đầu tư Cụm công nghiệp Nghĩa Hương, sự nỗ lực của chính quyền địa phương thời gian qua vẫn chưa đủ mà cần sự chung tay của các sở, ngành thành phố trong việc gỡ khó về thủ tục hành chính. Chẳng hạn, đối với cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đề nghị sớm giao đất, cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư san nền; khi có quyết định giao đất của thành phố thì cho phép chủ đầu tư được công khai huy động vốn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương Ngô Đăng Tùng Sơn đề xuất, đối với cụm công nghiệp làng nghề, chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, UBND huyện Quốc Oai cần báo cáo UBND thành phố xem xét cho thực hiện việc trả tiền thuê đất một lần thay vì trả tiền hằng năm để được hạch toán là tài sản cố định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện thế chấp vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, tiền thuê đất nếu phải trả hằng năm thường có xu hướng tăng, sẽ gây nhiều rủi ro tài chính cho chủ đầu tư và doanh nghiệp thuê đất.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, những vướng mắc ở địa phương đang được huyện tập trung chỉ đạo tháo gỡ. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, huyện đã có văn bản báo cáo thành phố. Đặc biệt, đầu tháng 4-2024, tại hội nghị "Đối thoại gỡ khó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố", lãnh đạo UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương giao đất theo từng đợt cho những cụm công nghiệp gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND thành phố còn chỉ đạo các sở, ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến triển khai xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung và huyện Quốc Oai nói riêng.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, giải quyết triệt để vướng mắc phát sinh, phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để đồng loạt khởi công các dự án trong quý IV-2024", Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn nhấn mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huyen-quoc-oai-go-kho-cho-cac-du-an-cum-cong-nghiep-665488.html