Huyện Phúc Thọ nâng tầm sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình OCOP của TP. Hà Nội, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã đẩy mạnh chương trình, đồng thời quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể, địa phương đầu tư sản xuất, làm mới những sản phẩm truyền thống; đến nay, huyện có 59 sản phẩm được UBND thành phố cấp chứng nhận, trong đó có 29 sản phẩm 4 sao, 30 sản phẩm 3 sao.

Phát huy thế mạnh sản phẩm địa phương

Trước đây, khi chưa thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đa số sản phẩm được người dân sản xuất hộ kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, việc tiêu thụ chủ yếu qua thương lái thu mua. Từ khi triển khai chương trình OCOP, nông sản của Phúc Thọ được chú trọng về khâu bao bì, thương hiệu, nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, khi được lựa chọn tham gia chương trình OCOP, chủ thể (HTX, tổ hợp tác, cá nhân) đều có hướng sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô và đặc biệt là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Người sản xuất đều mong muốn, sản phẩm mình làm ra được công nhận, đánh giá, được nâng hạng, gắn sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Sản phẩm chuối Vân Nam là một ví dụ; sản phẩm được trồng theo quy trình VietGAP, vào thời điểm cây chuẩn bị ra hoa, người dân dùng phân chuồng ủ mục bón gốc để bổ sung dinh dưỡng giúp quả to và đều. Khi buồng chuối được 20 ngày, dùng nilon bọc buồng để che sương, tránh gió làm thâm quả và hạn chế côn trùng đốt. Chuối già được thu hoạch và làm chín bằng công nghệ giấm lạnh nên mẫu mã đẹp và an toàn cho người tiêu dùng; hiện, chuối Vân Nam đang là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Phúc Thọ.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam Doãn Văn Thắng, xác định chuối là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương nên hợp tác xã đã vận động từng người dân duy trì vùng sản xuất, đưa giống mới vào nâng cao năng suất, chất lượng và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào khâu chăm bón, thu hoạch, đồng thời đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, đầu tư máy móc hiện đại để chế biến các dạng sản phẩm như chuối sấy dẻo, chuối sấy lạnh… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến mục tiêu sản phẩm OCOP 5 sao của huyện. Nông sản muốn đạt 4 hoặc 5 sao buộc phải có chứng nhận của các hệ thống quản lý chất lượng như ISO 22000, HACCP, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ…

Phó Trưởng phòng kinh tế huyện Phúc Thọ Vũ Thị Huệ cho biết: sau khi tham gia Chương trình OCOP, nhiều chủ thể mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... Nhờ đó đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của huyện được chứng nhận đạt chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như bưởi Phúc Thọ, hành hoa Võng Xuyên, thịt lợn sinh học Thọ Lộc, rau an toàn Thanh Đa, chuối Vân Nam...

Chia sẻ với phóng viên về thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Sơn cho biết: định hướng của huyện trong thời gian tới là tập trung phát triển các sản phẩm có tính chủ lực. Theo đó, huyện đã triển khai các hoạt động rà soát, đánh giá các sản phẩm OCOP, những sản phẩm không bảo đảm các yếu tố hàng hóa theo quy định, như không sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, không có vùng nguyên liệu, không có công nghệ phù hợp, sản xuất thiếu tính liên kết… đều được loại bỏ. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu 5 sao cho các sản phẩm OCOP chủ lực, huyện Phúc Thọ chú trọng đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp về tăng số lượng, chất lượng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phối hợp với các sở, ngành kết nối giao thương, tiêu thụ…

Thêm nhiều sản phẩm OCOP được công nhận

Theo thống kê, qua quá trình triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay thành phố Hà Nội có 518 sản phẩm từ 3 sao trở lên của 191 chủ thể, trong đó có 1 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao; có 271 sản phẩm đạt hạng 4 sao; có 246 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong đó, huyện Phúc Thọ có 9 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên gồm: Bánh Hạt gạo lứt mật dừa; Granola mật chuối; Tương Thượng Cốc; Hành hoa Võng Xuyên; Gương soi toàn thân nghệ thuật hiện đại Navado Art Handmade; Gương đèn led cao cấp thế hệ mới Navado Triple…

Nhờ đầu tư công nghệ sản xuất, sản phẩm chuối Vân Nam xuất hiện nhiều hơn tại các siêu thị

Đáng chú ý, các chủ thể OCOP của Phúc Thọ sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm… Mặt khác, để sản phẩm OCOP của huyện ngày càng phổ biến trên các kệ hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn; thành phố cũng luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Đến nay, trong 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của thành phố, Phúc Thọ có 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, nhờ vậy người dân trên địa bàn có điều kiện tiếp cận gần hơn với sản phẩm OCOP chất lượng, rõ về nguồn gốc xuất xứ.

Tuy vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm OCOP của thành phố nói chung, huyện Phúc Thọ nói riêng, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; tổ chức các sự kiện, hội chợ nhằm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP để không ngừng nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Chí cũng đề nghị: với các chủ thể OCOPkhông ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống của địa phương; xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì nhãn mác sản phẩm; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại trên nền tảng số, như: mở shop trên các sàn thương mại điện tử; xây dựng đội ngũ cộng tác viên; livestream bán hàng; tiếp thị liên kết.

_________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/huyen-phuc-tho-nang-tam-san-pham-ocop-i339701/