Huyện Nam Trà My nỗ lực trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia

Tối 1-8, Đảng bộ, chính quyền huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện (1-8-2003 - 1-8-2023) và khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 - năm 2023. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, đông đảo du khách và người dân huyện nhà.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao tặng bức trướng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Trà My.

Nỗ lực thoát nghèo

Tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho cho biết, ngày 1-8-2003, huyện Nam Trà My được tái lập theo Nghị quyết của Chính phủ. Từ ngày tái lập, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Trà My gặp không ít khó khăn, bởi kinh tế chậm phát triển, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, yếu kém; thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn rất thấp; đời sống bà con còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo gần 90%.

Tuy nhiên, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt nhiều thành tích trên tất cả các lĩnh vực. Từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay huyện nhà đã có một nền tảng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng khá, đạt trên 560 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng/năm, tăng gần 11 lần so với năm 2003. Cơ sở hạ tầng, y tế - giáo dục, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện được đầu tư, xây dựng đảm bảo….

"Những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Trà My được Chủ tịch nước ghi nhận, tặng Huân Chương Lao động hạng Ba và Huân Chương Lao động hạng Hai vào các năm 2008 và năm 2013. Chặng đường phía trước, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My quyết tâm xây dựng quê hương Nam Trà My phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh và niềm mong ước của đồng bào các dân tộc huyện nhà", ông Hưng nhấn mạnh.

Sau 20 năm tái lập, huyện Nam Trà My đã phát triển toàn diện.

Cũng theo ông Hưng, cây sâm Ngọc Linh hiện diện tại vùng núi Ngọc Linh bao đời nay. Là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm với những đặc tính riêng và được công nhận là sản phẩm của quốc gia. Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây… Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 là sự kiện quan trọng để truyền tải các thông điệp của sâm Ngọc Linh đến với mọi miền đất nước và trên thế giới, phấn đấu xây dựng huyện Nam Trà My trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia. Việc phát triển trồng cây sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi Nam Trà My sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Phát huy tiềm năng sẵn có

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đánh giá, Nam Trà My là 1 trong 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, nằm trên trục đường giao thông phía Tây - Nam, là cửa ngõ quan trọng kết nối tỉnh Quảng Nam với khu vực Tây Nguyên. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, huyện Nam Trà My là một trong những cái nôi của cách mạng, nơi hình thành "Mật khu Đỗ Xá" - Tiền thân của cơ quan lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ ở Khu 5. Sau 20 năm kể từ ngày tái lập, Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My đã đoàn kết một lòng, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên để xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường tham quan các gian hàng bán sâm Ngọc Linh.

Người dân huyện Nam Trà My thoát nghèo nhờ bán sâm Ngọc Linh.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 10%; quy mô kinh tế huyện phát triển vượt bật so với năm 2003, tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt trên 1.167 tỷ đồng. Huyện đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; đặc biệt, đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung. Sản lượng sâm Ngọc Linh hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm.

Ngày 1-6-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Nam Trà My nói riêng phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để triển khai hiệu quả các chủ trương về phát triển cây sâm Ngọc Linh ngang hàng với các loại sâm đặc biệt quý hiếm trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương…

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Trà My không ngừng phát huy truyền thống cách mạng; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, dựa trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện có, kết hợp lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/huyen-nam-tra-my-no-luc-tro-thanh-vung-duoc-lieu-trong-diem-quoc-gia-post281364.html