Huyện Mai Châu xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực

Huyện Mai Châu có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên phong phú, nhiều vùng có khí hậu khác nhau là điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Thương hiệu các nông sản Mai Châu ngày càng được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến và tin dùng như: dưa hấu, cá dầm xanh, tỏi tía, khoai sọ, ngô nếp...

Huyện Mai Châu có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên phong phú, nhiều vùng có khí hậu khác nhau là điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Thương hiệu các nông sản Mai Châu ngày càng được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến và tin dùng như: dưa hấu, cá dầm xanh, tỏi tía, khoai sọ, ngô nếp...

Người dân xóm Hịch 1, xã Mai Hịch (Mai Châu) nuôi vịt cổ xanh cho thu nhập cao.

Những năm qua, huyện Mai Châu đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản chủ lực; tích cực rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Để xây dựng thương hiệu cho các nông sản, huyện đã hỗ trợ tem vỡ dán miệng chai, hộp đựng, tờ rơi quảng cáo, túi đựng cho sản phẩm rượu Láu Siêu xã Mai Hạ; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo Mai Châu cho Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông lâm nghiệp Mai Châu; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Gà đen Pà Cò, Hang Kia”, cá dầm xanh Vạn Mai, khoai sọ Phúc Sạn, ngô nếp Thung Khe, tỏi tía Thành Sơn…

Để xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Huyện duy trì phiên chợ vùng cao và tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vào các dịp lễ hội. Việc tổ chức các ngày hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hàng năm thu hút sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí và đông đảo du khách tham gia. Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đưa các mặt hàng đến gần hơn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm, hỗ trợ trong việc hướng dẫn quy trình thiết lập, cấp, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu nông sản bền vững; hỗ trợ sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, công tác tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới các địa phương trong và ngoài tỉnh. Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là đối với những nông sản thế mạnh của huyện giúp cho việc định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ngày càng rõ nét.

Hướng đến mục tiêu bền vững trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mai Châu đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tiêu biểu như các hộ trồng cây gai xanh ở các xã: Tân Thành, Sơn Thủy, Xăm Khòe đã ký hợp đồng trực tiếp với HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình, diện tích hơn 64 ha. Bên cạnh đó, các giống mới có năng suất, chất lượng cao cũng được đưa vào sử dụng như: giống lúa thuần chất lượng cao Tiền Hải 1 tại xã Tòng Đậu, giống lúa TBR 97 tại xã Mai Hạ; trồng ngô kháng sâu tại xóm Khan Hạ, xã Sơn Thủy; trồng cây dược liệu tại xã Xăm Khòe, Bao La; có trên 40 ha dưa hấu được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng nội địa. Hiện nay, toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: thịt lợn đen Mường Pa, vịt cổ xanh Mường Hịch, rượu Láu Siêu, trà thành ngạnh, măng khô, rượu men lá Tòng Đậu, rượu cần Mai Hạ. Trong năm 2023, huyện đã mở 27 lớp tập huấn về chăn nuôi thú y và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật cho gần 1.000 lượt người tham gia. Qua đó giúp người dân nâng cao kiến thức để sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả.

Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành cùng nỗ lực của người dân, tin tưởng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Mai Châu tiếp tục khẳng định được thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, ổn định.

Thanh Hạnh

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/185057/huyen-mai-chau-xay-dung-thuong-hieu-cho-nong-san-chu-luc.htm