Huyện Mai Châu: Đổi thay cuộc sống nhờ được đào tạo nghề phù hợp

Chủ động, linh hoạt lựa chọn ngành nghề, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện, thế mạnh của mỗi địa phương đã giúp công tác dạy nghề trên địa bàn huyện Mai Châu có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ động, linh hoạt lựa chọn ngành nghề, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện, thế mạnh của mỗi địa phương đã giúp công tác dạy nghề trên địa bàn huyện Mai Châu có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật đã được học nên ruộng dưa hấu trái vụ của gia đình bà Vì Thị Hưng,

xóm Lầu, xã Mai Hạ (Mai Châu) cho thu nhập cao.

Hộ bà Vì Thị Hưng, xóm Lầu, xã Mai Hạ là một trong những hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã. Bà Hưng chia sẻ: "Qua nghiên cứu sách, báo và thực tế tại địa phương, đồng thời được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng dưa hấu của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) của huyện, gia đình tôi quyết định trồng dưa hấu chính vụ trên 2.000 m2 và dưa hấu trái vụ khoảng 1.000 m2 đất ruộng. Nhờ chọn được giống tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật và áp dụng thành công trồng dưa hấu với màng phủ nông nghiệp nên quả luôn đỏ tươi, mỏng vỏ và ngọt, trung bình từ 3-5kg/quả, giá bán dưa chính vụ từ 7.000 - 10.000 đồng/kg và dưa trái vụ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Ước tính mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 10 tấn quả, sau khi trừ chi phí, có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên”.

Trước đây, gia đình chị Hà Thị Huyền My, xóm Ngõa, xã Mai Hịch chủ yếu chăn nuôi lợn nhưng vài năm gần đây, do dịch bệnh nên phải tiêu hủy gần hết. Từ năm 2021, sau khi được tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi gà và tham quan các mô hình thực tế, chị My chuyển hướng từ chăn nuôi lợn sang nuôi gà ri theo hình thức gia trại. Tận dụng diện tích vườn đồi rộng, chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô và số lượng lên hàng trăm con gà thịt, gà giống mỗi lứa. Chị My cho biết: "Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trong chăn nuôi, chăm sóc nên đàn gà của gia đình phát triển nhanh, khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh. Để gà có chất lượng thịt thơm ngon, bán được giá cao, tôi cho ăn các loại thóc, ngô, cám gạo và cho ăn bổ sung thêm các loại rau, thân cây chuối, ốc bươu vàng. Trung bình mỗi năm gia đình xuất được 2 lứa gà thịt, 4 lứa gà giống”.

Đồng chí Lò Văn Bình, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mai Châu cho biết: "Năm 2023, với hơn 3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của các dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và từ nguồn ngân sách huyện, Trung tâm đã mở được 32 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 1.120 học viên tham gia”.

Điểm mới trong công tác đào tạo nghề đó là các lớp nghề được tổ chức gắn với quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới và dựa theo điều tra, khảo sát nhu cầu của người lao động, đặc biệt tập trung vào giải quyết việc làm tại chỗ như: kỹ thuật trồng nấm 7 lớp, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm 5 lớp, sửa chữa máy nông nghiệp 4 lớp và các nghề phi nông nghiệp 3 lớp, kỹ thuật nấu ăn 5 lớp, khôi phục nghề thêu thổ cẩm truyền thống 8 lớp. Việc đào tạo nghề đúng hướng, sát thực tế và triển khai theo định hướng bền vững, lâu dài giúp người học an tâm, được học nghề bài bản. Qua đó người học không chỉ có chứng chỉ mà còn có nghề nghiệp, nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống, từ đó giảm nghèo bền vững.

Thanh Hạnh

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/185335/huyen-mai-chaudoi-thay-cuoc-song-nho-duoc-dao-tao-nghe-phu-hop.htm