Huyện Lạc Thủy: Giảm diện tích trồng cây có múi kém hiệu quả

Huyện Lạc Thủy được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, thích hợp phát triển cây ăn quả các loại, nhất là các loại cây ăn quả có múi (CAQCM) có giá trị kinh tế cao.

Năm 2017, huyện đón nhận nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thủy" cho các sản phẩm cam của huyện, phát triển sản xuất cam hàng hóa có chất lượng cao là chiến lược của huyện trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp. Vài năm trước, nhờ CAQCM, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Người dân ồ ạt trồng CAQCM không theo quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn tới sản xuất đối diện với nhiều rủi ro về giá bán, thị trường tiêu thụ. Cùng với đó là tình trạng sâu bệnh gây hại trên CAQCM khó kiểm soát. Do đó, thời gian vừa qua, nhiều hộ trên địa bàn huyện đã chặt bỏ diện tích cây có múi không hiệu quả chuyển sang trồng các lại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Gia đình anh Nguyễn Minh Hùng, khu Đồng Tâm, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) chặt bỏ vườn cam Canh kém hiệu quả sang trồng ổi Thái.

Gia đình anh Nguyễn Minh Hùng, khu Đồng Tâm, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) chặt bỏ vườn cam Canh kém hiệu quả sang trồng ổi Thái.

Năm 2012, gia đình anh Nguyễn Xuân Tiên, khu Đồng Bầu (xã Lạc Long cũ), nay là thị trấn Chi Nê đầu tư trồng 1 ha cam với 300 gốc cam Vinh, năm 2013 trồng thêm 100 gốc bưởi đỏ. Thời điểm năm 2017 - 2018, cam có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg nên cho thu nhập từ 180 - 200 triệu đồng/năm. Năm 2019 - 2020, cam bị sâu bệnh cộng với giá giảm còn khoảng 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu nhập giảm đáng kể. Theo anh Tiên, từ thực tế cây cam không còn hiệu quả, cuối năm 2020, gia đình quyết định chặt hết cam, để lại 60 gốc bưởi đỏ và chuyển sang trồng giống vải chín sớm. Anh đầu tư mua 200 cành chiết và đi học tập kinh nghiệm trồng vải ở Phủ Lý (Hà Nam), hiện vườn vải phát triển tốt.

Anh Nguyễn Minh Hùng, khu Đồng Tâm, thị trấn Ba Hàng Đồi chia sẻ: Năm 2015, nhận thấy CAQCM có giá trị nên gia đình đầu tư trồng 4.000 m2 cam Canh nhưng không hiệu quả, chất lượng quả không ngon, mã xấu, giá thấp nên thua lỗ. Cuối năm 2021, tôi phá bỏ vườn cam chuyển sang trồng 400 gốc ổi Thái.

Đây chỉ là 2 trong hàng trăm hộ trồng CAQCM không hiệu quả phải phá bỏ và chuyển đổi sang cây trồng khác trên địa bàn huyện Lạc Thủy.

Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay, diện tích CAQCM của huyện là 1.029,2 ha, giảm 290 ha so với năm 2020, chiếm 69% tổng diện tích cây ăn quả. Trong đó, cây cam 479,5 ha (463,1 ha kinh doanh, 16,4 ha kiến thiết); bưởi 543,9 ha; chanh 5,8 ha. Phát triển CAQCM là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, đã tạo được vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đất trồng CAQCM là đất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và trên đất lâm nghiệp. Hiện, trên địa bàn huyện trồng 4 giống cam chính. Qua rà soát toàn huyện có khoảng 70 ha cam cho năng suất cao, ổn định 20 - 25 tấn/ha; diện tích phát triển trung bình khoảng 230 ha, năng suất 12 - 15 tấn/ha; diện tích phát triển kém bị sâu bệnh hại nặng cho thu hoạch thấp (dưới 12 tấn/ha) khoảng 163,1 ha. Nhiều diện tích cam đã bị phá bỏ hoặc không chăm sóc.

Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thực tế cho thấy, người dân đã ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhiều vườn quả áp dụng công nghệ tưới giảm chi phí nhân công, diện tích canh tác có lắp đặt hệ thống tưới; tay nghề người sản xuất ngày một cao, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm quả các loại, thích ứng với thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay, có 30 hộ trồng cam quy mô 100 ha được cấp chứng nhận sản xuất VietGAP tại các xã, thị trấn: Phú Thành, Ba Hàng Đồi, Phú Nghĩa, Hưng Thi. Có 3 nhà vườn trồng cam được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao được hỗ trợ tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, huyện đã dành nguồn lực trên 9,6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển CAQCM. Tuy nhiên, chất lượng giống, vật tư đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ; vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học, nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, bùng phát dịch hại và ảnh hưởng chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc phát triển CAQCM chưa theo quy hoạch. Mặt khác, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng. Liên kết sản xuất chưa nhiều, giá thành sản xuất còn khá cao, làm giảm sức cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm theo cơ chế thị trường còn khó khăn…

Để phát triển bền vững CAQCM trên địa bàn huyện, đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện chỉ đạo ngành chức năng thông tin rộng rãi để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác biết về diện tích, địa bàn quy hoạch vùng trồng CAQCM đã được được UBND tỉnh phê duyệt. Hướng dẫn người dân thực hiện phát triển CAQCM theo quy hoạch, theo vùng trồng được quy hoạch. Đối với những diện tích cam còn sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định tiếp tục đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình sản xuất tạo sản phẩm có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm… Đối với diện tích cam bị nhiễm bệnh nặng, năng suất kém chuyển đổi cây trồng phù hợp. Tăng cường tập huấn, đào tạo nghề nâng cao năng lực sản xuất quả có múi bền vững cho nông dân. Đẩy mạnh liên kết sản xuất cam theo chuỗi giá trị, công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, kỹ thuật để bảo vệ và phát triển nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thủy” góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cam của huyện.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/164442/huyen-lac-thuy-giam-dien-tich-trong-cay-co-mui-kem-hieu-qua-.htm