Huyện Kim Bôi: Chung tay chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm trên 86%, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Kim Bôi đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, chăm lo phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi. Qua đó góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc, dần xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân.

Là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm trên 86%, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Kim Bôi đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, chăm lo phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi. Qua đó góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc, dần xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân.

Người dân khu Lạng, thị trấn Bo (Kim Bôi) phát triển trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân khu Lạng, thị trấn Bo (Kim Bôi) phát triển trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021-2025, huyện Kim Bôi có 7 xã khu vực III, 6 xã khu vực II, 3 xã và 1 thị trấn khu vực I. Ngoài ra, huyện có 21 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 6 xã khu vực II, khu vực I. Toàn huyện có 25.531/28.116 hộ ĐBDTTS, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm trên 97%.

Xác định chính sách dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa rất lớn trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vùng ĐBDTTS, huyện chủ động rà soát, bổ sung nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, huy động nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho phát triển nhanh, vững chắc, nâng cao mức sống của ĐBDTTS. Đồng chí Bùi Quang Hợp, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Kim Bôi cho biết: Để tổ chức triển khai thực hiện tốt các quyết định, chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về công tác dân tộc, chăm lo đời sống ĐBDTTS của T.Ư, tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch và triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Huyện thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), chỉ đạo cơ sở thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã và Ban phát triển thôn thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo các phòng, ban, Ủy ban MTTQ, đoàn thể, đơn vị ký kết chương trình phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Thực hiện các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc CTMTQG, từ năm 2021 đến nay, huyện đã xây dựng điểm ổn định dân cư tập trung tại xã Cuối Hạ cho 22 hộ dân; thi công 2 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Hợp Tiến, Tú Sơn; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.780 hộ và hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng hình thức mua máy móc cho 232 hộ. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 186 công trình, gồm: xây dựng, nâng cấp 88 công trình giao thông; 14 công trình thủy lợi; 5 công trình giáo dục; xây mới, sửa chữa, nâng cấp 79 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và thực hiện duy tu, bảo dưỡng trên 60 công trình các loại. Những dự án, công trình được triển khai đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng.

Với mục tiêu thúc đẩy toàn diện khu vực đồng bào dân tộc và miền núi, huyện đã triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đến nay, huyện đã phân bổ 14.430 triệu đồng để thực hiện các dự án chăn nuôi bò, gà, lợn; hỗ trợ cây dược liệu, rau mít, trám đen, nuôi ong. Các dự án, chính sách thực hiện phù hợp với từng địa phương để khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập bình quân của người dân vùng ĐBDTTS. Ngoài ra, huyện hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị: trồng cây ăn quả; trồng cây lấy hạt; liên kết sản xuất sả và tinh dầu sả chanh; trồng, tiêu thụ cây dược liệu; sản xuất, tiêu thụ ngô ngọt.... đem lại doanh thu cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, huyện chú trọng phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, những sản phẩm du lịch độc đáo tạo việc làm, thu nhập cho bà con. Hàng năm, huyện đón 480.000 lượt du khách, doanh thu ước đạt 550 tỷ đồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động.

Nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ, đời sống của người dân được nâng lên. Nhiều hộ chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ, tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH địa phương. Năm 2023, thu ngân sách của huyện đạt trên 67,129 tỷ đồng, tăng 25,54 tỷ đồng so với năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng, tăng 17,5 triệu đồng so với năm 2019. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh được đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố, vững chắc, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn miền núi.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/189278/huyen-kim-boi-chung-tay-cham-lo-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm