Huyện Cao Phong tuyên truyền pháp luật về cơ sở

Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được huyện Cao Phong quan tâm, chú trọng, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Qua đó đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc đưa kiến thức pháp luật đến với người dân.

Công an xã Bắc Phong (Cao Phong) dán áp phích tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy tại cây xăng xóm Khụ.

Thời gian qua, hệ thống loa phát thanh xã Bắc Phong và các xóm đều đặn phát 3 lần/tuần 14 nội dung về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) để mọi người biết các biện pháp PCCC khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, Công an xã tổ chức tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC, ký cam kết với 1.178 hộ gia đình (có 34 hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh). Đồng chí Bùi Văn Thái, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trình độ dân trí trên địa bàn không đồng đều, hiểu biết pháp luật hạn chế nên việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật của người dân được hết sức chú trọng. Công tác tuyên truyền thường xuyên được lồng ghép vào hoạt động của xã, các ngành, đoàn thể đưa kiến thức pháp luật đến mọi đối tượng, tầng lớp Nhân dân. Việc đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCCC đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân, tích cực tham gia phong trào Toàn dân PCCC, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ…

Theo thống kê, năm 2021, các cơ quan, đơn vị cấp huyện tổ chức được 133 buổi tuyên truyền, PBGDPL với 9.053 lượt người tham dự, trong đó, Phòng Tư pháp tổ chức 19 buổi với 1.224 lượt người tham dự, phát 1.224 bộ tài liệu tuyên truyền; các xã, thị trấn tổ chức 87 buổi với 5.273 lượt người tham dự, phát 2.591 bộ tài liệu. Nội dung chủ yếu tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các văn bản luật liên quan đến đời sống người dân, thuộc nhiều lĩnh vực như: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tổ chức chính quyền địa phương; hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo hiểm y tế; hòa giải ở cơ sở; tiếp cận thông tin; trẻ em; phòng, chống ma túy; an toàn giao thông; phòng, chống xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, đuối nước; bình đẳng giới; an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính; hình sự; dân sự; hộ tịch... và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân cư trú ở những địa bàn đặc biệt khó khó khăn... Các cấp, ngành gắn công tác tuyên truyền, PBGDPL với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tổng kinh phí cho hoạt động PBGDPL trên 153 triệu đồng.

Mặc dù đạt những kết quả, nhưng công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn huyện còn khó khăn nhất định như: Đội ngũ làm công tác PBGDPL chủ yếu kiêm nhiệm, kiến thức pháp luật chưa sâu; kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật hạn chế. Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, PBGDPL chưa nhiều, ảnh hưởng đến tổ chức hoạt động tuyên truyền, PBGDPL.

Đồng chí Lưu Văn Trường, Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: Thời gian tới, Phòng Tư pháp tiếp tục phối hợp UBND các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, nắm bắt, triển khai kế hoạch công tác tư pháp, đa dạng hình thức tuyên truyền, PBGDPL, đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, các câu lạc bộ pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân để công tác tuyên truyền thực sự là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống; triển khai có hiệu quả việc xây dựng đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó, góp phần làm giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/163065/huyen-cao-ph111ng-tuyen-truyen-phap-luat-ve-co-so.htm