Huyện Ba Vì chú trọng bảo tồn phát huy gìn giữ các giá trị văn hóa

Huyện Ba Vì ngày càng phát triển vươn mình lên tầm cao mới với một diện mạo mới sau khi thực hiện theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII.

Nằm ở phía Tây TP Hà Nội, Ba Vì, với 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Sau 15 năm thực hiện theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII, huyện Ba Vì đã vươn mình lên tầm cao mới với một diện mạo mới.

Huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022. Ảnh: Ngọc Tú.

Cụ thể, kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì ngày càng phát triển, nhiều chỉ tiêu tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi thực hiện theo Nghị quyết; văn hóa được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Huyện luôn đạt được kết quả phát triển toàn diện, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định.

Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều thay đổi và phát triển nhanh chóng theo hướng đồng bộ theo các quy hoạch đã được duyệt, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội, Chương trình số 03-CTr/HU ngày 30/9/2020 của Huyện ủy Ba Vì và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ba Vì lần thứ XXIII.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực, bền vững. Nhiều mô hình nuôi trồng cây, con cho giá trị kinh tế cao từ 250 triệu đồng/ha lên 350 triệu đồng/ha. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sự vào cuộc của các địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn thể Nhân dân, đến nay toàn huyện đã có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Huyện Ba Vì đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ năm 2008 đến năm 2023 là 13.082,2 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là 2.092,7 tỷ đồng, gấp 18,26 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 114,6 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân đạt mức cao, năm 2022 đạt 96,4% kế hoạch vốn được giao. Kết cầu hạ tầng đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông trục chính của huyện đã và đang được đầu tư góp phần phát triển du lịch, tăng cường lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa các xã trên địa bàn huyện và giữa huyện với các địa phương khác (Đường QL32; đường tránh QL32; đường nối QL32 - Yên Kỳ - Hồ Suối Hai; các tuyến đường tỉnh: 411, 411C, 412, 414, 414B, 414C, đường Tản Lĩnh - Yên Bài, đường đê Minh Khánh; đường từ TL414 đi Ao Vua, đường Ba Vành - Suối Mơ; đường vào các khu du lịch Khoang Xanh Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà Spa resort,…; các tuyến đường huyện, liên xã, trục xã,…).

Ngoài ra, việc đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được quan tâm. Năm 2022, vốn đầu tư cho 3 lĩnh vực trên chiếm 52% tổng nguồn vốn đầu tư công. Nhờ sự hỗ trợ của TP, hệ thống trạm y tế các xã cơ bản đã và đang được đầu tư đồng bộ; các di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và TP cũng đang được triển khai tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị; hệ thống trường học các cấp trên địa bàn cũng từng bước được đầu tư đạt chuẩn theo kế hoạch.

Ngọc Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-ba-vi-chu-trong-bao-ton-phat-huy-gin-giu-cac-gia-tri-van-hoa.html