Huyện Ba Vì: Chủ động ứng phó trước thiên tai

Do đặc điểm vị trí địa lý, địa mạo, Ba Vì là nơi thường xảy ra nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm, như: Sạt lở đất, ngập lụt, cháy rừng…

Để giảm thiểu tổn thất về người và tài sản, huyện Ba Vì tập trung rà soát, nhận diện rõ nguy cơ, xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với từng tình huống theo phương châm “hành động sớm, chủ động trước thiên tai”.

Lãnh đạo xã Minh Châu (huyện Ba Vì) kiểm tra sự cố sạt lở bãi sông Hồng để bổ sung phương án phòng ngừa, ứng phó.

Lãnh đạo xã Minh Châu (huyện Ba Vì) kiểm tra sự cố sạt lở bãi sông Hồng để bổ sung phương án phòng ngừa, ứng phó.

Nhận diện rõ nguy cơ

Minh Châu là xã đảo của huyện Ba Vì, nằm ở phía hạ du khu vực hợp lưu 3 dòng sông lớn: Đà, Hồng, Lô. Do bất lợi về địa hình, địa chất nên những năm trước đây tại xã Minh Châu thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở bờ bãi sông, đe dọa an toàn cơ sở hạ tầng của Nhà nước, công trình của người dân…

Theo Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt, nhờ các cấp, ngành của thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư xây dựng tuyến kè nên người dân Minh Châu hiện nay đã vơi bớt nỗi lo sạt lở nhà ở, công trình trong khu dân cư. Tuy nhiên, do biến đổi lòng sông, một số đoạn bãi sông chưa được xây dựng công trình bảo vệ nên tình trạng sạt lở đất sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng tới sinh kế của hàng trăm hộ dân… Không chỉ mất đất sản xuất nông nghiệp, 32 hộ dân ở xóm Bãi (thôn Vân Hội, xã Phong Vân, huyện Ba Vì) hiện nơm nớp nỗi lo “hà bá” lấy mất công trình nhà ở, đất ở…

Chỉ vào vết nứt trên tường ngôi nhà của mình, ông Ngô Văn Lịch, ở thôn Vân Hội cho biết, vết nứt xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ban đầu vết nứt nhỏ, xuất hiện trên tường nhà; sau đó mở rộng và kéo dài ra sân, vườn. Để bảo đảm an toàn tính mạng, vợ chồng ông và hai con nhỏ phải bỏ hoang ngôi nhà, đến ở nhờ nhà của người thân từ trước Tết Nguyên đán tới nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Ngô Văn Lịch và nhiều người dân ở thôn Vân Hội khẳng định chưa bao giờ chứng kiến lòng sông Hồng bị tụt sâu như hiện nay. Theo họ, nguyên nhân chính là do tình trạng khai thác cát làm mất chân tuyến kè Phong Vân, gây ra sự cố sụt lún đất, nứt nẻ công trình trên địa bàn…

Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, như: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân còn tư tưởng chủ quan với các biểu hiện là xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, chưa sát thực tế, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt; chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị “4 tại chỗ”, nhất là về vật tư, phương tiện; chưa quyết liệt trong công tác kiểm tra, chỉ đạo xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai...

“Nếu các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, cảnh báo và người dân có kỹ năng phòng ngừa, ứng phó… thì đã không xảy ra sự cố đổ tường làm chết 3 cháu nhỏ ở xã Ba Trại sau trận mưa lớn vào đêm 12-5 vừa qua…”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng nêu rõ.

Xây dựng phương án phòng, chống sát thực tế

Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão 2024, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện đã yêu cầu các đơn vị, địa phương phải hành động sớm để chủ động trước mọi tình huống thiên tai. Trước mắt, các đơn vị, địa phương phải khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua. Từ nay đến ngày 31-5, các đơn vị, địa phương phải hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình phòng, chống lũ lụt; rà soát số hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, úng ngập để xây dựng phương án phòng, chống bảo đảm sát thực tế; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố…

Thực hiện chỉ đạo trên, 31 xã, thị trấn của huyện Ba Vì đang tập trung kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các cấp độ rủi ro, sát thực tế của địa phương...

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Vân (huyện Ba Vì) Đào Văn Thưởng cho biết, xã đã phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến các vết nứt công trình tại 32 hộ dân ở xóm Bãi (thôn Vân Hội); xây dựng phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, khi sự cố công trình phát triển, mở rộng tới mức nguy hiểm… Còn xã Ba Trại (huyện Ba Vì) đã tăng thời lượng phát thanh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với lũ, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở đất để bổ sung kế hoạch ứng phó, khắc phục hậu quả…

Là cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Vì đã phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó với từng tình huống thiên tai có khả năng xảy ra. Thượng tá Nguyễn Văn Vạn, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Vì cho biết, đơn vị đã hiệp đồng với 10 đơn vị quân đội trên địa bàn, sẵn sàng huy động 5.552 cán bộ, chiến sĩ, 32 ô tô, 4 xuồng, 1 xà lan, 4 máy phát điện kịp thời ứng phó với từng tình huống thiên tai, sự cố…

Cùng với nhiệm vụ trên, huyện Ba Vì đã hiệp đồng với các đơn vị chuẩn bị 3.892m3 đá hộc, 2.100 rọ thép, 4.700 vỏ bao tải, 4 máy phát điện... sẵn sàng ứng phó sự cố đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước.

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường. Chỉ khi hành động sớm, chủ động trước thiên tai, chúng ta mới giảm thiểu được thiệt hại, tổn thất... Hiện tại, Ba Vì đang nỗ lực hành động theo phương châm này...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huyen-ba-vi-chu-dong-ung-pho-truoc-thien-tai-666920.html