Huy động sức dân để phát triển giao thông nông thôn

Từ năm 2011 đến nay, các địa phương ở tỉnh Bình Thuận đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hơn 840 km đường giao thông nông thôn, trong đó làm mới gần 200 km đường nhựa, bê tông xi măng, đường cấp phối; gần 350 công trình cầu, cống dài gần 1.500 m cũng được đầu tư làm mới, đầu tư nâng cấp, sửa chữa… với tổng kinh phí gần 196 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 46%; kinh phí còn lại được tỉnh và huyện hỗ trợ theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”.Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 870 km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa (trừ số tuyến đường đã được kiên cố)...

Thi công đường giao thông nông thôn tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận

Gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, một số địa phương đã chủ động vận động nhân dân đóng góp và vốn đối ứng của huyện để triển khai thực hiện. Trong đó, nổi bật là huyện Hàm Thuận Bắc đã huy động nhân dân đóng góp 18 tỷ đồng, cùng nguồn ngân sách hỗ trợ 36 tỷ đồng, đã góp phần hoàn thành 60 km đường. Nhân dân các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân…đã đóng góp từ khoảng 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã đầu tư làm mới, tu sửa hàng trăm km các tuyến đường nhựa, bê tông xi măng, đường cấp phối và các công trình khác như cầu, cống thoát nước.

Ngoài ra, một số địa phương đã huy động được 100% kinh phí đóng góp của nhân dân và các nhà hảo tâm đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình. Điển hình như huyện Bắc Bình, nhân dân tự nguyện đóng góp gần 3,7 tỷ đồng đưa vào sử dụng cầu Lương Đông dài 80 mét và 2 tuyến đường ở xã Hòa Thắng dài hơn 2,5 km; nhân dân ở các xã Huy Khiêm, Gia An (huyện Tánh Linh) đóng góp hơn 1 tỷ đồng xây dựng 3 tuyến đường giao thông nông thôn và 5 công trình cầu cống... phục vụ việc đi lại của nông dân trên địa bàn.

Việc huy động sức dân làm giao thông nông thôn ở Bình Thuận được tiến hành với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Từng địa bàn dân cư đã phát huy mạnh mẽ quy chế dân chủ ở cơ sở trong triển khai thực hiện. Trước hết là thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” và tổ chức công khai, minh bạch trong tất cả các khâu từ tổ chức họp dân để bàn chủ trương, lựa chọn công trình, công khai mức huy động đóng góp. Qua đó, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát thi công, nghiệm thu đến khâu quản lý bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình… đều được nhân dân bàn bạc, thống nhất, đồng thuận cao. Kể cả việc miễn giảm đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo cũng được nhân dân bàn bạc, xem xét cụ thể.

Nhờ đó, nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn ở các địa phương được nhân dân tích cực hưởng ứng đóng góp ngày công lao động, tiền của, hiến đất, vật tư và các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia góp tiền, hỗ trợ máy móc, phương tiện… để làm đường giao thông nông thôn.

Gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” mục tiêu phát triển giao thông nông thôn ở Bình Thuận từng bước đi vào chiều sâu; ý thức trách nhiệm và quyền dân chủ của người dân khơi dậy. Từ đó tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước được khắc phục, ngày càng nhiều những cách làm hay, sáng tạo, những tấm gương điển hình, gương mẫu tự nguyện, tự giác hiến đất, góp vốn, góp công, tự tháo dỡ công trình... tham gia góp phần xây dựng giao thông nông thôn tại địa bàn dân cư.

TTXVN

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/ha-tang/201311/binh-thuan-huy-dong-suc-dan-de-phat-trien-giao-thong-nong-thon-413821/