Hụt hẫng nhìn lại 5 trận chung kết SEA Games thua cả 5 của bóng đá Việt Nam

Các đội tuyển Việt Nam đã có những thời điểm ở rất gần tấm Huy chương Vàng SEA Games, nhưng tất cả đều không một lần tận dụng được. Và cho đến giờ, bước lên ngôi vô địch môn bóng đá nam của Đại hội thể thao Đông Nam Á (không tính SEAP Games năm 1959), với chúng ta, vẫn là một giấc mơ dang dở.

1. Chung kết SEA Games 18 năm 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan), ĐT Việt Nam thua 0-4 trước đội chủ nhà. Dù vậy, đây vẫn là kỳ SEA Games thành công của bóng đá Việt Nam, khi ấy được dẫn dắt bởi HLV quá cố Karl Heinz Weigang với tấm HCB ở khu vực.

Thế hệ vàng của bóng đá nước nhà thời điểm ấy, có thể kể ra những cái tên như Hoàng Bửu, Hữu Đang...

... hay những Đỗ Khải, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Liêm Thanh, Hồng Sơn...

Dù thua đậm đội chủ nhà, nhưng tấm HCB là thành tích vượt ra ngoài tưởng tượng của người hâm mộ. Đó là lý do mà tất cả đều ăn mừng cứ như thể họ đã vô địch.

HLV Weigang mãi là người hùng, là huyền thoại của bóng đá Việt Nam nhờ chiến tích này.

2. Chung kết SEA Games 20 năm 1999 tại Brunei, thua Thái Lan 0-2. Thế hệ vàng son của bóng đá Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV người Áo Alfred Riedl một lần nữa không thể vượt qua người Thái.

ĐT Việt Nam lần thứ 2 giành HCB SEA Games sau khi để Thái Lan ghi 2 bàn nhờ các cú sút xa của Dusit và Thawatchai trong trận đấu quyết định.

3. Chung kết SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà, vẫn thua Thái Lan 1-2 (hiệp phụ). Bóng đá Việt Nam năm ấy trình làng một loạt tài năng nổi bật như Tài Em, Minh Phương, Huy Hoàng, Quốc Vượng, Hữu Thắng hay nhất là Văn Quyến...

Trong trận chung kết, bị Thái Lan chọc thủng lưới trước ở Mỹ Đình, nhưng Văn Quyến đã khiến hàng triệu người hâm mộ như muốn "bùng cháy" vì hạnh phúc, khi gỡ hòa 1-1 ở phút 90+1, mở ra bao hy vọng. Chỉ tiếc là trong hiệp phụ, đội bóng áo đỏ đã để cho Nataporn ghi bàn và không gỡ lại được nữa.

HLV Riedl an ủi cậu học trò, tiền vệ tài hoa Hữu Thắng. Đây là một trong những thất bại đáng tiếc nhất của bóng đá Việt Nam, bởi chúng ta đã để lỡ thời cơ có một không hai trên sân nhà.

Những tấm HCB được trao cho các cầu thủ Việt Nam ở Mỹ Đình, nhưng không ai cảm thấy vui vẻ gì khi nhận nó.

4. Chung kết SEA Games 23 năm 2005 tại Bacolod (Philippines), vẫn thua Thái Lan 0-3. Quyết tâm trở lại khi mà lứa cầu thủ năm 2003 đã già thêm 2 tuổi và vào độ chín, nhưng thêm một lần, chúng ta phải nhận trái đắng.

Nó không chỉ đắng với việc thua Thái Lan 0-3, mà còn đắng ngắt khi hàng loạt cầu thủ khi đó bị phát hiện bán độ trận gặp Myanmar như Văn Quyến, Phước Vĩnh, Quốc Anh hay Quốc Vượng (ảnh).

Một kỳ SEA Games đáng quên. Cũng từ giải đấu này, HLV Riedl được gán biệt danh "Vua về nhì".

5. Chung kết SEA Games 25 năm 2009 tại Vientiane (Lào), thua Malaysia 0-1. Lần đầu tiên kể từ năm 2003, bóng đá Việt Nam mới lại ở gần tấm HCV đến thế. Thái Lan bị loại từ sớm, và đối thủ trong trận chung kết của U23 Việt Nam chỉ là Malaysia, đội đã thua chúng ta 1-3 ở vòng bảng.

Nhưng rồi thì U23 Việt Nam đã không thể chiến thắng chính mình và lại một lần nữa lỗi hẹn với tấm HCV .

1-0 cho Malaysia là tỉ số cuối cùng của trận chung kết ở Vientiane, nơi mà các CĐV Việt Nam gần như phủ kín SVĐ quốc gia Lào.

Một thất bại khó lý giải trong bối cảnh U23 Việt Nam được đánh giá đã hội tụ đủ 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

HLV Calisto an ủi Võ Hoàng Quảng sau trận thua thực sự là tức tưởi.

Cho đến bây giờ, chuyện vì sao HLV Calisto lại bóp cổ thủ thành Tấn Trường sau trận vẫn là một bí ẩn. Có nguồn tin khẳng định nhà cầm quân người Bồ Đào Nha trách Tấn Trường bắt như bán độ, trong khi nguồn khác lại cho rằng ông Calisto chỉ muốn xốc lại tinh thần cho cậu học trò (!)

Các tuyển thủ thẫn thờ như mất hồn khi nhận tấm HCB được mô tả là "có cũng như không". 2009 cũng là năm cuối cùng cho đến nay bóng đá Việt Nam vào chung kết một kỳ SEA Games.

Phi Phi

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-thao/anh-hut-hang-nhin-lai-5-tran-chung-ket-sea-games-thua-ca-5-cua-bong-da-viet-nam/737667.antd