Hướng về quê hương

Dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2023), đoàn tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội quê Thanh Hóa tại Hà Nội do Thượng tướng Mai Quang Phấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc và tặng quà một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tham gia chuyến đi có hơn 30 thành viên, hầu hết đã ở tuổi 70, nhiều người còn mang trên mình vết thương chiến tranh nhưng ai cũng phấn khởi, như thấy mình trẻ ra khi được trở lại quê hương, để nhớ về những ngày thanh niên sôi nổi tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Trên chiếc xe khách hành quân từ Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Nghị - nguyên Phó chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng bắt nhịp, thế là mọi người cùng cất cao giọng hát bài “Nguyễn Bá Ngọc, người thiếu niên dũng cảm” của nhạc sĩ Mộng Lân. Bài hát ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng của người thiếu niên quê Quảng Xương, Thanh Hóa.

Vừa hát, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Minh Khải, nguyên Phó giám đốc đào tạo Học viện Chính trị vừa hào hứng kể: Hồi ấy, chúng tôi đều tuổi thiếu niên, được nghe tuyên truyền về tấm gương dũng cảm quên mình cứu các em nhỏ khi bom Mỹ bắn phá quê hương của anh Nguyễn Bá Ngọc ai cũng sục sôi căm thù. Hằng ngày, chúng tôi hợp thành từng đoàn vừa đi vừa hát bài ca ngợi anh và hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Trả thù cho Nguyễn Bá Ngọc”…

Cùng đoàn trên suốt hành trình hai ngày với nhiều điểm đến ý nghĩa, chúng tôi được tận mắt chứng những nghĩa cử nhân văn của các cựu chiến binh, tướng lĩnh, sĩ quan với quê hương, đồng đội. Sau khi thăm, làm việc tại Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đoàn đã đến thăm Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là Trung tâm). Tại đây, đoàn đã dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ của các đối tượng chính sách, người có công và cán bộ, nhân viên cùng đội ngũ y, bác sĩ chuyên trách.

Tình cảm ấm áp của những người lính dành cho nhau.

Theo thông tin do đồng chí Nguyễn Viết Thanh, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Trung tâm, hiện đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng 234 thương, bệnh binh, thân nhân người có công. Trong đó, nhiều trường hợp đặc biệt, bị tâm thần phân liệt, thần kinh luôn không ổn định, hoặc thương tật đến 96% sức khỏe luôn cần có người phục vụ. Một trong số đó là thương binh Nguyễn Văn Đua, nguyên chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 96, Sư đoàn 309 thuộc Mặt trận 479. Anh quê ở Hoàng Trường, Hoàng Hóa, Thanh Hóa đã tình nguyện nhập ngũ, đi chiến đấu tại chiến trường K và bị thương, mất hoàn toàn 2 chân năm 1985 khi mới 23 tuổi. Hay như trường hợp thương binh hạng đặc biệt Nguyễn An Hưng, 70 tuổi, bị thương nặng dẫn tới chấn thương sọ não; suốt hơn 40 năm nay luôn ở trong trạng thái nửa mê, nửa tỉnh...

Ngồi ở phía cuối hội trường, bác sĩ Đỗ Đình Khương, Trưởng khoa Thương binh, bệnh binh nặng và thân nhân người có công của Trung tâm thường xuyên quan sát, đi lại hỏi han tình hình sức khỏe của mọi người. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thanh Hóa giàu truyền thống, bác sĩ Khương đã có hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm nên thông tin, lý lịch sức khỏe của các đối tượng chính sách đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm anh nắm khá rõ. Anh bảo: “Trông các cô, các bác hiện giờ vui vẻ, tưởng là mạnh khỏe đấy thôi, nhưng thực ra những căn bệnh sinh ra do di chứng của những năm tháng chiến đấu trên chiến trường vẫn đang "gặm nhấm" cơ thể họ từ bên trong. Mỗi khi thời tiết thay đổi, trái gió trở trời là đau đớn lắm!”.

Những món quà ý nghĩa được trao tặng các đồng chí thương, bệnh binh và người có công.

Tâm sự của bác sĩ Khương khiến tôi nhớ tới câu chuyện từng được Thượng tướng Mai Quang Phấn kể trong những lần được đi công tác cùng ông. Hồi còn đương chức, những hội nghị, chuyến đi công tác… của ông luôn dày kín. Thế nhưng, ít người biết, ông cũng là một thương binh với 11 vết thương thực thể. Các vết sẹo và mảnh đạn còn nằm lại trong cơ thể đôi khi vẫn khiến ông phải chịu đựng những cơn đau về thể xác.

“Tôi nhập ngũ đúng ngày 27-12-1972, sau đó đi chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ trong đội hình Trung đoàn 1 - U Minh (nay thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9). Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi lại cùng đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế nhiều năm trên đất bạn Campuchia. Nhớ mãi lần đầu tiên tôi trúng đạn địch, bị thương ở bả vai bên phải là khi tham gia trận đánh đồn Phương Bình, Long Mỹ (Hậu Giang) ngày 7-4-1974. Vết thương không nguy hiểm nhưng do điều kiện và kỹ thuật xử lý của quân y của ta lúc bấy giờ còn nhiều hạn chế. Anh em để vết thương hở, không khâu nên lâu liền. Mỗi khi vệ sinh làm sạch vết thương tôi lại “đau nhức óc”. Những lần bị thương sau này độ nặng nhẹ có khác nhau, và di chứng thì theo bên người mãi mãi”, Thượng tướng Mai Quang Phấn cho biết.

Là người lính đã đi qua chiến đấu, có những trải nghiệm thực tế nên Thượng tướng Mai Quang Phấn và các tướng lĩnh, sĩ quan trong đoàn hôm ấy dành rất nhiều tình cảm, sự quan tâm, trân trọng đối với các thương, bệnh binh. Với tấm lòng và tình cảm của những người con quê hương, đoàn đã tặng Trung tâm số tiền 100 triệu đồng cùng nhiều phần quà ý nghĩa để góp phần vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc các đối tượng chính sách, người có công đang được nuôi dưỡng tại đây.

Bài, ảnh: SONG THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/huong-ve-que-huong-758295