Hưởng ứng, thực thi hiệu quả Ngày Pháp luật Việt Nam

Thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), nhiều năm qua, các cơ quan, đơn vị và người dân huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) hưởng ứng, thực thi với nhiều hoạt động, cách làm hiệu quả, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật.

Thông qua cơ quan, đơn vị, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện Thoại Sơn phối hợp xây dựng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực thi Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn với nhiều hình thức. Cụ thể, ngoài cung cấp hàng chục ngàn văn bản pháp luật và dưới luật, phối hợp Đài Truyền thanh huyện thực hiện các chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”, “Hỏi - Đáp về pháp luật” và định kỳ hàng tháng phát sóng chuyên đề “Câu chuyện pháp luật”, thông tin nhiều tin bài về chủ trương, chính sách, pháp luật mới, sự kiện pháp lý mà người dân quan tâm.

Đặc biệt, từ ngày 4 - 9/11 hàng năm, tăng thời lượng phát sóng về Ngày Pháp luật Việt Nam, tập trung giới thiệu về người tốt, việc tốt, mô hình thực thi pháp luật hiệu quả. Trong đó, địa phương có mô hình “Lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân”; Chi cục Thuế huyện hưởng ứng với mô hình “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế”, định kỳ tổ chức hội nghị “Đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp, giải đáp vướng mắc pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan”.

Một số cơ quan, tổ chức trên địa bàn, tùy theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện các mô hình phù hợp với đơn vị. Riêng hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn mỗi tuần phát sóng 2 lượt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đáng lưu ý, Cổng thông tin điện tử huyện, trang thông tin điện tử các cơ quan, tổ chức và địa phương phát huy tốt vai trò ứng dụng công nghệ, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều hình thức.

Để làm tốt nhiệm vụ, Phòng Tư pháp chủ động phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, Hội Luật gia, cơ quan pháp luật tổ chức tư vấn pháp luật lưu động trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, các đơn vị và địa phương. Đồng thời, chỉ đạo trong hệ thống, vận động cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân mở rộng các mô hình thực thi pháp luật, chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương; tham gia các cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật.

Ngoài ra, thông qua các buổi xét xử lưu động của tòa án, công tác tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các hình thức sinh động, phù hợp.

Ông Phan Tùng Văn (ngụ ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn) cho biết, Ngày Pháp luật Việt Nam là điểm mốc, sự kết nối xuyên suốt, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, là sự khẳng định các giá trị dân chủ, dân quyền, thượng tôn pháp luật mà Hiến pháp năm 1946 đề ra. Tôi đề nghị không chỉ giới hạn trong ngày 9/11 hàng năm, mà phổ biến, giáo dục thường xuyên để cộng đồng coi đó là nhiệm vụ.

Thông qua đó, để mọi người ý thức hơn nữa việc tuân thủ pháp luật, là dịp để đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế trong xây dựng, thực thi pháp luật cùng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Với những người thi hành pháp luật, họ nhận được những thông tin phản hồi, đánh giá về các quy định của pháp luật, cách thức thực hiện của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó, hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Thông tin về Ngày Pháp luật Việt Nam, Trưởng phòng Tư pháp huyện Thoại Sơn Nguyễn Văn Đoan cho biết, qua 10 năm triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng, có nhiều tác động lớn, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với công tác này; tác động tích cực vào quá trình xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; góp phần quan trọng hình thành ý thức chủ động tìm hiểu, học tập và tự giác chấp hành pháp luật của người dân. Qua đó, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, còn gặp khó khăn do chưa chủ động, tích cực trong công tác hưởng ứng, tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, có nơi còn trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; tổ chức các hoạt động hưởng ứng mang tính phong trào, hình thức, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các ngành, các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và ý thức hơn nữa của cả cộng đồng.

Theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật. Đồng thời, tăng cường nhận thức xã hội về vai trò của luật pháp trong đời sống, nâng cao sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.

NGUYỄN RẠNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/huong-ung-thuc-thi-hieu-qua-ngay-phap-luat-viet-nam-a378253.html