Hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững

Vài năm gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Hướng đi này góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững cả về lượng và chất, đồng thời tạo nên diện mạo sáng, xanh, sạch cho khu vực nông thôn.

Công nhân Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vận chuyển sản phẩm phân bón mới tới nơi tiêu dùng.

Nông dân với nông nghiệp xanh

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần thay đổi ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa học mà chuyển sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới từ những mô hình sử dụng phân, thuốc hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng.

Đến thăm mô hình trồng rau hữu cơ kết hợp nuôi cá của gia đình anh Đinh Quang Tiệp, khu Suối Gấm, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, chúng tôi khá bất ngờ bởi với diện tích gần 1.000m2 trồng rau các loại như: Xà lách, cải bó xôi, cải bẹ xanh, cải bẹ dún, cải ngọt, cải thìa… nhưng chỉ cần một nhân công chủ yếu đo các chỉ số về chất lượng rau, bắt sâu cho rau. Rau từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch sẽ được ghi chép, theo dõi các yếu tố nhiệt độ, độ dinh dưỡng để đảm bảo đạt năng suất, chất lượng. Ngoài ra, anh Tiệp đang nuôi hơn 6.000 con cá chình, đây là loại cá dễ nuôi, sức đề kháng tốt. Cá chình có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt cá thơm ngon được thị trường ưa chuộng, có đầu ra ổn định. Mô hình trồng rau hữu cơ kết hợp nuôi cá mô phỏng hệ sinh thái tự nhiên, khi sử dụng chất thải từ cá để làm chất dinh dưỡng cho rau mà không sử dụng đất, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Anh Tiệp chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng tăng cao, tôi đã tham quan một số mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở miền Nam và vận động người thân cùng góp vốn khoảng một tỉ đồng để triển khai trồng rau thủy canh kết hợp với nuôi cá. Mỗi lứa rau, từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch mất khoảng 40 ngày và quan trọng là tiết kiệm được nước, sức lao động, chi phí đầu tư do không phải thực hiện một số khâu như làm đất, làm cỏ, vun xới, tưới nước.

Hiện nay, các sản phẩm rau của anh Tiệp được người dân quanh vùng và các nhà hàng, dịch vụ ăn uống trên địa bàn thị trấn Cẩm Khê mua với giá từ 30.000-40.000 đồng/kg, mang về nguồn thu cho gia đình khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Hay như mô hình trồng dâu tây công nghệ cao theo hướng hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Phúc Long, khu Dư Ba, xã Tuy Lộc, ngay sau khi có chủ trương trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, anh đã đầu tư xây dựng nhà lưới hơn 200m2 để trồng dâu tây. Anh Long cho biết: Tôi thấy sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ vừa đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí, chăm sóc dễ hơn so với vô cơ, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Đồng chí Trần Thị Thu Hưởng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết: Mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hay mô hình trồng dâu tây trong nhà lưới là những hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện, cần được nhân rộng và phổ biến rộng rãi quy trình kỹ thuật. Các mô hình đều đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, bước đầu tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân, giúp người dân yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mô hình trồng rau hữu cơ kết hợp nuôi cá của gia đình anh Đinh Quang Tiệp, khu Suối Gấm, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê.

Doanh nghiệp “theo đuổi” nông nghiệp xanh

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư nông nghiệp quan trọng và được sử dụng khá lớn hàng năm. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh những năm qua, phân bón của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao luôn có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao giá trị và tạo nên thương hiệu cho rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Các mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao đối với các loại cây trồng này đều cho thấy hiệu quả cao hơn đối chứng, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất đều tăng rõ rệt. Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã đẩy mạnh phối hợp với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh để triển khai xây dựng các mô hình nhằm hỗ trợ bà con nông dân trong việc cung ứng phân bón chậm trả và làm chủ kỹ thuật chăm sóc cây trồng.

Để góp phần hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững, thời gian qua, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã phối hợp với các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng (Viện Thổ nhưỡng nông hóa - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Công ty Biowish Việt Nam (Tập đoàn Biowish của Mỹ), nghiên cứu công thức và công nghệ sản xuất để đưa vi sinh vật có ích là dòng Bacillus vào phù hợp với môi trường sống của nhóm phân bón NPK-S Lâm Thao và phân bón Hữu cơ khoáng Lâm Thao.

Sau hơn hai năm vừa nghiên cứu sản xuất, vừa khảo nghiệm đánh giá đầy đủ trên các loại cây trồng khác nhau, hai nhóm sản phẩm NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao, gồm 6 loại đã được Cục Bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, thẩm định, đánh giá và quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Đánh giá về hai nhóm sản phẩm mới của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, đồng chí Phùng Hà- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định: Việc phối trộn giữa phân vô cơ và các vi sinh có ích trong các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới và đa chức năng của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao không chỉ giúp giải quyết nhu cầu phân bón hữu cơ cho sản xuất sạch mà còn đáp ứng được nhu cầu tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Là đơn vị nhiều năm sử dụng dòng sản phẩm của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, ông Nguyễn Hoàng Mạnh- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp rau củ quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cho biết: Các sản phẩm mới của Công ty đều có những ưu điểm nổi bật, không chỉ giúp nông dân tiết giảm chi phí, mà còn nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và cải tạo đất hiệu quả. Chỉ cần hòa phân bón này với nước, sau đó đưa vào hệ thống tưới nhỏ giọt để bón cho cây. Qua thực tế cho thấy, rau màu, cây phát triển rất tốt, trong khi giá thành rẻ đến 1/2 so với dùng phân vô cơ.

Đồng chí Văn Khắc Minh- Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thông tin: Xác định vai trò quan trọng của các sản phẩm phân bón mới đối với sự phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững hiện nay, trong những năm gần đây, Công ty đã tích cực nghiên cứu và đầu tư nguồn lực để liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới phù hợp xu thế thời đại. Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì, giữ vững chất lượng sản phẩm phân bón truyền thống, Công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mới, tích cực tổ chức các hội nghị chuyển giao kỹ thuật và mô hình trình diễn sử dụng phân bón Lâm Thao để giúp nông dân nắm vững phương pháp sử dụng, nâng cao năng suất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bám sát kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Theo đồng chí Nguyễn Minh Tuấn- TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Phú Thọ đang tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao và hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Tú Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/huong-toi-nen-nong-nghiep-xanh-va-ben-vung/192137.htm