Hương gừng thơm mãi

Nhà tôi vốn đông con gái nên ngay từ nhỏ, chị em tôi đã được mẹ bày vẽ nữ công gia chánh. Hồi còn học lớp 3, tôi đã biết tự xâu kim để kết lại cái nút vừa đứt hay vá lại chiếc quần tây vì bị té do trèo cây hái ổi. Mẹ tôi vất vả lắm vì nuôi cả một lũ vịt trời, lại cho ăn học tử tế. Mỗi năm Tết đến xuân về, người phải gác tay lên trán mà tính toán để lo con cái đủ đầy trong mấy ngày Tết. Bên cạnh việc sắm sửa áo quần mới, mẹ tôi còn phải lo kèm cặp mấy chị của tôi làm bánh mứt từ những thứ 'cây nhà lá vườn'. Tôi không thể quên được hương mùi từ gian bếp của mẹ trong những ngày giáp Tết: mùi đậu xanh chấy để đem xay làm bánh in, mùi nước mắm đường cho món dưa kiệu, mùi gừng nồng ấm phả ra từ nồi mứt đang rim… Những ngày cuối đông, thời tiết vẫn còn lạnh, ngồi bên bếp lửa hít hà mùi gừng tươi, thỉnh thoảng nhấm nháp đôi lát gừng vụn sau mẻ vừa rim xong, ực một ly nước nóng nữa, thú vị chẳng chi bằng.

Vườn gừng thơm nức.

Từ khoảng 20 tháng Chạp, mẹ bảo chị tôi ra mé vườn đào gừng, Xuân Giáp Thìn 28 tôi lon ton chạy theo phụ giúp. Mới ngày nào, đám gừng còn xanh mướt, nay lá đã đốm vàng, chị tôi dùng cuốc tay bới nhẹ, từng bụi gừng nâu bám đầy đất hiện ra. Tôi dùng dao cắt gọn lá và xếp vào rổ. Rửa sạch sẽ và để cho ráo nước, những củ gừng sẻ cỡ chừng bàn tay xòe rộng, vàng ươm trông đẹp mắt. Mang bao tay vào, chị tôi cẩn thận gọt sạch vỏ cứ gọt xong một củ thả vào thau nước có bỏ thêm tí muối loãng cho gừng khỏi bị thâm. Mứt gừng công kỹ hơn so với các loại mứt khác vì làm không khéo dễ bị nát, đen, bị chảy nước. Để có một mẻ mứt lát đều, vẹn nguyên, trắng vàng, đường bám đủ độ là cả một bí quyết.

Sau khi gọt vỏ xong và ngâm củ, chị tôi dùng dao hai lưỡi xắt từng lát có độ mỏng vừa phải, bỏ vào trong thau nước sạch có pha độ chừng nửa trái chanh. Nước ngâm gừng không lấy từ giếng vì sợ phèn, gừng bị đen. Từ nhiều ngày trước chị tôi đã hứng nước mưa, lọc kỹ và đậy sạch; nước này sẽ dùng để ngâm và luộc gừng. Xả sạch và vớt gừng cho ráo, công đoạn luộc bắt đầu. Mỗi lần nước sôi đều, chị tôi lại xả và đổ nước khác vào, làm thế đến ba lần để gừng bớt độ cay. Gừng luộc xong, chị tôi rảy cho sạch hết nước rồi mới đem gói đường kính trắng loại một ra cân cho đúng tỷ lệ, thông thường một cân gừng cỡ tám lạng đường. Tôi giúp chị nhóm bếp than hồng và đem cái nồi trắng bong cất trong kệ tủ ra rửa sạch, lau khô.

Phần dâng tổ tiên.

Rim gừng cũng phải ngồi canh, tay dùng đũa đảo nhẹ để đường tan và thấm đều. Lửa lớn quá sẽ làm gừng sém, lửa nhỏ quá thì gừng để lâu trên bếp sẽ bị nát vụn và không trắng. Bám bên chị, ngửi được cái mùi nồng nồng cay cay tôi như ngửi được cả hương vị mùa xuân đang đến gần và thật gần. Loáng một cái, đường trong chảo rim đã bắt đầu dẻo, chị tôi nhanh tay bắc nồi xuống khỏi bếp và tiếp tục dùng đũa khuấy nhẹ nhàng cho đường thấm đều từng lát. Đến khi từng lát gừng trắng vàng rời ra, đường còn dư lại trong nồi cũng có màu trắng ngà là chị tôi trút vào cái mâm nhôm. Bắc lên nồi than hãm nhỏ, sấy sơ lại cho khô, để nguội và xếp vào thẩu bằng thủy tinh.

Mứt gừng được ưa thích trong ngày Tết bởi hương vị thơm ngon đặc trưng, có ý nghĩa cầu mong một năm đầm ấm, hạnh phúc. Hơn nữa, đây là loại mứt rất tốt cho sức khỏe. Thuở trước, vì ở tuổi ăn tuổi lớn mà cuộc sống lại quá thiếu thốn nên chúng tôi chỉ chờ mong dịp này để ăn cho đã đời, và không ít lần bị chướng bụng; thế mà, chỉ cần nhấm nháp vài miếng mứt gừng là đỡ ngay. Mứt gừng giúp kích thích tiêu hóa, giải độc, chữa đau bụng hay bị nôn ói.

Hương vị Tết.

Những ngày Tết trong cái lạnh se se, mỗi sáng sau khi điểm tâm xong, gia đình tôi thường ngồi lại chuyện trò, có đĩa mứt gừng tráng miệng đặt giữa bàn cùng ấm chè tươi chị mới hái đọt từ vườn nhà. Năm tháng cứ trôi đi vùn vụt nhưng hương vị gừng thơm nồng, cay cay ngọt ngọt của thuở thiếu thời vẫn còn đọng trong tôi những dư vị không thể nào quên. Những kỉ niệm thời gia đình còn tụ họp đông đủ mãi là bóng mát che chở tôi đi qua bao bão giông của cuộc đời, ấp ủ cho tôi những niềm tin để đón chào một mùa xuân mới lại về...

NGUYỄN THỊ THU THỦY

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/huong-gung-thom-mai-post290672.html