Hướng đi mới để giảm nghèo bền vững

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thị xã Hương Trà đã tập trung triển khai hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhất là đối với lao động nghèo. Thực tế từ những người đang đi XKLĐ và đã về nước, họ giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả, góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình, địa phương và cả việc nâng cao ý thức cho con em đi XKLĐ của nhiều người.

Người lao động đăng ký thông tin tại sàn giao dịch việc làm

Người lao động đăng ký thông tin tại sàn giao dịch việc làm

Gia đình ông Nguyễn Chánh Hinh ở Hương Toàn thuộc diện khó khăn của xã. Năm 2018, tham gia các buổi tư vấn, giới thiệu các đơn hàng XKLĐ, ông Hinh được nghe các thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động (LĐ), tính ổn định của công việc và nguồn thu nhập khá cao khi tham gia XKLĐ làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Đồng thời, được chính quyền địa phương vận động, ông quyết định vay mượn 300 triệu đồng cho con trai thứ hai đi XKLĐ tại Nhật Bản. Sang Nhật, nhờ chăm chỉ, cần cù trong công việc, tuân thủ nghiêm túc luật pháp của nước sở tại nên chỉ sau 1 năm, con ông đã gửi tiền về trả hết số nợ vay mượn. Đến nay, ngoài xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện nghe nhìn, đi lại, gia đình ông Hinh còn có của ăn của để và vươn lên khá giả ở địa phương.

“Hồi con trai đi, gia đình phải vay mượn số tiền lớn cũng xây xẩm mặt mày, giờ hết nợ nần, công việc cháu ổn định, thu nhập mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng”, ông Hinh hồ hởi.

Tại nhiều địa phương ở Hương Trà, chuyện cho con đi XKLĐ đã trở thành ao ước của nhiều gia đình. XKLĐ không chỉ là chính sách giúp người lao động (NLĐ) có cơ hội việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững mà còn là hướng đi giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rèn luyện kỹ năng và tác phong lao động công nghiệp.

Có tỷ lệ hộ nghèo khá cao so với mặt bằng chung của thị xã, những năm gần đây, phường Hương Vân xác định việc đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo ông Lê Minh Hóa, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vân, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NLĐ về mục đích, ý nghĩa của chương trình, Hương Vân chú trọng tìm các đối tác tư vấn, tuyển dụng LĐ có uy tín trong và ngoài tỉnh để tham gia tư vấn, giới thiệu tuyển dụng LĐ. Đây là cách làm hay, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tạo thêm niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho con em tham gia XKLĐ.

“6 tháng đầu năm 2023, phường Hương Vân đã hoàn thành 12/15 chỉ tiêu đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài và hiện số LĐ này có công việc ổn định, thu nhập khá cao gửi về gia đình”, ông Hóa cho hay.

Năm 2023, thị xã Hương Trà phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa từ 80 – 100 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh & Xã hội thị xã Hương Trà Nguyễn Công Dũng thông tin: Nhận thức của người dân địa phương về chương trình XKLĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để đạt kế hoạch, thị xã đề ra nhiều giải pháp, chương trình như tăng cường tuyên truyền, tư vấn, gặp gỡ, giao lưu; tổ chức sàn giao dịch việc làm để tạo cơ hội cho LĐ gặp doanh nghiệp nắm bắt thị trường và đăng ký tham gia. Thường xuyên thông tin nhu cầu đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài để NLĐ có nhiều lựa chọn phù hợp. Tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp có năng lực, uy tín, kinh nghiệm trong việc tư vấn, tuyển chọn đưa LĐ đi làm việc nước ngoài.

Bài, ảnh: Vi Quân

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/huong-di-moi-de-giam-ngheo-ben-vung-130441.html