Hướng đi mới

Khó tuyển sinh thạc sĩ có thể một phần do người học e ngại thời gian học kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình xin việc.

Ảnh minh họa ITN.

Hóa giải băn khoăn này, nhiều cơ sở giáo dục áp dụng chính sách “chưa có bằng đại học nhưng sinh viên vẫn được học thẳng lên thạc sĩ”. Điều này mở ra hướng đi mới cho các trường trong tuyển sinh cao học.

Cách đây 5 năm, vấn đề này được nhắc đến và bàn thảo sâu rộng. Năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến thí điểm xây dựng mô hình đào tạo liên thông dọc trình độ đại học và thạc sĩ. Theo đó, đơn vị này cho phép sinh viên năm thứ 3 trở đi có kết quả học tập tốt đăng ký học trước một số học phần trong chương trình đào tạo thạc sĩ ngành đúng và bảo lưu kết quả này khi học tiếp bậc thạc sĩ tương ứng. Người học có thể hoàn thành bậc đại học và có bằng thạc sĩ chỉ trong thời gian 5 năm thay vì 5,5 hoặc 6 năm như trước đây.

Theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), người học được xem xét công nhận và chuyển đổi tín chỉ một số học phần khi đã học một chương trình đào tạo thạc sĩ khác hoặc đã tốt nghiệp một chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Số tín chỉ được công nhận và chuyển đổi không vượt quá 30.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT quy định, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định có thể đăng ký học trước một số học phần của chương trình thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15.

Thực tế, đào tạo “một lèo” lên cao học không còn xa lạ trên thế giới nhưng với Việt Nam có thể sẽ là hướng đi mới nhằm rút ngắn thời gian hiện thực hóa giấc mơ trở thành chuyên gia với học vị thạc sĩ của sinh viên. Qua đây, giúp người học có động lực học tập rèn luyện, phấn đấu đạt được mục tiêu.

Lẽ tất nhiên, không nên áp dụng đại trà và thông thoáng đến mức sinh viên nào cũng có thể đăng ký theo học. Nghĩa là phải có điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng để có sự sàng lọc nhất định. Trong đó, tiêu chí đầu tiên phải là thành tích học tập, cùng các điều kiện về đạo đức, ý thức rèn luyện trong quá trình học tập ở trình độ đại học.

Với quy định nêu trên, dự báo tới đây sẽ có nhiều cơ sở đào tạo cho phép sinh viên những năm cuối được học thẳng lên chương trình thạc sĩ mà không cần đợi sau khi có bằng tốt nghiệp đại học. Vẫn biết, phương thức này phù hợp với những ai có nhu cầu học lên cao học, giúp các em giảm áp lực đầu vào, đồng thời rút ngắn thời gian đào tạo; song có nên khuyến khích triển khai đại trà hay không là câu chuyện cần tính đến.

Có chuyên gia cho rằng, chúng ta không nên cấm và không thể hạn chế cứng nhắc năng lực của những người học có khả năng đặc biệt. Nhưng cũng nên đánh giá hợp lý, để tránh những hệ lụy không đáng có, nhất là với lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/huong-di-moi-post678150.html