Hướng đi đúng nhưng phương án nhân sự chưa khả thi

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; đây là hướng đi đúng, được địa phương ủng hộ nhưng vẫn còn băn khoăn về nhân sự thực thi nhiệm vụ này.

"Ủng hộ ủy quyền"

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (gọi chung là Ban quản lý khu công nghiệp) thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường.

Nguồn: ITN

Theo đó, để được ủy quyền, Ban quản lý khu công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu như: có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường từ 5 biên chế công chức trở lên đối với Ban quản lý khu công nghiệp của cấp tỉnh loại II và III, từ 6 biên chế trở lên với cấp tỉnh loại I, từ 7 biên chế công chức trở lên đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành về quản lý môi trường, khoa học, công nghệ, kỹ thuật môi trường, hóa học, sinh học và có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực môi trường.

Cũng theo dự thảo Thông tư, chỉ được ủy quyền đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đã có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định; đã có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng Giám đốc CTCP SHINEC, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng cho biết “rất ủng hộ cách làm này”. “Nếu giao cho Ban quản lý khu công nghiệp ở địa phương thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ giúp thời gian rút ngắn hơn, làm nhanh hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều này vừa tăng thẩm quyền của địa phương vừa tránh dồn việc lên cấp cao hơn”.

Tương tự, ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng việc phân cấp này là hợp lý; ông Cường phân tích, theo quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các dự án nhóm A và dự án sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện có quy mô công suất từ 01 triệu thiết bị, linh kiện/năm hoặc 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cấp Bộ phê duyệt. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, bởi tính trung bình các dự án lập đánh giá tác động môi trường cấp Bộ để có quyết định phê duyệt mất khoảng 3 - 6 tháng, có dự án phải mất 01 năm, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Muốn đáp ứng được thời gian thẩm định không quá 45 ngày với các dự án trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhân sự lên tới hàng trăm người cho công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; vì vậy, việc ủy quyền cho địa phương là rất cần thiết”, ông Cường bình luận.

Nên tăng nhân sự và chú trọng hậu kiểm

Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý khu công nghiệp và doanh nghiệp lo ngại về việc triển khai thực hiện nếu Thông tư được thông qua; theo đó, các Ban quản lý sẽ phải tăng số biên chế, lập phòng chức năng. “Liệu điều này có đi ngược với chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối mà chúng ta đang thực hiện?”, ông Đào Xuân Cường đặt câu hỏi.

Chia sẻ với ý kiến trên, ông Hoàng Tuấn Anh lo ngại theo định biên công chức của Bộ Nội vụ thì số lượng nhân sự của các ban này không nhiều. Chưa kể, đòi hỏi cán bộ môi trường phải được đào tạo chuyên ngành bài bản, có thâm niên từ 3 năm kinh nghiệm cũng là một vấn đề. Do đó, Bộ Nội vụ cần xem xét tăng chỉ tiêu nhân sự cho các Ban quản lý khu công nghiệp, đặc biệt nên tăng số lượng nhân sự cho các địa phương là trọng điểm công nghiệp.

Quan trọng hơn cả, ông Tuấn Anh cho rằng, phân cấp chỉ là bước đầu và cần phải quan tâm công tác hậu kiểm bởi giữa báo cáo đánh giá tác động môi trường với thực tế sẽ có sự khác nhau. Việc phân cấp cũng phải đi kèm với trách nhiệm cụ thể. “Lâu nay, chúng ta vẫn có kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường nhưng tới đây khi phân cấp cho các Ban quản lý khu công nghiệp địa phương trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ cần kiểm soát tốt để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, vì có thể cấp địa phương ít người nên lơi lỏng khâu kiểm tra, kiểm soát”.

Ông Cường bổ sung, Luật Đầu tư đã quy định rất rõ dự án nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, của Thủ tướng, của UBND cấp tỉnh. Do vậy, Chính phủ cần xem xét, sửa đổi các quy định theo hướng các bộ, ngành Trung ương chỉ thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng, bảo vệ môi trường... đối với các công trình, dự án do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp bộ quyết định đầu tư. Còn các công trình, dự án do cấp tỉnh và Ban quản lý các khu công nghiệp quyết định đầu tư, cấp đăng ký đầu tư thì cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện thủ tục hành chính có liên quan. “Đây mới là mấu chốt của vấn đề”, ông Cường nhấn mạnh.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/huong-di-dung-nhung-phuong-an-nhan-su-chua-kha-thi-i332431/