Hướng đi cho ngành dược liệu

Để khai thác tiềm năng dược liệu, Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ phê duyệt nhiều chương trình như: Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước hàng năm…

Theo Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng y dược cổ truyền ngày càng cao, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đang dần mở rộng, trong đó, có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập và nhiều cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng dược liệu, vị thuốc cổ truyền thông qua hình thức đấu thầu theo quy định.

Thống kê hàng năm, dược liệu được sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cả về chủng loại và số lượng các mặt hàng (tăng khoảng 10%/năm) với tổng khối lượng ước tính 3.000 tấn/năm với khoảng 300 loại dược liệu. Ngoài ra, còn lượng lớn các dược liệu sử dụng trong hệ thống khám, chữa bệnh tư nhân và người dân tự mua về sử dụng.

Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm chức năng đang phát triển khá sôi động. Năm 2015, cả nước có hơn 3.000 cơ sở. Đến tháng 10/2016 có tổng số 5.698 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng; trong đó có 1.440 cơ sở sản xuất trong nước, 4.258 cơ sở kinh doanh.

Đã có 4.855 gần 6.000 sản phẩm sản xuất trong nước được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, hoặc chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 60,6%) tổng sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành (nhập khẩu 39,4%).

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nhu cầu sử dụng dược liệu để sản xuất thực phẩm chức năng ở Việt Nam là rất lớn, một năm khoảng 20.000 tấn. Tuy nhiên, hiện tại đa phần là nhập khẩu nguyên liệu, kể cả nguyên liệu thô cũng như nguyên liệu đã tinh chế (cao lỏng, cao đặc).

Cây sâm Ngọc Linh được một số tỉnh thành đầu tư và nhân rộng.

Chính vì vậy, để khai thác tiềm năng dược liệu, Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ phê duyệt nhiều chương trình như: Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước hàng năm…

Đặc biệt, Bộ Y tế đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương phát triển công nghiệp dược và dược liệu trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; tổ chức Hội chợ Dược liệu và các sản phẩm của Y, Dược cổ truyền toàn quốc; phối hợp với Bộ KH&CN và các đơn vị địa phương triển khai hàng loạt các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi cho xây dựng mô hình phát triển dược liệu ở 24 tỉnh TP trên cả nước.

Đến nay, đã có nhiều chương trình, dự án riêng phát triển tổng thể dược liệu trong nước nói chung và vùng dược liệu địa phương nói riêng đối với một số cây dược liệu đặc trưng và có giá trị kinh tế cao như: Quế ở Yên Bái; sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) ở Quảng Nam, Kon Tum; sâm Lai Châu ở các tỉnh miền núi phía Bắc;…

Để đảm bảo giá trị và phát triển của dược liệu trong nước, Bộ Y tế tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền…

Song song với đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện thực tiễn; định hướng phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu thành một ngành kinh tế đóng góp phát triển kinh tế xã hội.

Trong đó, tập trung phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, xây dựng chính sách thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất và sử dụng thuốc mới từ dược liệu trong nước theo hướng dẫn quốc tế; xây dựng chuỗi liên kết trong khai thác bền vững, nuôi trồng, chế biến, sản xuất, phân phối dược liệu…

Để nâng cao sức cạnh tranh, tạo cơ hội xuất khẩu nguồn dược liệu phong phú và quý giá, trong báo cáo Thủ tướng Chính Phủ về công tác quản lý và phát triển dược liệu, một trong các giải pháp được Bộ Y tế đề xuất là: Số hóa cơ sở dữ liệu nguồn tài nguyên dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác quản lý và kết nối thị trường.

Đặc biệt là cần xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu: từ đánh giá trữ lượng, qui trình khai thác bền vững, cấp giấy phép khai thác, nuôi trồng, chế biến, lưu thông phân phối và xuất nhập khẩu.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/huong-di-cho-nganh-duoc-lieu-169231117160804772.htm