Hướng đến vụ lúa xuân năng suất, chất lượng cao

Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 112.500ha lúa. Hiện nay, các địa phương trên toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác gieo cấy và tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật... để vụ lúa xuân đạt năng suất, chất lượng cao.

Diện tích sản xuất lúa tại xã Đông Văn (Đông Sơn).

Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn, vụ xuân năm nay, huyện Yên Định gieo cấy 8.600ha lúa, trong đó, diện tích lúa chất lượng cao khoảng 5.000ha; dự kiến năng suất bình quân đạt 71 tạ/ha. Với mục tiêu giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất, sản lượng, huyện Yên Định đã tập trung lên kế hoạch, quyết liệt chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất, kết hợp sử dụng chế phẩm phân hủy gốc rạ để tiêu diệt nguồn sâu bệnh tàn dư từ vụ trước. Sau đó, tập trung gieo cấy đảm bảo thời vụ, với những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm nay, trên cơ sở lịch thời vụ của huyện làm căn cứ, các xã, thị trấn đã chủ động tính thời điểm gieo mạ phù hợp cho từng giống và từng trà lúa của địa phương; mỗi cánh đồng chỉ sử dụng từ 1-2 loại giống. Tuy nhiên, để người dân tin tưởng và mạnh dạn thay thế các giống lúa cũ, các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền và xây dựng nhiều mô hình sử dụng giống mới chất lượng. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc cho người dân. Hiện nay, bên cạnh việc gieo trồng các giống lúa chất lượng cao, người dân ở một số địa phương đã sản xuất các giống lúa mới để chủ động nguồn giống tại chỗ, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Bên cạnh việc sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, người dân đã chú trọng ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo nguyên tắc “5 không”, đó là: Không chất bảo quản, không chất tạo mùi, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng giống chuyển gen. Đồng thời, quy trình sản xuất được tuân thủ nghiêm ngặt từ giống, gieo mạ, phân bón, quản lý dịch hại, kiểm soát nước và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học.

Vụ xuân 2024, huyện Hà Trung chú trọng đưa vào gieo cấy các loại giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, như: Thụy Hương 308, VT404, Thái Xuyên 111, Thiên Ưu 8 thế hệ mới, VNR20 thế hệ mới... Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng lúa ngay từ đầu vụ, huyện chú trọng chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng các mô hình sản xuất lúa tiêu chuẩn VietGAP. Tại xã Hà Sơn, giống lúa ST25 với ưu điểm gạo trong, cơm dẻo, vị đậm... đã được đưa vào sản xuất với diện tích gần 10ha. Đây là giống lúa thuần có khả năng thích ứng rộng, phù hợp với đồng ruộng, kỹ thuật canh tác của nông dân trên địa bàn xã; đồng thời, có khả năng chống chịu với các đối tượng dịch hại, như bệnh đạo ôn lá, bạc lá vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ... Từ đó, góp phần thay thế những giống lúa cũ có năng suất chất lượng thấp, bổ sung vào cơ cấu giống của địa phương, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo trên địa bàn. Bên cạnh đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cho người dân; hình thành thói quen sản xuất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ, thực hiện các biện pháp vệ sinh, bảo dưỡng dụng cụ phun thuốc sau mỗi lần sử dụng, ghi chép nhật ký sản xuất và các thông tin khác theo quy định của VietGAP. Từ đó, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như cung cấp cho thị trường sản phẩm gạo chất lượng cao.

Hiện nay, bên cạnh xã Hà Sơn, huyện Hà Trung đã xây dựng các mô hình sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao tại các xã Hà Lĩnh, Hà Sơn, Hà Lai, Yến Sơn...

Hướng đến vụ lúa xuân đạt năng suất, chất lượng cao, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang chú trọng thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và công tác dịch vụ phòng trừ sâu bệnh, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, đặc biệt lưu ý các đối tượng sâu bệnh chính như rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá. Đồng thời, chỉ đạo người dân thường xuyên thăm đồng, hỗ trợ người dân phòng trừ kịp thời, triệt để, không để phát sinh thành dịch. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chú trọng thực hiện các biện pháp thâm canh, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại, sinh học... theo nguyên tắc “4 đúng”. Tại các địa phương, chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thu hút doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm để hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung, tạo tiền đề nhân rộng cho các vụ sản xuất ở các năm tiếp theo. Đồng thời, trên những vùng sản xuất lúa chất lượng cao ưu tiên xây dựng nâng cấp hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng... bảo đảm yêu cầu tưới, tiêu khoa học.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huong-den-vu-lua-xuan-nang-suat-chat-luong-cao/206898.htm