Hướng đến thế giới không vũ khí hạt nhân

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa thông báo, Nhật Bản chính thức thiết lập 'Chương trình hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân' tại các cơ sở nghiên cứu nước ngoài và trung tâm nghiên cứu khoa học do nước này chủ trì.

Bước đi cụ thể hóa

Đây là bước đi cụ thể hóa một nội dung trong bài phát biểu của Thủ tướng Fumio Kishida tại Khóa họp lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 năm ngoái, trong đó cam kết đóng góp 3 tỷ yen (khoảng 20 triệu USD) cho nỗ lực đạt được mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Theo Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa, chương trình mới sẽ là sự kết hợp giữa 3 tổ chức tư vấn/viện nghiên cứu có trụ sở ở Mỹ, châu Âu, châu Á là Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, Trung tâm Giải trừ vũ khí, không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS). Ba tổ chức này đang đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng mạng lưới các quốc gia cùng chí hướng giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ngoài những nỗ lực ngoại giao nói chung, Nhật Bản cũng thông qua nhiều hình thức khác nhau, gồm triển khai thảo luận ở các cơ quan nghiên cứu học thuật và tổ chức các hội nghị quan trọng liên quan đến chủ đề này. Với vai trò chủ trì, Nhật Bản sẽ thúc đẩy “Chương trình hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân” nhằm tạo dựng một diễn đàn trao đổi học thuật và chính sách để góp phần làm rõ các luận điểm đang còn tranh cãi về sự cần thiết của “răn đe hạt nhân” và “giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Chương trình được thiết lập trong bối cảnh thế giới đang ngày càng e ngại về tình trạng sử dụng vũ khí trong các cuộc xung đột. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng cảnh báo: “Một cuộc chạy đua vũ trang mới đáng lo ngại đang diễn ra. Số lượng vũ khí hạt nhân có thể tăng lần đầu tiên sau nhiều thập niên”.

Một cơ sở hạt nhân tại Isfahan, Iran

Xói mòn cấu trúc kiểm soát hạt nhân

Năm 2023 được coi là năm mang tính bước ngoặt với vũ khí hạt nhân toàn cầu. Năm ngoái, thế giới chứng kiến sự xói mòn cấu trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân, liên quan đến hai cường quốc hạt nhân Nga và Mỹ. Nga ngừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) - thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ và thu hồi phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), với lý do Washington từ chối phê chuẩn thỏa thuận.

Báo cáo từ tổ chức phi chính phủ Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) cho biết, trong năm 2023, các quốc gia sở hữu đầu đạn hạt nhân (chính thức và không chính thức) đang có tới 9.576 đầu đạn loại này trong kho vũ khí, tăng từ 9.440 đầu đạn của năm trước. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí. Mỹ đang có khoảng 3.700 đầu đạn hạt nhân, gồm khoảng 1.419 đầu đạn hạt nhân chiến lược đã được triển khai. Nga có khoảng 1.550 vũ khí hạt nhân được triển khai (còn theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ - FAS, kho dự trữ của Moscow hiện có tới 4.489 đầu đạn hạt nhân).

Trong khi đó, khả năng làm giàu uranium trên diện rộng của Iran đang khiến dư luận quốc tế lo ngại. Tháng 10-2023, báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran đã làm giàu đủ uranium có độ tinh khiết lên tới 60%, gần mức cấp độ vũ khí, cho 3 quả bom hạt nhân. Tuy nhiên, phía Iran luôn bác bỏ việc làm giàu uranium vì mục đích vũ khí.

THANH HẰNG tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/huong-den-the-gioi-khong-vu-khi-hat-nhan-post728587.html