Hướng đến tăng trưởng xanh

Trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, lần đầu tiên chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) được giới thiệu và công bố. Đây là một hợp phần về môi trường được tích hợp trong điều tra PCI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm thúc đẩy cải thiện việc đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam. Qua đó, khuyến khích các địa phương quan tâm hơn đến yếu tố bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế.

Theo VCCI, PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương... PGI đo lường các tiêu chí trên thông qua 4 chỉ số thành phần với 44 chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố.

Tăng trưởng xanh là vấn đề được đặt ra trên phạm vi toàn cầu, nhất là với Việt Nam khi nước ta đang đối mặt với nhiều hệ lụy và nguy cơ ngày càng gia tăng về khí hậu và môi trường. Vì vậy, việc xây dựng một lộ trình phát triển bền vững với mục tiêu kép vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết.

Từ năm 2012, Việt Nam đã công bố Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh; đến ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1658/QĐ-TTg “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Có thể thấy, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng chính sách, kế hoạch và quan tâm dành nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng, tăng trưởng xanh đến nay mới đạt được những kết quả bước đầu.

Qua phân tích 4 chỉ số thành phần được tạo thành từ 44 chỉ tiêu cụ thể để đánh giá PGI năm 2022, điểm số của các địa phương trong nước hầu hết không cao. Đối với tỉnh Quảng Trị, điểm PGI năm 2022 đạt 13,49 điểm, xếp thứ hạng 53.

Cụ thể, điểm 4 chỉ số thành phần của tỉnh là: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đạt 3,31 điểm; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 4,99 điểm; Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường đạt 3,43 điểm; Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đạt 1,75 điểm.

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững như thực hiện dự án Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu TP. Đông Hà; thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (thuộc dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới - WB7); ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và mới. Đến nay, Quảng Trị có 19 dự án điện gió hoạt động với tổng công suất hơn 671 MW; hơn 18.300 ha rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC…

Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu nên điểm đánh giá chỉ số thành phần Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu theo bộ chỉ số PGI đạt thấp, ví dụ như chỉ số Chiều cạnh 3, sử dụng một chỉ tiêu đánh giá các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường của chính quyền tỉnh từ nguồn dữ liệu cứng sẵn tỉnh đạt 0,40 điểm (so với điểm số trung bình toàn quốc là 0,78 điểm).

Báo cáo đánh giá dựa vào dữ liệu Bộ Tài nguyên và Môi trường về số trạm quan trắc chất lượng không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân, đến nay tỉnh Quảng Trị chưa có trạm quan trắc chất lượng không khí nên bị chấm mức thấp nhất 0,00 điểm (điểm số trung bình toàn quốc là 0,06 điểm).

Để hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Quảng Trị đã tích hợp các mục tiêu tăng trưởng xanh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên và xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030. Trong những năm qua, tỉnh cũng ưu tiên phát triển các lĩnh vực nhằm đạt được sự hài hòa trong phát triển kinh tế với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

Tuy nhiên, vì chưa có một bộ tiêu chí đánh giá định lượng cụ thể nên kết quả vẫn mang tính chung chung. Vì thế, lần đầu tiên VCCI công bố chỉ số PGI được xây dựng với phương pháp thống kê khoa học, chặt chẽ và am hiểu về bối cảnh quốc gia sẽ là dữ liệu tin cậy để các địa phương theo dõi, rà soát, đánh giá xác định mức độ đạt được trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh; định vị được “mình đang ở đâu” trong lộ trình đó, từ đó xác định các giải pháp chính sách thực thi một cách hiệu quả.

Từ kết quả PGI năm 2022, tỉnh cần đổi mới cách tiếp cận, phân loại các nguồn lực tài chính thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, từ đó xác định nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và ưu tiên các hoạt động tương ứng cũng như xây dựng danh mục chương trình, dự án, đề án ưu tiên cần thực hiện. Tỉnh cần quan tâm hơn nữa việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường thông qua việc hoạch định và cung cấp thông tin kịp thời chính sách hỗ trợ của chính quyền với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Cần chọn lọc ưu tiên các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, đồng thời rà soát thu hẹp dần những ngành gây ô nhiễm, lãng phí tài nguyên, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường. Có định hướng, xây dựng chính sách hỗ trợ “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh, khuyến khích mua sắm xanh. Bên cạnh đó, cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/huong-den-tang-truong-xanh/176273.htm