Hương đất Vĩnh Thủy

Mười thế kỉ trước, trong hành trình Nam tiến của dân tộc, những người di cư từ các tỉnh phía Bắc vào đã chọn vùng đất bồi phía Nam sông Sa Lung lập làng sinh sống. Qua nhiều thế hệ các họ tộc cùng nhau vun đắp tạo dựng nên xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh với những làng quê hiền hòa, đáng sống như hôm nay.

Núi Linh Sơn ở xã Vĩnh Thủy. Ảnh: L.Q.H

Núi Linh Sơn giữa đồng bằng

Tương truyền, những người đi khai khẩn ngày đó khi tìm thấy doi đất dọc bờ Nam sông Sa Lung vượng khí nên quyết định đưa người dân đến sinh sống dần dần hình thành ra các làng quê của Vĩnh Thủy bây giờ. Ông Nguyễn Đăng Hạp, ở làng Thủy Ba Hạ, người cuối cùng trong đội quân bắt cọp Thủy Ba, năm nay 104 tuổi, kể rằng khi mới lập làng Vĩnh Thủy có ba hồ nước lớn, nên có tên gọi ban đầu là Ba Thủy, về sau đổi thành Thủy Ba, khởi thủy của xã Vĩnh Thủy.

Toàn bộ xã Vĩnh Thủy phát triển trên một địa hình mang đậm triết lí phong thủy phương Đông. Xã có 6 làng gồm Thủy Ba Đông, Thủy Ba Tây, Thủy Ba Hạ, Đức Xá, Linh Hải và Tân Thủy. Độc đáo nhất là giữa vùng đất bằng, ruộng nước ở Vĩnh Thủy lại nổi lên núi Linh Sơn, còn gọi đồi 74, hay Lòi Ren, điểm tựa vững chắc cho dân làng. Sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn có viết: “Núi Linh Sơn ở phía Tây huyện Minh Linh (Vĩnh Linh). Hình núi cao như con voi phục, cao hơn ngàn trượng, bốn mặt bằng rộng, ngọn núi tròn đẹp, có sông chảy ở phía Đông Bắc, các núi chầu ôm phía Tây, thật là một thắng tích…”. Bây giờ đứng từ Hồ Xá nhìn về phía Tây Nam sẽ thấy ngọn núi có hình con voi mẹp nổi cao giữa màu xanh bạt ngàn của rừng cây, ấy là núi Linh Sơn, ngọn núi thiêng cùng hai dòng sông hun đúc Vĩnh Thủy thêm vượng khí.

Nhìn từ trên cao xuống, xã Vĩnh Thủy phát triển trên một phương vị Đông Nam. Địa hình của Vĩnh Thủy nằm giữa hai con sông dài và sâu. Sông Sa Lung ôm trọn phía Đông Bắc, còn sông Bến Hải ôm trọn phía Đông Nam của vùng văn hóa Lâm- Sơn- Thủy. Theo thuật phong thủy, khí là cha, nước là mẹ, khí là bản thể của nước, nước là cái khí hữu hình, nơi có nước chứng tỏ nơi ấy có khí, dòng nước sâu, nguồn dài xa là khí vượng, phúc lộc càng lớn cho con cháu. Dòng sông Sa Lung, sông Bến Hải và núi Linh Sơn được xem là yếu tố tạo nên “địa lợi” làm cho Vĩnh Thủy độc đáo và nổi trội hơn các địa phương khác về nhiều mặt. Vĩnh Thủy là đất địa linh sinh nhân kiệt. Nhiều người nói rằng Vĩnh Thủy trở thành nơi đáng sống là nhờ có phong cảnh sơn thủy hữu tình, giao thông thuận lợi, môi trường sạch sẽ, không khí trong lành, sông suối chan hòa, người dân có tinh thần dũng cảm, thượng võ, luôn lạc quan. Chấm phá đôi nét để thấy tầm viễn kiến của cha ông khi chọn vùng đất này để lập làng, xã Vĩnh Thủy.

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Vĩnh Thủy được Huyện ủy Vĩnh Linh chọn xây dựng căn cứ địa cách mạng, còn gọi vùng chiến khu Thủy Ba, bởi đây là vùng đắc địa. Cả một vùng rừng núi hoang vu bật dậy sức sống mới của tinh thần kháng chiến. Nhà cửa, lán trại, hầm hào và hệ thống giao thông đường sá, liên lạc được xây dựng phục vụ kháng chiến. Bước sang cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Vĩnh Thủy là địa danh làm cho Mỹ khiếp sợ với sự kiện “Ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”. Đó là ngày 11/11/1966, quân dân Vĩnh Thủy trong một ngày bắn rơi 6 máy bay của quân đội Mỹ. Từ chiến công vang dội này, ngày 15/11/1966, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi nhân dân Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh. Bác viết: “Ngày 11/11/1966, quân và dân Vĩnh Linh đã đánh giỏi, thắng lớn, bắn rơi tại chỗ 6 máy bay, bắt sống giặc lái Mỹ. Đó là chiến công oanh liệt của một địa phương trong một ngày… Bác rất vui, thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ đặc biệt khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Vĩnh Linh. Các địa phương hãy ra sức thi đua đánh giỏi, thắng lớn như Vĩnh Linh”... Ngày đó xã Vĩnh Thủy vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năng động, sáng tạo

Trong câu chuyện hương đất Vĩnh Thủy, ông Phan Ngọc Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy tự hào vị trí địa lí và tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương là điểm nổi bật ít vùng quê có được. Người Vĩnh Thủy hiếu học và học giỏi, không chỉ sáng tạo trong lao động sản xuất, nhiều con em của xã còn giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng và chính quyền. Thời nhà Nguyễn, dân làng có người con làm đến chức quan Lãnh binh, là quan võ đứng đầu tỉnh, cùng với các quan Bố chính, Án sát, Đốc học hợp thành bộ tứ tham mưu để lãnh đạo, chỉ đạo ở tỉnh.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy nâng niu trang sử truyền thống của quê nhà. Ảnh: L.Q.H

Nối tiếp truyền thống yêu nước, cách mạng của cha ông, xã Vĩnh Thủy hôm nay có rất nhiều con em thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp với nhiều giáo sư, tiến sĩ. Ông Lê Văn Khuyến ở thôn Thủy Ba Đông năm nay tuổi ngoài 90 đang chuẩn bị củi để nấu bánh tét ăn tết cho biết, có 4 người con trai của ông học hành từ đại học, thạc sĩ, đến tiến sĩ hiện đang công tác tốt ở nhiều vị trí khác nhau. Thế hệ trước con em địa phương công tác ngoài tỉnh có Anh hùng lực lượng vũ trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trương Thị Khuê; Lê Vĩnh Thử, đại sứ Việt Nam tại Italia và Hi Lạp; PGS-TS Lê Văn Anh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế, Phó giám đốc Đại học Huế; GS-TS Thái Vĩnh Thắng; TS. Y khoa Lê Thị Hiền; Đại tá bác sĩ quân đội Lê Hải Ninh; Đại tá, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 384 Lê Vĩnh Tính… Lớp cha chú trước lớp con sau, thế hệ con cháu sau này của Vĩnh Thủy tuổi trẻ, chí cao cũng kịp trưởng thành, công tác ở các cơ quan, ban, ngành. Người dân Vĩnh Thủy có quyền tự hào về quê hương giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng của mình. Đặc điểm người dân Vĩnh Thủy là cần cù lao động, sáng tạo và đoàn kết, năng động trong phát triển kinh tế. Chuyện kể rằng sau năm 1973, lãnh đạo xã Vĩnh Thủy đã ra các tỉnh miền Bắc học tập công tác quy hoạch giao thông, thủy lợi, đất sản xuất, khu dân theo hình ô bàn cờ rất khoa học và quy hoạch này được bổ sung vào năm 2012. Nên khi cùng cả nước xây dựng nông thôn mới thì Vĩnh Thủy đã có sẵn 11 tiêu chí, có những nội dung tiêu chí đã hình thành sẵn trong những năm chiến tranh. Bởi vậy cùng với những nỗ lực mới đưa Vĩnh Thủy sớm về đích xã nông thôn mới rồi tiến lên làm giàu, nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2019.

Năng động, sáng tạo trong việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế nên Vĩnh Thủy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn xã có hơn 1.900 hộ dân, có đến hơn 1.000 ha cao su tiểu điền, 1.600 ha rừng trồng và gần 600 ha lúa, 120 trang trại các loại đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Xuân Cũng ở làng Thủy Ba Hạ sở hữu đến 10 ha cao su tiểu điền, có tích lũy từ thu nhập việc bán mủ cao su nên cuộc sống gia đình ông rất dư dả. Chất lượng sống gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác ở Vĩnh Thủy rất cao. Thu nhập bình quân của người dân Vĩnh Thủy đạt hơn 42 triệu đồng/năm.

Không phải ngẫu nhiên mà Vĩnh Thủy trở thành địa phương cấp xã duy nhất của tỉnh Quảng Trị vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kì đổi mới; Đảng bộ xã Vĩnh Thủy cũng là đảng bộ cấp xã duy nhất trong cả nước 43 năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Đó là kết quả của quá trình cống hiến không ngừng nghỉ để xây dựng quê hương, đất nước của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thủy. Thế hệ con em hôm nay biết kế thừa, phát huy, trân trọng những di sản quý báu, truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại, đoàn kết cùng nhau xây dựng Vĩnh Thủy giàu mạnh.

Lâm Quang Huy

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145667