Hướng dẫn tự spa đồng hồ cơ tại nhà

Tương tự động cơ xe, để có thể vận hành trơn tru và bền bỉ theo thời gian, đồng hồ cơ cũng cần được chăm sóc và bảo dưỡng.

Chăm sóc đúng cách sẽ giúp đồng hồ cơ hoạt động bền bỉ hơn. Ảnh: Bob's Watch.

Để cỗ máy thời gian nhỏ gọn trên tay có thể hoạt động, hàng trăm chi tiết bên trong phải “làm việc” xuyên suốt. Như động cơ xe, để có thể vận hành trơn tru và bền bỉ theo thời gian, đồng hồ cơ cũng cần được chăm sóc và bảo dưỡng.

Không cần quá cầu kỳ hay phức tạp, việc chăm sóc hoàn toàn có thể được thực hiện tại nhà. Dưới đây là hướng dẫn từ Time+Tide Watches về các bước bảo dưỡng, cũng như một số lưu ý khi bảo quản đồng hồ cơ.

Đeo hoặc lên dây thường xuyên

Đồng hồ cơ hoạt động dựa trên nguyên lý dây cót chính được lên dây thủ công hoặc tự động. Việc đeo thường xuyên giúp cơ chế này hoạt động trơn tru, dây cót giải phóng lực căng, kéo dài tuổi thọ và giữ độ chính xác cho đồng hồ.

Việc bảo dưỡng giúp đảm bảo độ chính xác và giữ giá trị đồng hồ tốt hơn.

Đồng hồ chronograph không cần hoạt động liên tục, bởi điều này cũng khiến linh kiện bị mòn. Ngược lại, nếu để bộ máy “nằm im” trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng bộ máy khô dầu, ảnh hưởng đến hiệu suất và độ chính xác.

Một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm, đó là về việc lên dây cót cho đồng hồ liệu có cần thiết? Theo Time+Tide Watches, tần suất lên dây phụ thuộc vào việc bạn đeo đồng hồ thường xuyên như thế nào.

Hầu hết đồng hồ có thể ngừng sử dụng một thời gian, chỉ cần thỉnh thoảng lên dây. Riêng với đồng hồ lịch vạn niên, để tránh các tinh chỉnh phức tạp sau này, đồng hồ nên được đặt trong hộp lên dây cót (watch winder) nếu không thường xuyên đeo.

Tránh nam châm

Có thể coi nam châm như kẻ thù của đồng hồ cơ, bởi đây là thứ khiến đồng hồ hoạt động không chính xác. Từ trường của nam châm ảnh hưởng đến các linh kiện bên trong, đặc biệt là lò xo cân bằng.

Tránh để đồng hồ tiếp xúc với hóa chất hoặc từ trường mạnh.

Lò xo cân bằng là một phần rất mỏng (chỉ 0,03 mm), nếu không chống từ, lò xo này có thể bị hút lại với nhau dưới tác động của nam châm, dẫn đến mất khả năng điều hòa nhịp và khiến đồng hồ chạy sai giờ.

Những vật dụng thường ngày chúng ta sử dụng đều có thể có nam châm, như loa hay laptop hay điện thoại.

Nhiều đồng hồ hiện đại sử dụng hợp kim chống từ hoặc lò xo mới được sản xuất bằng chất liệu silic cũng hạn chế phần nào ảnh hưởng từ nam châm,. Tuy nhiên, để đồng hồ hoạt động tốt nhất, tránh xa nam châm vẫn là phương án tối ưu.

Trong trường hợp nếu đồng hồ đã bị từ trường ảnh hưởng, tin tốt là nam châm không gây hư hỏng vĩnh viễn, và thợ sửa đồng hồ có thể khắc phục sự cố này.

Hiểu rõ về khả năng chống nước

Các nhà sản xuất đồng hồ đã nỗ lực để ngăn nước xâm nhập trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên, mọi thứ đều có giới hạn.

Dù được quảng cáo là chống nước, nhưng thực tế không có đồng hồ nào chống được nước hoàn toàn.

Thuật ngữ chống nước (waterproof) dễ gây hiểu lầm, vì thực tế mọi đồng hồ đều có thể bị nước vào.

Khả năng chống nước được đo bằng ATM (atmosphere), tương ứng với áp lực nước ở độ sâu nhất định.

Chẳng hạn, một chiếc đồng hồ được đánh giá là có khả năng chống nước ở độ sâu 30 mét, tức là nó đã được thử nghiệm ở áp suất 3 ATM, gần tương đương với độ sâu đó.

Giữ đồng hồ không bị va chạm, tác động mạnh

Ngoại trừ các loại đồng hồ được thiết kế cho lĩnh vực thể thao hoặc dùng trong những môi trường khắc nghiệt, có khả năng chịu được va đập mạnh, điển hình như nhà G-Shock hoặc dòng Big Pilot Shock Absorber của IWC.

Tốt nhất bạn nên tránh làm rơi hoặc khiến đồng bị va chạm mạnh, đặc biệt là các đồng hồ cổ. Những cỗ máy có tuổi này thường không có hoặc có khả năng chống sốc kém.

Bảo dưỡng thường xuyên

Giống như xe ô tô chạy 100.000 km mà không thay nhớt, bugi, thậm chí không được kiểm tra, đồng hồ cơ cũng cần được bảo dưỡng.

Bảo dưỡng đồng hồ thường xuyên giúp đồng hồ kéo dài tuổi thọ.

Bộ máy đồng hồ được tạo thành từ các chi tiết chính xác, hoạt động liên tục dưới ma sát. Ma sát giúp đồng hồ hoạt động nhưng cũng gây mòn các chi tiết, ảnh hưởng đến độ chính xác và tuổi thọ của cỗ máy.

Việc bảo dưỡng không đảm bảo đồng hồ sẽ luôn hoạt động hoàn hảo, nhưng chắc chắn sẽ hoạt động tốt hơn so với chiếc Seiko 20 năm tuổi không bao giờ được kiểm tra và chăm sóc.

Thời gian kiểm tra đồng hồ được khuyến cáo là sau 5 năm, khi đồng hồ bắt đầu có dấu hiệu sai giờ.

Đầu tư hộp đựng hoặc giá đỡ đồng hồ

Nhiều người có thói quen đặt đồng hồ lung tung, như nhét vào ngăn kéo hoặc đặt trên bệ cửa sổ.

Để bảo quản đồng hồ tốt, cần giữ đồng hồ ở nơi khô ráo và mát mẻ. Tránh xa nơi có không khí ẩm để ngăn ngừa gỉ sét, tránh xa cửa sổ để ngăn bụi bẩn.

Sử dụng hộp đựng đồng hồ hoặc giá đỡ để cất giữ đồng hồ khi không sử dụng.

Bên cạnh đó, cần tránh ánh nắng trực tiếp, bởi nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến vòng đệm và chất bôi trơn bên trong.

Bạn có thể cân nhắc đến Séc sắm sửa chiếc hộp đựng hoặc giá đỡ đồng hồ chuyên dụng để bảo quan bộ sưu tập của mình tốt nhất.

Đánh bóng đồng hồ

Có nên đánh bóng đồng hồ khi bị trầy xước là tùy thuộc vào sở thích của người đeo. Một số người cho rằng những vết trầy là một phần câu chuyện tạo nên chiếc đồng hồ, thể hiện dấu ấn thời gian. Ngược lại, có nhiều người lại cảm thấy khó chịu với những mảng màu không hoàn hảo.

Về mặt chức năng, chiếc đồng hồ vẫn hoạt động bình thường bất kể có trầy xước hay không. Hầu hết mọi người sẽ không để ý đến những chi tiết nhỏ.

Nên vệ sinh đồng hồ bằng khăn mềm và dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Ảnh: Watch Obsession.

Tuy nhiên, nếu bạn quyết định đánh bóng đồng hồ, hãy tìm đến những người thợ chuyên nghiệp uy tín. Việc đánh bóng không đúng cách có thể làm hỏng vẻ đẹp nguyên sơ và giảm giá trị của đồng hồ.

Giữ đồng hồ sạch sẽ

Mồ hôi và bụi bẩn có thể bám vào các vị trí như dây đeo, nắp lưng, trong khe các vấu,… nếu đồng hồ được đeo thường xuyên. Nếu không vệ sinh kỹ càng, lớp bụi bẩn này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của đồng hồ.

Để làm sạch đồng hồ, đầu tiên, tuyệt đối không sử dụng hóa chất tẩy rửa mạnh vì lớp ngoài hoàn thiện và làm hỏng gioăng cao su. Sau đó, dùng bộ dụng cụ chuyên dụng làm sạch đồng hồ để đảm bảo các bộ phận không bị hư hỏng.

Cuối cùng, vặn chặt núm vặn và rửa sạch lại bằng nước, sau đó dùng khăn khô lau. Việc vệ sinh đồng hồ thường xuyên giúp duy trì độ bóng đẹp và đảm bảo vệ sinh cho vùng da tay đeo đồng hồ.

Như Phương

Ảnh minh họa: Time+Tide Watches

Nguồn Znews: https://znews.vn/huong-dan-tu-spa-dong-ho-co-tai-nha-post1463030.html