Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho giáo viên, học sinh

Các thầy cô giáo và học sinh trường tiểu học Đông Thái (Hà Nội) được nghe tuyên truyền, phổ biến một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Chiều 12/4, tại Hà Nội,Chi hội Luật gia phường Bưởi phối hợp với UBND phường; Hội Luật gia quận Tây Hồ, Phòng Giáo dục quận Tây Hồ, Hội Chữ thập đỏ phường Bưởi tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hướng dẫn thầy cô, học sinh trường tiểu học Đông Thái về cách thức nhận biết các loại chất thải rắn sinh hoạt và cách phân loại, biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Dự Hội nghị có ông Lê Trung Đức – Ủy viên Ban thường vụ Hội Luật gia Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Luật gia quận và bà Phạm Thị Thanh Giang – Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia quận Tây Hồ; bà Phan Thị Thúy Nga – Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên thường vụ Hội Luật gia quận, Chi hội trưởng, chi hội Luật gia phường Bưởi; bà Nguyễn Thị Phương Lan- Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thái.

Cùng đại diện các phòng Giáo dục và Đào tạo quận; đại diện công chức tư pháp hộ tịch UBND phường; đại diện Hội Chữ thập đỏ phường Bưởi và trên 60 các em học sinh cùng các thầy cô giáo trường Tiểu học Đông Thái.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, bà Phan Thị Thúy Nga đã tuyên truyền, phổ biến một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và hướng dẫn cách thức nhận biết, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình tới các em học sinh và các thầy cô giáo.

Theo bà Nga, môi trường sống là hết sức quan trọng với mỗi con người. Môi trường ở nước ta và các nước trên thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường của nhiều khu vực vào một số thời điểm đã vượt ngưỡng cho phép. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã tạo áp lực lớn lên môi trường dẫn đến chất lượng môi trường của nhiều khu vực, trong đó có nước ta vượt ngưỡng cho phép và có thời điểm không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

Bà Phan Thị Thúy Nga tuyên truyền, phổ biến một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội khóa XIV ban hành ngày 17/1/2020 với 16 Chương và 171 điều, Luật đã quy định rõ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân không còn khuyến khích nữa mà là bắt buộc thực hiện.

Tại Điều 6, Luật Bảo vệ môi trường quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường: Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tại Điều 60, khoản 1, từ mục a đến mục đ đã quy định đối với hộ gia đình và cá nhân như sau: Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định; Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư;

Không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh;

Chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật; Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.

Điều 75 của luật quy định chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; và chất thải rắn sinh hoạt khác…

Ngày 7/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường.

“Do vậy, để bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn chất thải tái chế, nâng cao ý thức, nhận thức của hộ gia đình, người dân để tiến hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình là hết sức cần thiết”, bà Nga nhấn mạnh.

Các thầy cô giáo.

Cùng các em học sinh trường tiểu học Đông Thái chăm chú lắng nghe.

Thông qua hoạt động này, bà Nga mong các thầy cô giáo và các em học sinh nắm được và thực hiện để tuyên truyền, lan tỏa với mục đích vào ngày 01/01/2025 khi cả nước thực hiện sẽ không có hộ gia đình, người dân nào của phường Bưởi bị xử phạt vi phạm về lĩnh vực môi trường, thiết thực đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, góp phần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, thiết thực đóng góp vào kết quả xây dựng phường Bưởi đạt chuẩn “Đô thị văn minh”.

Hội nghị hướng dẫn thầy cô, học sinh trường tiểu học Đông Thái về cách thức nhận biết các loại chất thải rắn sinh hoạt và cách phân loại, biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Đồng thời, đề nghị ban giám hiệu nhà trường đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh một tuần từ 2-3 buổi với phương châm “mưa dầm, thấm lâu” giúp các em học sinh hiểu và nhớ để cùng gia đình thực hiện tốt các quy định của Luật Bảo vệ môi trường

“Bởi nếu mỗi hộ gia đình, cá nhân hiểu và có hành động nhỏ phân loại chất thải trước khi mang đi thu gom, xử lý sẽ mang lại nghĩa rất lớn đó là giảm tải chất thải ra môi trường, góp phần vào việc bảo vệ môi trường luôn trong lành, sạch, đẹp, thiết thực nâng cao sức khỏe, tuổi thọ cho bản thân và người thân trong gia đình”, bà Nga nói.

Bà Hoàng Thị Hải Yến chia sẻ tại Hội nghị.

Bà Hoàng Thị Hải Yến - Chủ tịch Công đoàn trường tiểu học Đông Thái cho biết sau Hội nghị này sẽ thường xuyên tuyên truyền cho học sinh để học sinh trong toàn trường có ý thức trong phân loại rác tại nguồn cũng như bảo vệ môi trường.

Ông Lê Trung Đức – Ủy viên Ban thường vụ Hội Luật gia Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ kết luận Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, ông Lê Trung Đức mong muốn các thầy cô giáo giúp các em học sinh hình thành ý thức, nhận biết được chất thải và biết cách hướng dẫn thêm những người thân trong gia đình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đúng cách. Góp phần xây dựng quận Tây Hồ trở thành quận trung tâm “Dịch vụ - Du lịch - Văn hóa” của Thủ đô.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/huong-dan-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-cho-giao-vien-hoc-sinh-a658781.html