Hướng dẫn dạy học, ôn tập các kì thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Từ năm học 2024-2025, học sinh bước vào các lớp cuối cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị cho công tác ôn tập, tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024-2025 và thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã ban hành phạm vi và cấu trúc đề thi của các môn học.

Nhà giáo Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái động viên các đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm học 2023 - 2024.

>> Một số lưu ý dạy và ôn tập Ngữ văn trong kì thi tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có mục tiêu chính là giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, theo phương thức dạy những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ và chú trọng thực hành, để học sinh biết vận dụng những điều đã học vào thực tế. Chương trình sẽ cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức và kỹ năng để giúp các em phát triển thành những công dân thành đạt và có trách nhiệm; giúp các em tìm hiểu về các chủ đề quan trọng như đạo đức, trí thông minh, thể chất, nghệ thuật và các kỹ năng cơ bản, cũng như cách phát triển tài năng và tiềm năng của chính các em.

Để thực hiện hiệu quả chương trình và sách giáo khoa mới, công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cần thực hiện theo hướng tiếp cận năng lực. Đây là việc đánh giá kiến thức, kĩ năng và thái độ trong của học sinh trong những bối cảnh có ý nghĩa, chú trọng vào khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau.

Chính vì thế, để chuẩn bị cho công tác ôn tập, tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Tin học năm học 2024-2025, thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024-2025 và thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã ban hành Công văn số 76/SGDĐT-QLCL, ngày 15/01/2024 về việc hướng dẫn công tác ôn tập các kỳ thi tuyển sinh trung học, thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Theo đó, phạm vi và cấu trúc đề thi của các môn học đều có sự thay đổi nhất định nhằm phù hợp và đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Trong kỳ thi học sinh giỏi trung học cơ sở, các môn thi, bài thi đều bám sát yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Đáng lưu ý nhất là 2 môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý sẽ có các bài thi của các chuyên đề đặc thù. Cụ thể, với môn Khoa học tự nhiên, thí sinh có thể chọn thi một trong ba bài thi theo chủ đề của các phân môn: Khoa học tự nhiên 1, Khoa học tự nhiên 2, Khoa học tự nhiên 3. Mỗi bài thi của môn Khoa học tự nhiên có phần kiến thức chung chiếm 03/20 điểm, tập trung ở các mức độ nhận biết và thông hiểu, điều này phù hợp với yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới và xu hướng tích hợp liên môn của các môn khoa học hiện nay.

Các bài thi này cũng sẽ chú trọng hơn các kĩ năng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn; giảm các bài tập nặng về Toán, chú trọng các câu hỏi có nhiều bản chất của phân môn, phù hợp với thực tế trong nghiên cứu khoa học và đời sống.

Tương tự như vậy, thí sinh có thể chọn một trong hai bài thi với môn Lịch sử - Địa lý theo chủ đề của các phân môn: Lịch sử - Địa lý 1, Lịch sử - Địa lý 2. Các bài thi cũng có phần kiến thức chung chiếm 03/20 điểm, tập trung ở các mức độ nhận biết và thông hiểu; các bài thi sẽ không yêu cầu kĩ năng khai thác Atlat Địa lý Việt Nam.

m ôn Toán , đề thi sẽ tăng các bài toán thực tế và thêm phần thống kê, xác suất. Thí sinh được phép sử dụng các kết quả sau: công thức hoán vị, chỉnh hợp, tổ hợp; định lí Ceva, Menelaus; các kết quả về phương tích của một điểm đối với một đường tròn; các kết quả về trục đẳng phương của hai đường tròn; định lí:

\

Với môn Ngữ văn , đề thi sẽ có thêm phần đọc hiểu chiếm 6/20 điểm, yêu cầu này phù hợp với việc tăng cường rèn luyện, định hình năng lực đọc cho học sinh của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, phần làm văn sẽ giảm xuống còn 14/20 điểm, trong đó viết bài văn nghị luận xã hội chiếm 6 điểm và viết bài văn nghị luận văn học chiếm 8 điểm. Phạm vi kiến thức, kĩ năng của đề thi nằm trong toàn bộ chương trình trung học cơ sở (đến hết lớp 9); ngữ liệu sử dụng phần đọc hiểu sẽ nằm ngoài sách giáo khoa, là kiểu văn bản và thể loại nằm trong phạm vi đọc hiểu và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

Với môn Tiếng Anh , đề thi sẽ tăng cường thêm một bài kiểm tra kĩ năng nghe và bớt bài tập chia động từ để cân bằng điểm giữa các kỹ năng và giúp học sinh tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh trong các tình huống thực tiễn.

Với môn Tin học , thí sinh có thể sử dụng thêm ngôn ngữ lập trình Java bên cạnh các ngôn ngữ lập trình quen thuộc Pascal, C++ và Python.

Trong kỳ thi học sinh giỏi trung học phổ thông, các môn thi, bài thi cũng bám sát yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và chương trình chuyên sâu của Bộ Giáo dục và Đào tạo

môn Toán , đề thi sẽ tăng các bài toán thực tế, thay đổi trong nội dung phần "Phương trình”; thêm các nội dung trong phần "Xác suất”; thêm các bài toán về dãy số, cấp số; thay "Bất đẳng thức” bằng "Dãy số nâng cao”; thay "Số học, tổ hợp” bằng "Lí thuyết đồ thị”… để phù hợp với chương trình và sách giáo khoa mới.

Thí sinh cũng được phép sử dụng các kết quả sau: Định lí Ceva, Menelaus, Ptoleme, Định lí con bướm; kết quả về phương tích của một điểm đối với một đường tròn, trục đẳng phương của hai đường tròn, tâm đẳng phương của ba đường tròn; kết quả về hàng điểm điều hòa, tứ giác điều hòa; mọi dãy đơn điệu tăng và bị chặn trên đều hội tụ; mọi dãy đơn điệu giảm và bị chặn dưới đều hội tụ; hàm số y = f (x) liên tục trên đoạn [a; b] và có đạo hàm trên khoảng (a;b) thì tồn tại một số c thuộc khoảng (a; b) sao cho ƒ(b)-f (a) = f' (c) (b-a).

Với môn Ngữ văn, đề thi cũng sẽ có thêm phần đọc hiểu chiếm 4/20 điểm để phù hợp với việc tăng cường rèn luyện, định hình năng lực đọc cho học sinh của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, phần làm văn sẽ giảm xuống còn 16/20 điểm, trong đó viết bài văn nghị luận xã hội chiếm 6 điểm và viết bài văn nghị luận văn học chiếm 10 điểm. Phạm vi kiến thức, kĩ năng của đề thi nằm trong toàn bộ chương trình trung học phổ thông (đến hết lớp 12); ngữ liệu sử dụng phần đọc hiểu sẽ nằm ngoài sách giáo khoa, là kiểu văn bản và thể loại nằm trong phạm vi đọc hiểu và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

Các bài thi của Vật lý, Hóa học, Sinh học cũng sẽ chú trọng hơn các kĩ năng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn; giảm các bài tập nặng về Toán, chú trọng các câu hỏi có nhiều bản chất của phân môn, phù hợp với thực tế trong nghiên cứu khoa học và đời sống.

Với môn Tiếng Anh, đề thi cũng sẽ tăng cường thêm một bài kiểm tra kĩ năng nghe và bớt bài tập chia động từ để cân bằng điểm giữa các kỹ năng và giúp học sinh tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh trong các tình huống thực tiễn.

Với môn Tiếng Trung Quốc , độ khó của đề thi được nâng cao hơn so với những năm học trước và tương đương với trình độ HSK 5 – HSK 6. Đề thi đã có sự điều chỉnh các phần nhằm tăng độ khó và vẫn tập trung vào 03 kĩ năng: nghe, đọc và viết (kĩ năng nói sẽ kiểm tra trong kỳ thi lập đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia).

Với môn Tin học , thí sinh có thể sử dụng thêm ngôn ngữ lập trình Java bên cạnh các ngôn ngữ lập trình quen thuộc Pascal, C++ và Python.

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, môn Toán và Ngữ văn đều có những thay đổi lớn

Ở môn Toán, thay vì thi trắc nghiệm khách quan 100% như những năm trước, đề thi sẽ có sự kết hợp giữa thi trắc nghiệm và tự luận, trong đó phần trắc nghiệm chiếm 40%, phần tự luận sẽ chiếm 60%.

Với môn Ngữ văn , đề thi xác định rõ hơn các kĩ năng đọc, viết và mở rộng phạm vi các thể loại văn bản (ngoài văn bản văn học còn có các văn bản thông tin, văn bản nghị luận), các ngữ liệu khai thác ở cả phần đọc hiểu và viết đều nằm ngoài sách giáo khoa. Cấu trúc đề thi vẫn có 2 phần đọc hiểu và viết (làm văn), tuy nhiên phần đọc hiểu tăng 1 điểm, phù hợp với việc tăng cường rèn luyện, định hình năng lực đọc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời sẽ xuất hiện thêm các câu hỏi về đặc trưng thể loại và kết nối với vấn đề được rút ra từ ngữ liệu - yêu cầu học sinh phải vận dụng, liên hệ với thực tiễn.

Phần viết (làm văn) có tỉ lệ điểm thấp hơn so với đề thi những năm trước 1 điểm. Điểm mới nhất của phần này là có sự linh hoạt giữa yêu cầu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nếu đề thi từ năm 2024 trở về trước cố định câu nghị luận xã hội là đoạn văn (với 2 điểm, vấn đề đặt ra trong ngữ liệu phần đọc hiểu), nghị luận văn học là bài văn (với 05 điểm, ngữ liệu trong sách giáo khoa) thì đề thi từ 2025 sẽ linh hoạt, có thể yêu cầu học sinh viết đoạn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học hoặc viết bài nghị luận xã hội và đoạn nghị luận văn học; trong đó, phần đoạn văn với 2 điểm, phần bài văn với 4 điểm.

Các bài thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên cũng có nhiều điểm thay đổi

Thay đổi lớn nhất là bài thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Tin học. Từ năm 2023 về trước, thí sinh đăng ký vào lớp Tin học sẽ thi bài thi chuyên Toán, lấy kết quả bài thi này để xét tuyển. Từ năm 2024, thí sinh phải làm một bài thi tổ hợp theo hình thức tự luận, làm trên giấy. Bài thi có hai phần: kiến thức môn Toán (định hướng Tin) chiếm 5/10 điểm; kiến thức môn Tin (viết chương trình giải bài Toán) chiếm 5/10 điểm. Thí sinh cũng có thể sử dụng thêm ngôn ngữ lập trình Java bên cạnh các ngôn ngữ lập trình quen thuộc Pascal, C++ và Python.

Ở bài thi vào lớp chuyên Toán, đề thi sẽ tăng các bài toán thực tế và thêm phần thống kê, xác suất. Thí sinh cũng được phép sử dụng các kết quả sau: công thức hoán vị, chỉnh hợp, tổ hợp; định lí Ceva, Menelaus; các kết quả về phương tích của một điểm đối với một đường tròn; các kết quả về trục đẳng phương của hai đường tròn; định lí: "Cho là số nguyên tố và là số nguyên không chia hết cho , ta có: ”.

Với các bài thi tuyển sinh vào các lớp chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý sẽ lựa chọn các chuyên đề mang tính đặc thù của các phân môn, môn học phù hợp trong chương trình trung học cơ sở; sẽ không có các phần chung như trong đề thi chọn học sinh giỏi trung học cơ sở. Riêng bài thi tuyển sinh lớp chuyên Địa lý, không yêu cầu kĩ năng khai thác Atlat Địa lý Việt Nam.

Với môn Ngữ văn, cũng giống đề thi chọn học sinh giỏi trung học cơ sở, đề thi sẽ có thêm phần đọc hiểu chiếm 6/20 điểm theo yêu cầu tăng cường rèn luyện, định hình năng lực đọc cho học sinh của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Phần làm văn sẽ giảm xuống còn 14/20 điểm, trong đó viết bài văn nghị luận xã hội chiếm 6 điểm và viết bài văn nghị luận văn học chiếm 8 điểm. Phạm vi kiến thức, kĩ năng của đề thi nằm trong toàn bộ chương trình trung học cơ sở (đến hết lớp 9); ngữ liệu sử dụng phần đọc hiểu sẽ nằm ngoài sách giáo khoa, là kiểu văn bản và thể loại nằm trong phạm vi đọc hiểu và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

Với môn Tiếng Anh, đề thi sẽ tăng cường một bài kiểm tra kĩ năng nghe để cân bằng điểm của các kỹ năng và giúp học sinh tăng cường khả năng giao tiếp trong các tình huống thực tiễn.

Lưu ý trong dạy học, ôn tập

Từ phân tích trên, các thầy cô giáo và các em học sinh cần lưu ý một số nội dung trong dạy học, ôn tập.

Trước hết, việc dạy học, ôn tập cần bám sát mục tiêu, yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực, phẩm chất của người học; không phụ thuộc vào bộ sách giáo khoa mà nhà trường đã chọn và giảng dạy.

Trong mỗi bài học, thầy cô giáo cần xác định đúng kiến thức, kĩ năng, yêu cầu cần đạt để tổ chức dạy học hiệu quả. Đặc biệt, tăng cường kĩ năng vận dụng, liên hệ với thực tiễn nghiên cứu và đời sống theo đặc thù của bộ môn, phân môn. Đây là mục tiêu quan trọng mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới.

Cùng với đó, các thầy cô giáo cần căn cứ vào hướng dẫn của chương trình, nghiên cứu kĩ phạm vi kiến thức kĩ năng và cấu trúc đề thi để tổ chức dạy học, ôn tập đúng trọng tâm, hiệu quả trong từng tiết học, từng giai đoạn ôn tập.

Về phía học sinh, đối với mỗi tiết học, các em cần chuẩn bị bài học trước khi học trên lớp để quá trình học không bị lúng túng, cản trở bởi các đơn vị kiến thức mới. Sau mỗi bài học, học sinh cần nắm đầy đủ, vấn đề căn bản để tạo thành hệ thống kiến thức, kĩ năng. Các em cũng cần chủ động tự học, tự đọc để bổ sung những kiến thức, kĩ năng mới.

Thầy cô giáo và các em học sinh cũng cần tiếp tục phát huy các phương pháp dạy học tích cực, chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học. Trong đó, dạy học theo dự án, phương pháp làm việc nhóm… sẽ giúp học sinh phát huy tính chủ động, tích cực của cá nhân và khả năng cộng tác, làm việc nhóm cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm thông tin tri thức, giúp các em có cơ hội nhiều hơn thể hiện chính kiến, quan điểm, kích thích sự phát triển tư duy phản biện.

Đây cũng chính là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển năng lực, phẩm chất của người học, đáp ứng đúng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giáo dục 2018 đặt ra.

Trần Cảnh Huy (Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/318586/huong-dan-day-hoc-on-tap-cac-ki-thi-theo-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018.aspx